Sông Nhơm bị đầu độc bởi các cơ sở giặt bao bì. Ảnh: Minh Lương |
Sông Nhơm ô nhiễm
Rảo bước theo dọc triền tả, hữu sông Nhơm, trước mắt chúng tôi, dòng sông hiền hòa năm nao nay được đặt cho cái tên đầy cay đắng: Dòng sông chết. Những dòng nước thải trắng đục từ các cơ sở giặt và tái chế bao bì đổ ra, cứ đi được khoảng 50 - 100m lại xuất hiện một sở sở giặt và tái chế bao bì. Cùng với đó là một vài đường ống mang nguồn nước bẩn thải chảy ra sông.
Dừng chân ở một bãi bồi, phóng tầm mắt quan sát khúc sông Nhơm đang bị bức tử, chúng tôi và người dân nơi đây chỉ biết thở dài, thương xót. Người dân dẫn đường cho chúng tôi cho biết: “Gần 10 năm qua, tôi phải bỏ nghề sông nước vì các cơ sở giặt và tái chế bao bì xả thải ra môi trường. Nguồn thủy sinh vốn phong phú xưa nay gần như chết sạch. Chúng tôi cũng không dám sử dụng nguồn nước sông để tưới tắm, sinh hoạt vì sợ mang bệnh vào thân”.
Điều lạ, hầu hết các cơ sở giặt và tái chế bao bì với hoạt động xả thải đều lộ thiên. Một hộ dân (đề nghị không nêu tên) nói: “Doanh nghiệp bên cạnh nhà tôi hoạt động tái chế nhựa, giặt và tái chế bao bì quy mô lớn nhưng nguồn nước sử dụng đều thải ra sông Nhơm. Không những thế, mùi nhựa tái chế khét lẹt cũng khiến cuộc sống của chúng tôi bị đảo lộn. Các anh thấy đấy, không khí ô nhiễm bởi mùi nhựa tái chế, còn nguồn nước ngầm để sử dụng thì bị ô nhiễm nghiêm trọng do xả thải. Chúng tôi phải chấp nhận vì cái gọi là “tình làng nghĩa xóm”. Phản ánh sao được khi con, cháu mình đều là công nhân của các doanh nghiệp này”.
Sau hơn 1 giờ đồng hồ cùng người dân mục thị các cơ sở giặt và tái chế bao bì, chúng tôi không khỏi hoang mang khi tất cả các cơ sở, doanh nghiệp, công ty không được quy hoạch về một mối mà nằm rải rác trong các khu dân cư. Một thực tế mà ai cũng phải thừa nhận, doanh nghiệp cũng chẳng chối từ là chưa hề có giải pháp về môi trường, tất cả nước thải đều đổ ra con sông Nhơm.
Kiểm tra xử phạt rồi... bỏ đó
Ô nhiễm từ các cơ sở giặt bao bì trong khu dân cư. |
Qua tìm hiểu của PV, toàn xã Thái Hòa có 28 cơ sở giặt và tái chế bao bì phế liệu. Đây là những cơ sở hoạt động theo mô hình hộ gia đình, mặt bằng sản xuất chật hẹp, vị trí xưởng sản xuất được bố trí ven bờ sông Nhơm. Thiết bị phục vụ sản xuất đơn giản, thường có 1-2 máy giặt, công suất khoảng 5.000 bao bì/máy giặt/ngày và một máy xeo giấy (thu hồi khoảng 3-4 tạ bột giấy/máy giặt/ngày).
Trong đó, có 5 cơ sở ngoài giặt bao bì thu hồi bột giấy còn sản xuất thêm hạt nhựa (khoảng 1-1,2 tấn nhựa hạt/ngày), có một cơ sở dệt bao bì (công suất 1.000 bao bì/tháng). Các cơ sở sử dụng nước khoảng 100-200m3/ngày, cá biệt có cơ sở dùng đến 1.200m3 nước/ngày. Nguồn nước sử dụng chủ yếu là nước mặt lấy từ sông Nhơm. Nguyên liệu đầu vào là các vỏ bao bì xi măng, lưới nhựa, đồ gia dụng bằng nhựa thải... được các cơ sở này thu mua từ các đại lý trong và ngoài tỉnh về sơ chế và sản xuất.
Tại kết luận kiểm tra ngày 27/8/2018 của Thanh tra Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa cho thấy, về đăng ký kinh doanh, thủ tục hồ sơ môi trường, tài nguyên nước, các cơ sở này hầu hết đều không có hồ sơ, thủ tục bảo vệ môi trường. Có 14/28 cơ sở được UBND huyện Triệu Sơn cấp giấy phép đăng ký kinh doanh; có 1/28 cơ sở nộp đề án bảo vệ môi trường (không đạt yêu cầu) và cũng chỉ có 1/28 cơ sở có bản cam kết môi trường nhưng vẫn gây ô nhiễm môi trường... Về xử phát hành chính, có 27/28 cơ sở. Trong đó, 6/27 cơ sở không có bản cam kết bảo vệ môi trường; 10/27 cơ sở không có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn... mức phạt cơ sở cao nhất là 35 triệu đồng, thấp nhất là 25 triệu đồng, với tổng số tiền phạt là 792 triệu đồng. Đồng thời, yêu cầu 28/28 cơ sở này dừng ngay việc xử lý nước thải chưa qua xử lý ra sông Nhơm, trong đó 21/28 cơ sở dừng hoạt động sản xuất 6 tháng.
Đại diện Phòng TN&MT huyện Triệu Sơn cho rằng: “Chúng tôi đang thảo thông báo đến các cơ sở ở xã Thải Hòa phải dừng hoạt động đến khi đảm bảo các tiêu chí về môi trường. Về cơ bản, không thể đánh đổi môi trường lấy kinh tế, việc làm. Nếu các cơ sở muốn hoạt động lâu dài, bắt buộc phải đảm bảo các tiêu chí về bảo vệ môi trường. Xã chưa có nguồn nước sạch phải sử dụng nước ngầm, trong khi sông Nhơm từ lâu là bể chứa nước thải của các cơ sở. Nước thải ô nhiễm đã đành, các cơ sở này lại nằm trong khu dân cư nên bụi bặm, nguồn nước càng gây ô nhiễm hơn”.
Sáng 9/10, theo quan sát của PV, mọi hoạt động tại 28 cơ sở này vẫn diễn ra bình thường, nguồn nước thải vẫn đổ chảy ra sông Nhơm như thường lệ.
Ông Lê Bá Thành - Chủ tịch UBND xã Thái Hòa thừa nhận tình trạng các cơ sở giặt, tái chế bao bì hoạt động gây ô nhiễm đã tồn tại suốt gần 10 năm qua. Dù là xã được công nhận xã nông thôn mới nhưng vấn đề môi trường đã vượt qua khả năng xử lý của xã. Vì sao chính quyền không quy hoạch ra một vị trí mới với những yêu cầu, đầu tư về môi trường như nhiều khu, cụm công nghiệp khác, ông Thành lắc đầu: “Để đầu tư hình thành một cụm công nghiệp, về thủ tục đã khó, còn nguồn vốn đầu tư biết lấy từ đâu? Vừa rồi Thanh tra Sở TN&MT về kiểm tra đã yêu cầu các cơ sở này dừng hoạt động và phải hoàn thiện các hạng mục bảo vệ môi trường”. |
Tác giả: Minh Lương
Nguồn tin: Báo Gia đình và Xã hội