Trước đó, Báo Công lý có bài “Cơ sở chế biến bao bì xả thẳng ra sông Lèn”, phản ánh nhiều năm nay, cơ sở chế biến bao bì tại thôn Ngọc Trì, xã Đại Lộc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nước thải chỉ được lắng lọc qua loa rồi xả thẳng ra sông Lèn. Những tiếng ồn đinh tai, nhức óc của hệ thống máy xay, rửa đã "hành" người đi đường. Bao bì, chất thải được bày tràn lan trên mặt đê, mỗi khi xe ra vào đổ, bốc hàng thì tuyến đê lại bị cày tung lên, bụi bay mù mịt.
Các công nhân tham gia sản xuất ở đây không được trang bị bất kỳ dụng cụ gì để bảo vệ cho sức khỏe. Họ chủ yếu là người bản địa, do điều kiện kinh tế khó khăn mà phải chấp nhận làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại. Theo quan sát của chúng tôi, hệ thống dây điện, cầu dao được kéo nhằng nhịt, đặt ngay gần bể nước nguy cơ chập, cháy rất cao.
Biên bản kiểm tra của huyện Hậu Lộc |
Tại sao cơ sở chế biến bao bì này gây ô nhiễm môi trường, xả thải ra sông Lèn hoạt động một cách “vô tư” vài năm nay mà không hề bị kiểm tra, xử lý. Điều này khiến người dân không khỏi nghi ngờ, phải chăng có sự “tiếp tay” cho cơ sở gây ô nhiễm của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.
Sau khi Công lý phản ánh, các cơ quan ban ngành huyện Hậu Lộc đã vào cuộc kiểm tra. Kết quả cho thấy, cơ sở chế biến bao bì hoạt động từ năm 2011 nhưng chưa làm thủ tục hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh, đến năm 2015 thì phía đơn vị mới hoàn thiện thủ tục và hồ sơ pháp lý. Cơ sở sản xuất có diện tích 2.500m², thời gian hoạt động và chế biến trong ngày từ 5h sáng đến 18h chiều, số lượng công nhân làm việc trên 40 người, chủ yếu là bà con ở địa phương. Hiện nay sản lượng chế biến của cơ sở tăng cao, hoạt động của công ty diễn ra rầm rộ, cộng với số lượng bao bì nhập vào không kiểm soát, hệ thống xử lý nước thải thủ công, thiếu đất tập kết nguyên vật liệu…gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường quanh khu vực sản xuất.
Nước thải chảy trực tiếp ra sông Lèn |
Hầu hết các khu vực trong xưởng đều tập kết bao bì xi măng được thu mua từ nhiều nơi, hệ thống máy móc vận hành đã cũ kỹ gây ồn ào, hệ thống phòng cháy chữa cháy thiếu thốn, không đảm bảo, trang thiết bị bảo hộ lao động có nhưng công nhân không sử dụng. Điều đáng nói là, mặc dù chế biến bao bì với số lượng lớn như vậy, nhưng hệ thống xử lý nước thải của cơ sở còn thủ công, chính vì vậy nước thải vẫn chưa được lọc sạch đã thải trực tiếp ra sông Lèn, gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều hộ sống xung quanh.
Quyết định đình chỉ hoạt động cơ sở giặt bao bì tại xã Đại Lộc |
Trao đổi với PV, Chủ tịch UBND xã Đại Lộc Phạm Duy Tấn cho hay: “Tôi mới được điều chuyển sang địa phương này một thời gian ngắn nên chưa nắm bắt hết được tình hình. Sau khi nhận được thông tin xã đã cùng với huyện Hậu Lộc tiến hành kiểm tra. Báo phản ánh là đúng sự thật, chúng tôi xin tiếp thu. Đoàn đã yêu cầu chủ cơ sở trang bị đầy đủ và nhắc nhở công nhân mặc đồ bảo hộ, lắp đặt hệ thống, trang thiết bị phòng cháy chữa cháy đúng quy định, sắp xếp và vệ sinh bãi tập kết nguyên vật liệu gọn gàng, khoa học, xây dựng hệ thống xử lý nước thải đúng tiêu chuẩn… UBND xã Đại Lộc giám sát chặt chẽ và có báo cáo, yêu cầu phía chủ cơ sở chế biến tuân thủ và hoàn thành trước tháng 5/2018.”
Chủ tịch UBND xã Đại Lộc Phạm Duy Tấn trao đổi với PV |
Sau khi đoàn kiểm tra rút đi thì cơ sở Mình Hải vẫn ngang nhiên tiếp tục vi phạm. Ngày 23/4, phòng Tài nguyên và Môi trường tiếp tục kiểm tra, phát hiện cơ sở vẫn chưa có dấu hiệu khắc phục các lỗi vi phạm, 5 máy và hơn 40 nhân công vẫn miệt mài sản xuất từ 5h sáng đến 18h, nước thải vẫn ngày đêm xả xuống sông Lèn. Vì vậy UBND huyện Hậu Lộc có Quyết định số 968/QĐ-UBND tạm dừng hoạt động cơ sở chế biến bao bì Minh Hải vì cơ sở hoạt động chưa đảm bảo về an toàn lao động, phòng chống cháy nổ và ảnh hưởng đến môi trường. Đồng thời yêu cầu chủ cơ sở khắc phục các nội dung vi phạm như: Trang bị đầy đủ các dụng cụ, thiết bị bảo hộ lao động cho công nhân, bổ sung hệ thống phòng chống cháy nổ theo quy định; phối hợp với phòng Tài nguyên và Môi trường, đơn vị tư vấn để quan trắc quy hoạch lại khu vực tập kết nguyên vật liệu, thành phẩm và xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn; giao cho phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND xã Đại Lộc tiến hành theo dõi, giám sát, tăng cường công tác kiểm tra, nếu như cơ sở này còn vi phạm thì sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Tại sao một cơ sở chế biến bao bì xây dựng ngay hành lang tiêu thoát lũ, hoạt động không đảm bảo các quy định của pháp luật, gây ô nhiễm nghiêm trọng trong nhiều năm chỉ được phát hiện khi báo chí vào cuộc, lên tiếng. Hàng loạt lỗi vi phạm đã được chỉ ra nhưng phía UBND huyện Hậu Lộc không ban hành bất kỳ một quyết định xử phạt hành chính nào hoặc báo cáo cấp trên xử lý (nếu vượt thẩm quyền). Trách nhiệm của chính quyền địa phương, phòng ban, lãnh đạo huyện Hậu Lộc đến đâu cần được kiểm tra, làm rõ chứ không thể “ỡm ờ” cho qua chuyện.
Tác giả: Thanh Phương
Nguồn tin: Báo Công lý