Cuộc sống

Người phụ nữ thấm khổ vì lấy chồng chỉ sau 5 phút gặp gỡ

Không ai ép, Thu tình nguyện lấy anh Trào, chàng thanh niên ngồi lết trên sàn nhà. Phải gồng gánh cả gia đình, chị mới thấy mình quyết vội.

Giữa trưa nắng chang chang, chị Kiều Thị Thu (40 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) tất tả đội nón, chạy xe máy từ chỗ làm về nhà. Con trai lớn đã cắm sẵn nồi cơm, chị thoăn thoắt nhặt rau, thái thịt để chuẩn bị bữa cho cả nhà. Chỉ nghỉ hơn tiếng buổi trưa, Thu phải nhanh tay vì sợ trễ giờ.

Trên sàn nhà bừa bộn, anh Đào Xuân Trào (41 tuổi), chồng chị ngồi như quỳ, những ngón tay khó khăn ấn điều khiển tivi chơi cờ tướng. Thỉnh thoảng, đầu anh đột nhiên ngoẹo sang một bên.

Người phụ nữ khổ sở cả đời vì lấy chồng sau 5 phút gặp gỡ

Chị Thu hiện đau ốm vì rối loạn tiền đình não, làm việc quá sức có thể bị ngất. Chị chỉ sợ chẳng may gặp chuyện gì, hai con và chồng sẽ không biết nương tựa vào đâu. Ảnh: Nhật Minh.

Anh Trào sinh ra vốn lành lặn, nhưng năm 3 tuổi, sau một trận sốt nặng thì mang hình hài như bây giờ. Trào nói khó khăn và không rõ tiếng nên khách đến nhà, anh hay cười nhưng ít trò chuyện. Cả đời người đàn ông này chỉ quanh quẩn trong nhà.

"Bố dựng cho tôi một túp lều ngay sát lề đường, mua cho ít thứ lặt vặt để bán cho đỡ buồn. Hằng ngày, ông và các anh chị em cơm nước cho tôi", anh kể.

Năm 2005, Trào đến tuổi lấy vợ, gia đình nhiều lần nhờ người mai mối, nhưng các cô gái nhìn thấy anh đều từ chối.

Cách đó hơn 20km, ở huyện Quốc Oai, cô gái Kiều Thị Thu năm đó 27 tuổi, người nhỏ bé, sống bằng nghề chăn trâu, cắt cỏ, cùng mẹ nuôi 2 em trai. Cuộc sống nghèo khó nhưng thấy người tàn tật đói khổ, có bát cơm Thu cũng sẻ cho. Cũng lẽ đó, ngay lần đầu gặp Trào, chị đã muốn che chở cả đời cho anh.

Đầu tháng 7/2005, người quen chở chị từ Quốc Oai xuống Hà Đông giới thiệu. Nhìn thấy chàng thanh niên tật nguyền ngồi lê dưới đất, quần áo xộc xệch, hướng đôi mắt buồn về phía mình, ngọng nghịu khó nghe, nỗi xót thương tràn ngập trong chị. Không cầm lòng được, Thu quay sang bảo với người mai mối "em đồng ý thương anh ấy đấy". Từ lúc biết mặt đến lúc cưới đúng tròn một tháng.

Biết chuyện, hai chị gái Thu phản đối kịch liệt. Họ chửi em là dở hơi, bảo lấy Trào là cuộc đời chấm dứt, nhưng chẳng cản được cô. "Nhìn anh ấy tật nguyền, thương thì đồng ý cưới chứ chả yêu đương gì. Lúc đó đã biết khổ thế này đâu", chị chép miệng.

Trào lấy được vợ, cả làng ngạc nhiên, đổ xô đến xem mặt cô dâu. Nhà trai nhờ một người vào vai chú rể đi đón Thu. Khi xe hoa về đến nhà trai, Trào đi xe lăn ra đón vợ khiến nhà gái ai cũng sững sờ. "Đám cưới tôi chẳng khác nào đám ma. Nhiều người bên nhà tôi không biết mặt chú rể nên thấy anh ấy, ai cũng khóc như mưa, cỗ bàn chẳng buồn đụng", Thu sụt sùi nhớ lại.

Về làm vợ, chị sống trong căn lều trước giờ người chồng ở. Những việc nặng nhọc, cần đến bàn tay đàn ông, chị đều phải tự mình xốc vác hoặc nhờ hàng xóm, họ hàng. Chị quần quật làm phụ hồ, làm cỏ, dọn chuồng phân thuê để có tiền cho gia đình.

Hai cậu con trai lần lượt ra đời, nỗi lo trong chị ngày một lớn. Con nhỏ, mẹ phải đi làm. Anh Trào ở nhà chăm con, ít trò chuyện nên thằng bé 22 tháng tuổi vẫn chưa biết nói. Đêm nào Thu cũng ôm con khóc, cầu nguyện, sợ bé bị di truyền từ bố. 24 tháng, cu Hưng gọi "mẹ ơi", chị mừng như trúng số.

Cu bé tên Hiệp biết nói từ khi lên một, nhưng sợ con ngọng nghịu theo bố nên dù túng thiếu, chị vẫn cho con đi nhà trẻ sớm, chủ nhật mang cả hai con cùng đến chỗ làm. Hai con ngoan, thông minh là động lực sống của chị.

Bao năm qua, mỗi lần làng có đám cưới, ma chay, nhà nhà đàn ông chạy trước, nhưng riêng nhà Thu, đều là chị tất tả đội nón đi. "Nhà ngoại có việc gì chỉ ba mẹ con tôi đèo bòng nhau đi hoặc gọi em trai đến đón. 14 năm sống với nhau, tôi chưa một lần được đi đâu với chồng", tủi thân, nước mắt chị lại ứa ra.

Anh Trào dán nhãn khăn giấy giúp vợ để tăng thêm thu nhập. Tuy vậy, vận động khó khăn nên anh dán được không nhiều. Ảnh: Phan Dương.

Anh Trào dán nhãn khăn giấy giúp vợ để tăng thêm thu nhập. Tuy vậy, vận động khó khăn nên anh dán được không nhiều. Ảnh: Phan Dương.

Ba năm nay, xưởng tăm ít việc, Thu chuyển sang dán nhãn, đóng hộp khăn ướt cho một doanh nghiệp địa phương. Thương hoàn cảnh của chị, người chủ cho chị mang hàng về nhà để chồng con phụ thêm.

Mỗi tháng, anh Trào được trợ cấp 700 nghìn, cộng với tiền lương hàng tháng của người vợ hơn 5 triệu đồng. Sáng ra, chị cho hai con trai 10 nghìn quà sáng. Hai vợ chồng có cơm nguội thì ăn tạm, không thì nhịn đến trưa. Luôn nghĩ "ráo mồ hôi là ráo tiền", nên ốm đau chị ít khi xin nghỉ việc.

Năm 2015, nhờ chính quyền hỗ trợ cộng thêm tích góp, chị Thu xây được một ngôi nhà 2 tầng trên nền đất cũ 18 m2, có chỗ cho con học trên tầng hai. Chị chọn làm nhà chật, ở ngay ngã tư đường để chồng thỉnh thoảng có người qua lại hỏi han.

"Không có cái Thu xốc vác, cậu Trào làm gì tươm được như bây giờ. Thế mà vợ đi đâu một cái, cậu ấy lại ngồi cửa ló đầu ra xem chừng nhé", người hàng xóm kể.

Ngày còn ở túp lều tranh, đám thanh niên trong xóm hay kéo đến cửa nhà Trào chơi cờ, uống nước. Thấy chị nhanh miệng, hay cười, anh lại gọi vợ vào nhà. "Tôi đi làm về khuya, anh hay thắc mắc 'làm gì giờ này mới về', có khi khóa cửa, tôi lại phải gọi bố chồng mở hộ", chị tấm tức. Nhiều lúc, vì quá bế tắc, Thu định bồng con đi, nhưng anh Trào lại xin lỗi, bảo "cô đi thì tôi chỉ có nước chết", chị không đành.

Trước đây, xe lăn còn dùng được, Trào thường đến hàng xóm đánh cờ cho khuây khỏa, mấy năm nay lết quanh bốn bức tường, anh thừa nhận mình nóng nảy. "Nhiều khi buồn bực quá mới thế", Trào khó khăn giải thích.

Hai con đã lớn (lớp 4 và lớp 8) nên cuộc sống của Thu đỡ cơ cực hơn xưa. Tuy nhiên, gánh nặng một mình nuôi chồng con khiến nhiều lúc chị thấy quá sức.

"Bốn miệng ăn trông cả vào mình. Nếu lấy một người lành lặn, tôi có ốm đau còn có chồng xốc vác, đằng này...", Thu bỏ dở câu chuyện, vội vã cắp nón bước ra cửa, trời vẫn chang chang nắng.

"Cậu Trào tật nguyền nên cô Thu lấy chồng về đây, hàng xóm, chính quyền đều rất thương, tận tình giúp đỡ. Thu tốt nết, lại chịu thương chịu khó nên chồng con được nhờ", ông Nguyễn Hữu Khảm, tổ trưởng tổ dân phố nơi vợ chồng chị Thu sinh sống, nói.

Tác giả: Nhật Minh

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok