Ông Kiệm đang đứng trước 73 lô đất cán bộ xã bán trái thẩm quyền rồi thi nhau chiếm đoạt. Ảnh: Trần Lê |
Tham nhũng chồng tham nhũng
Vụ tham nhũng thứ nhất, từ phát hiện của người dân, UBND huyện Quảng Xương sau khi cử đoàn thẩm tra, xác minh đã có Kết luận số 35/KL-UBND ngày 26/8/2016, trong đó chỉ rõ, từ năm 2004 - 2014, Quảng Lộc bán 73 lô đất trái thẩm quyền (trong đó có 6 lô đổi đất lấy công trình, còn 67 lô bán cho dân). Tổng số tiền bán đất trái thẩm quyền 67 lô được 1.430.800.000 đồng.
Việc bán 73 lô đất này hoàn toàn không có văn bản nào của Đảng ủy, HĐND, UBND; không có chủ trương, không lập quy hoạch của huyện hoặc xã. UBND xã Quảng Lộc tự định giá đất, bán tràn lan (ngoại trừ có một biên bản họp của Thường trực Đảng ủy, UBND xã về việc thống nhất chủ trương đổi 6 lô đất lấy công trình). Sau khi bán đất xong, cán bộ UBND xã “thi nhau” mạnh ai người nấy thu tiền, phần lớn để chiếm đoạt bỏ túi riêng, không nộp tiền vào ngân sách Nhà nước.
Cụ thể, Trần Văn Phú - Chủ tịch UBND xã (giai đoạn 2004 - 2010) trực tiếp đứng ra thu 90 triệu đồng tiền của các hộ dân mua đất, không nộp vào ngân sách xã. Lê Duy Tuyên, cán bộ địa chính tự định giá đất, tự đứng ra thu với số tiền 701 triệu đồng bỏ túi. Nguyễn Trọng Luật, kế toán ngân sách xã, trực tiếp thu 200 triệu đồng, chỉ nộp 95 triệu đồng, còn 105 triệu đồng bỏ túi chiếm đoạt. Nguyễn Đình Nhung, thủ quỹ tự thu 439,8 triệu đồng, chỉ nộp 20 triệu đồng, còn 419,8 triệu đồng chiếm đoạt luôn. Như vậy, dù thu được hơn 1,4 tỷ đồng, nhưng Phú, Tuyên, Luật và Nhung đã chiếm đoạt hơn 1,3 tỷ đồng.
Hiện, Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương đã chuyển hồ sơ vụ việc này sang cơ quan điều tra Công an huyện để xử lý theo quy định của pháp luật.
Vụ tham nhũng thứ hai, trong năm 2016 và 2017, UBND xã Quảng Lộc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu mua đất. Sau đó, UBND huyện Quảng Xương đã ban hành 3 quyết định thu hồi hơn 45.000m2 đất và lên phương án bồi thường cho các hộ bị ảnh hưởng, với số tiền hơn 3,4 tỉ đồng. Lợi dụng vị trí công tác là cán bộ địa chính xã, Hoàng Văn Sơn lập hồ sơ khống cho nhiều hộ không có đất, rồi nhờ các hộ dân nhận tiền đền bù, kê khống thêm diện tích của những hộ nằm trong diện phải giải phóng mặt bằng. Và người ký chi trả tiền đền bù cho dân là ông Bùi Minh Thành, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã. Trong danh sách khống này có tên vợ của ông Trần Văn Nhẫn, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lộc và một số trưởng thôn ký nhận tiền… Trong "phi vụ" này, các "quan xã" Quảng Lộc bỏ túi hơn 1 tỷ đồng tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng.
Phát hiện ra việc tham nhũng của cán bộ xã, công dân Quảng Lộc đã viết đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng của huyện. Nhận được đơn tố cáo, Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương đã chỉ đạo thanh tra làm rõ vụ việc. Kết quả, Thanh tra huyện Quảng Xương đã chỉ ra UBND xã Quảng Lộc lập hồ sơ khống cho 10 hộ dân không có đất để nhận tiền bồi thường với số tiền hơn 272 triệu đồng; lập hồ sơ bồi thường tăng diện tích cho 45 hộ với diện tích 6.746m2, với số tiền gần 759 triệu đồng.
Và, ngày 19/6/2018, UBND huyện Quảng Xương đã chuyển toàn bộ hồ sơ liên quan đến vụ việc trên sang cơ quan điều tra để tiếp tục điều tra, làm rõ. Ngày 7/10/2018, Công an huyện Quảng Xương đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Hoàng Văn Sơn - cán bộ địa chính xã và Bùi Ngọc Dũng - trưởng thôn 3, để điều tra, làm rõ hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ. Tính đến thời điểm hiện tại, vụ án tham nhũng này có 6 bị can, trong đó bắt tạm giam 2 và cấm đi khỏi nơi cư trú 4. Hiện, vụ án vẫn đang tiếp tục mở rộng điều tra và số bị can sẽ không dừng lại ở con số 6.
Điều đáng nói, phanh phui ra 2 vụ tham nhũng trên đều chỉ do 1 công dân là ông Nguyễn Đình Kiệm, ở thôn 2, xã Quảng Lộc tố giác. Và, cả 2 vụ tham nhũng này, toàn bộ cán bộ, đảng viên của Đảng bộ xã Quảng Lộc, dù có tới 6 chi bộ và 250 đảng viên, nhưng không thể hiện được bất cứ vai trò gì trong việc tố giác và đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Ông Kiệm (mặc áo len trắng ngồi giữa) và một số nông dân đang phản ảnh với PV Báo Thanh tra. Ảnh: Trần Lê |
“Tôi không đơn độc”
Không chỉ là 2 vụ tham nhũng gần đây, mà gần 30 năm trước, Quảng Lộc (Quảng Xương) và Thọ Ngọc (Triệu Sơn) là hai "điểm nóng" tham nhũng gây xôn xao dư luận cả nước. Trung ương và chính quyền tỉnh Thanh Hóa mất rất nhiều thời gian, công sức và trí tuệ để giải quyết dứt điểm hai điểm nóng này.
Sơ bộ về vụ việc, cách đây gần 30 năm, ở Thọ Ngọc và Quảng Lộc, nông dân đấu tranh với nhiều khoản thu không đúng, đấu tranh với các vụ tham nhũng liên quan đến lãnh đạo xã, phản đối chính quyền địa phương trong việc quản lý đất đai, cách thức làm ăn… Tuy nhiên, từ chỗ nhân dân (trong đó có một số đảng viên) phản đối, đấu tranh đúng, nhưng quá đà, chệch hướng nên cuối cùng thành ra chống đối và phải trả giá rất đắt. Hàng chục đảng viên bị kỷ luật, trong đó rất nhiều đảng viên bị khai trừ ra khỏi đảng, thậm chí một số đảng viên bị khởi tố.
Sau lần “vấp ngã” đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thọ Ngọc đã rút ra bài học xương máu, những kinh nghiệm quý báu để không bao giờ lặp lại “vết xe cũ” (xin không đề cập đến xã Thọ Ngọc) nữa, nhưng còn Quảng Lộc thì… ngược lại.
Ông Nguyễn Đình Kiệm (ở thôn 2, xã Quảng Lộc), người duy nhất và trực tiếp tố giác 2 vụ tham nhũng, nhớ lại: Cách đây gần 30 năm, thời đó, toàn Đảng bộ Quảng Lộc có 72 đảng viên bị kỷ luật với hình thức khai trừ, trong đó có 16 bị khởi tố. Đặc biệt, chủ nhiệm hợp tác xã bị 12 tháng tù án treo, còn chủ tịch UBND xã bị khai trừ khỏi đảng. Những tưởng, đó là bài học đắt giá cho cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ và chính quyền xã Quảng Lộc, nhưng rất tiếc, hơn 5 năm trở lại đây, xã Quảng Lộc liên tiếp để xảy ra 2 vụ tham nhũng lớn.
Cũng theo ông Kiệm, những vụ tham nhũng lớn mà Đảng và Nhà nước ta phanh phui ra tại các tập đoàn, tổng công ty thời gian qua, với số tiền liên quan lên tới hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng, là những con số "khủng" hơn rất nhiều so với 2 vụ việc ở xã Quảng Lộc. Thế nhưng, ở vùng nông thôn như Quảng Lộc, con số trên 1 tỷ đồng mỗi vụ, thì với người dân nơi đây, quả là "khủng khiếp", đặc biệt tính chất hoàn toàn khác nhau do hàng chục đảng viên cùng vi phạm pháp luật.
Việc đấu tranh chống tham nhũng, qua trò chuyện với ông Kiệm, mới thấy hết được những khó khăn và phức tạp, vì ở nông thôn thường gắn bó các mối quan hệ họ hàng, anh em, làng xóm, láng giềng. Muốn chống tham nhũng thành công thì việc đấu tranh phải rất khoa học, bài bản từ khâu thu thập tài liệu, chứng cứ... đến cách tiếp cận các cơ quan chức năng từ huyện đến tỉnh và cả Trung ương.
Ông Kiệm trao đổi với phóng viên. Ảnh: Trần Lê |
Quan điểm của ông Kiệm là chống tham nhũng để bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, do vậy, đấu tranh phải cương quyết, chỉ đấu trí chứ không đối đầu. Việc đấu tranh chống tham nhũng phải nhận được sự ủng hộ, động viên tuyệt đối của bà con nhân dân, của các cơ quan chức năng, đặc biệt là có sự song hành của các cơ quan báo chí. Hiện, 2 vụ án tham nhũng trên đang dần đến hồi kết, nhưng ông Nguyễn Đình Kiệm vẫn rất cần sự quan tâm động viên, giúp đỡ của mọi người.
“Trong suốt hơn 5 năm qua, tôi không đơn độc. Tôi nhận được sự quan tâm, ủng hộ của rất nhiều bà con, của một số ban, ngành chức năng của huyện, của tỉnh và của Trung ương. Trực tiếp làm việc và động viên tôi có cả đồng chí Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội. Nhiều cơ quan báo chí, trong đó có Báo Thanh tra, luôn đồng hành, sát cánh với tôi trong hai vụ việc đấu tranh chống tham nhũng này”, ông Kiệm bộc bạch.
Ngoài ra, theo ông Kiệm, quá trình chống tham nhũng cũng phải đấu tranh chống lại sự cám dỗ của đồng tiền. Trong 2 vụ chống tham nhũng của ông, các đối tượng bị ông phanh phui, tố cáo không hề đe dọa, không xúc phạm danh dự của ông, mà chỉ vuốt ve, cám dỗ. Nhiều lần những cán bộ xã, thôn vi phạm pháp luật đã đến nhà ông, gợi ý chi rất nhiều tiền, cố tình bỏ lại 50 triệu đồng để ông bỏ qua, nhưng ông kiên quyết chối từ.
Ông Kiệm đem nộp 50 triệu đồng cho công an xã, số tiền các đối tượng “cố tình để quên” ở nhà ông. Ảnh Trần Lê |
Tuy nhiên, bản thân ông cũng không giấu những giờ phút chạnh lòng, buồn tủi và nhiều đêm ông khóc. Vì, ở tuổi 70, sức khỏe của ông đã yếu, mọi công việc gia đình đều phó thác trên đôi vai người vợ già lo toan, gánh vác.
Còn những người làm báo chúng tôi, trong lòng lại rất băn khoăn, trăn trở và lo lắng tìm câu trả lời: Tại sao Đảng bộ xã Quảng Lộc, dù có 6 chi bộ với 250 đảng viên, nhưng không có bất cứ vai trò gì trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở cả 2 vụ việc nêu trên?
Tác giả: Trần Lê
Nguồn tin: Báo Thanh tra