Đó là một trong những nội dung được nêu ra trong Báo cáo Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV. Cũng theo báo cáo này, cử tri đánh giá cao các hoạt động của Quốc hội có nhiều đổi mới, đặc biệt là hoạt động chất vấn của các ĐBQH dân chủ, trí tuệ, tăng tính tranh luận, qua đó nhiều vấn đề mà cử tri gửi gắm đã được xem xét, giải quyết hiệu quả; nhiều kiến nghị của cử tri đã được tiếp thu trong quá trình xem xét các luật, lựa chọn chuyên đề giám sát.
Toàn bộ 2.004 kiến nghị gửi đến Chính phủ, các bộ, ngành đã được nghiên cứu, giải quyết, trả lời, thanh tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường; về tình trạng lạm thu đầu năm học, bạo hành trẻ mầm non; về quy hoạch, hỗ trợ, tái định cư cho người dân Khu đô thị Thủ Thiêm,...
Bộ Công Thương đã chỉ đạo lực lượng QLTT tiến hành thanh tra, kiểm tra 728 cơ sở, phát hiện và xử lý 367 vụ vi phạm, chuyển cơ quan điều tra một số vụ vi phạm nghiêm trọng, như vụ VINACA, khăn lụa Khaisilk, xác minh dấu hiệu vi phạm với sản phẩm nhãn hiệu CONCUNG...Đặc biệt, trước phản ánh của cử tri và dư luận về hành vi lợi dụng danh nghĩa báo chí để "nhũng nhiễu" doanh nghiệp, đòi hối lộ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhanh chóng lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin, kịp thời xử lý vấn đề này.
Tuy vậy, một số văn bản trả lời cử tri có nội dung còn chung chung, chủ yếu là tiếp thu và sẽ nghiên cứu giải quyết nên khó khăn khi thực hiện. Thậm chí có cơ quan viện dẫn văn bản không liên quan để trả lời như cử tri Ninh Bình hỏi chế độ phụ cấp và nơi sinh hoạt của Phó trưởng Ban chuyên trách HĐND cấp huyện. Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện theo Nghị quyết số 1206 của UBTVQH (trong Nghị quyết không quy định về vấn đề này).
Một số văn bản ban hành chậm, ảnh hưởng đến người dân, nguồn thu của ngân sách. Mặc dù việc cải cách thủ tục hành chính, được Chính phủ chỉ đạo thực hiện rất quyết liệt, có nhiều chuyển biến, nhưng trong một số ít lĩnh vực việc cắt giảm còn hình thức, chạy theo số lượng có lĩnh vực chi phí cho một thủ tục lên tới hàng trăm giờ, hàng chục triệu đồng.
Công tác chống tham nhũng còn gặp nhiều khó khăn (ảnh minh họa) |
Ngoài ra, việc chống "tham nhũng vặt" còn chưa thực sự hiệu quả, cử tri đánh giá cao kết quả đạt được trong phòng chống tham nhũng, đặc biệt là công tác thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án lớn, tuy nhiên hiện tượng đòi "hối lộ", "lót tay", "phong bì" mà người dân phải đối diện hàng ngày khi thực hiện một số thủ tục hành chính ngày càng có những biểu hiện tinh vi, biến tướng, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến lối sống, đạo đức xã hội, nhưng chậm được phát hiện, xử lý qua thanh tra kiểm tra của cơ quan nhà nước.
Tình hình tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, số các vụ TNGT nghiêm trọng gia tăng, 9 tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra hơn 13.000 vụ TNGT, làm chết hơn 6.000 người. Cử tri rất lo lắng cho rằng, các giải pháp kiềm chế TNGT vẫn chưa hiệu quả, cần tiếp tục tổng kết, đánh giá tìm những giải pháp hiệu quả, mạnh mẽ hơn.
Bên cạnh đó, tình trạng thoát nghèo còn thiếu bền vững, nhiều công trình, dự án hiệu quả sử dụng thấp, còn hiện tượng trục lợi đối với chính sách giảm nghèo.Tình trạng ban hành văn bản trái luật chưa được xử lý dứt điểm. Một số vấn đề cử tri phản ánh thuộc lĩnh vực giáo dục còn chưa được giải quyết thấu đáo nên cử tri tiếp tục có kiến nghị vấn đề dạy thêm, học thêm, lạm thu đầu năm học, bạo lực học đường, độc quyền trong phát hành SGK, lãng phí trong sử dụng SGK...
Nhiều cử tri còn phản ánh việc thường xuyên cải tiến, đổi mới trong thi, tuyển sinh; đổi mới cách dạy và học; thí điểm mô hình giáo dục mới (VNEN); thực nghiệm sách Tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục quá lâu trên phạm vi rộng nhưng chưa tổng kết, đánh giá. Đặc biệt, những sai phạm trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả kỳ thi, tính khách quan, minh bạch, sự công bằng giữa các thí sinh, tiếp tục gây hoang mang, bức xúc trong dư luận...
Tác giả: Huệ Linh
Nguồn tin: Báo An ninh Thủ đô