Công chúa Kako (Ảnh: Kyodo) |
Theo trang tin New Seven, một công ty ở Tuyền Châu, Phúc Kiến, Trung Quốc đã lợi dụng sự nổi tiếng của hoàng gia Nhật Bản khi lấy tên công chúa Kako, 23 tuổi, cháu gái Nhật Hoàng Akihito, đặt cho thương hiệu giấy ăn do công ty này sản xuất.
Khi SCMP liên hệ, Cơ quan nội chính Hoàng gia Nhật Bản đã từ chối đưa ra bình luận về sự việc trên. Tuy nhiên, dư luận Nhật Bản tỏ ra bất bình khi vị công chúa mà họ yêu mến bị lợi dụng tên tuổi để thu lợi. Trên trang News Seven, một người dùng bình luận rằng: “Điều này thật tồi tệ”, còn một người khác cho rằng đây là một hành động xúc phạm với hoàng gia và đất nước Nhật Bản.
Một ý kiến khác gợi ý chính phủ Nhật Bản nên kiện công ty Trung Quốc vì đã sử dụng tên công chúa Kako.
Theo News Seven, thương hiệu giấy ăn “Công chúa Kako” được đăng ký với văn phòng thương mại và công nghiệp Trung Quốc năm 2015, thời điểm dư luận đổ dồn sự quan tâm về công chúa hoàng gia Nhật Bản khi cô bắt đầu theo học trường đại học Thiên chúa giáo quốc tế ở thủ đô Tokyo. Năm ngoái, công chúa Kako đã nhập học trường đại học Leeds (Anh) với chuyên ngành tâm lý và biểu diễn nghệ thuật.
Phản hồi News Seven, công ty Trung Quốc cho biết họ đã đăng ký một cách hợp lệ thương hiệu trên và tiết lộ rằng họ có kế hoạch sẽ sản xuất thêm sản phẩm tã trẻ em dùng một lần thương hiệu “công chúa Kako” trong tương lai.
“Đối với các bậc cha mẹ, con cái là công chúa và hoàng tử, vì vậy ban đầu chúng tôi đăng ký tên thương hiệu “công chúa” và sau đó là “công chúa Kako”. Nhật Bản là quốc gia nổi tiếng với những sản phẩm chất lượng và có độ an toàn cao. Vì vậy, chúng tôi cho rằng thương hiệu “công chúa Kako” là hoàn hảo cho những sản phẩm do chúng tôi sản xuất. Chúng tôi không có ý đinh xúc phạm gia đình hoàng gia Nhật Bản”, thông báo viết.
Các công ty Trung Quốc từ lâu đã có tiền sử “mượn” các từ ngữ, tên riêng và hình ảnh của liên quan tới Nhật Bản để đặt cho sản phẩm của họ Họ thậm chí từng đặt tên cho gạo và mì do Trung Quốc sản xuất bằng một cái tên Nhật Bản, đóng gói bao bì có hình ảnh người Nhật để tạo cho người tiêu dùng cảm giác rằng đây là sản phẩm có chất lượng cao.
Theo SCMP, có hàng loạt những vụ việc liên quan tới việc các công ty Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ bị phanh phui từ năm 2010 tới nay, trong đó có việc các thương hiệu điện tử hàng đầu Nhật Bản như Toshiba, Sony, Casio, Panasonic bị Trung Quốc “mượn” tên, gây thiệt hại hàng triệu USD cho các công ty Nhật Bản.
Ngoài ra, Trung Quốc còn sao chép những công trình nổi tiếng Nhật Bản. Năm 2016, những người vận hành công viên Oedo-Onsen Monogatari ở Nhật Bản đã lên tiếng phản đối sau khi một công viên gần như giống hệt mọc lên ở thành phố Thượng Hải, Trung Quốc.
Tác giả: Đức Hoàng
Nguồn tin: Báo Dân trí