Ngư dân đã đóng tàu và đi biển nhiều năm vẫn chưa nhận đủ tiền hỗ trợ. ẢNH MINH HẢI |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 2012, HĐND huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) ban hành cơ chế hỗ trợ kinh phí đóng tàu, dịch vụ hậu cần nghề cá, thực hiện trong thời gian từ 2012 - 2015. Theo đó, những tàu cá đóng mới có công suất từ 90 - 200 CV được hỗ trợ 70 triệu đồng/tàu, từ 200 CV trở lên hỗ trợ 100 triệu đồng/tàu. Trong giai đoạn 2012 - 2015 có tổng số 37 hộ gia đình ở các xã Hải Châu, Hải Ninh, Hải Thanh và Nghi Sơn đóng mới tàu cá.
Theo đó, 37 gia đình đã hoàn thành đóng tàu, được đơn vị chức năng thẩm định, hoàn chỉnh hồ sơ để nhận tổng tiền hỗ trợ là 3,44 tỉ đồng. Thế nhưng, đến nay các hộ đóng tàu trên vẫn chưa nhận đủ tiền hỗ trợ.
Cụ thể, giai đoạn 2012 - 2015, trên địa bàn xã Hải Châu có 22 hộ đóng mới tàu cá được hưởng hỗ trợ, nhưng mới có 5 hộ đóng năm 2013 được hỗ trợ đầy đủ, còn 17 hộ mới nhận 49% số tiền được nhận. 15 tàu cũng được hưởng hỗ trợ ở các xã Hải Ninh, Hải Thanh và Nghi Sơn cũng rơi vào tình trạng tương tự, mới được hỗ trợ 49%.
Ông Nguyễn Văn Thuần (54 tuổi, ngụ tại thôn Liên Thành, xã Hải Châu), cho biết năm 2015 gia đình ông vay mượn để đóng tàu với tổng kinh phí hơn 600 triệu đồng. Đến tháng 10.2015 thì hoàn thành đưa vào khai thác.
“Sau khi hoàn thành đóng tàu, gia đình tôi cũng đã hoàn thành các thủ tục để nhận hỗ trợ 70 triệu đồng từ đề án của HĐND huyện, nhưng đến nay qua 2 lần nhận tiền, gia đình mới nhận tổng 34 triệu đồng, còn 36 triệu đồng chưa được nhận. Tôi thấy đề án này rất có ý nghĩa, khuyến khích ngư dân đóng mới tàu thuyền có công suất lớn để vươn khơi bám biển, nhưng không hiểu sao quá thời hạn thực hiện đề án nhiều năm nay tiền vẫn không được cấp đầy đủ cho người dân”, ông Thuần nói.
Gia đình anh Nguyễn Văn Chanh (44 tuổi, ngụ tại xã Hải Châu) cũng được hưởng tiền đóng mới tàu theo Nghị quyết của HĐND huyện Tĩnh Gia.
“Cuối năm 2015, tôi hoàn thành việc đóng tàu công suất 160 CV và được quyết định hỗ trợ 70 triệu đồng. Nhưng cũng như các gia đình khác, qua 2 lần nhận tiền mới nhận 34 triệu đồng, số tiền còn lại đến nay vẫn chưa thấy đâu. Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị với chính quyền địa phương có kiến nghị với UBND huyện Tĩnh Gia để cấp đủ số tiền theo chính sách được hưởng, nhưng không được”, anh Chanh nói.
Lãnh đạo huyện trốn tránh?
Ông Đặng Duy Tân, Chủ tịch UBND xã Hải Châu, cho biết toàn xã Hải Châu có 22 hộ dân được hỗ trợ tiền khi đóng tàu mới, nhưng đến nay mới có 5 hộ được nhận tiền đầy đủ, 17 hộ còn lại mới nhận được 49%.
“Đây là chính sách rất có ý nghĩa với ngư dân. Cũng vì được hỗ trợ nên giai đoạn 2012 - 2015 nhiều gia đình trên địa bàn xã đã đóng mới tàu thuyền có công suất lớn, trong khi trước đây bà con chỉ đóng các loại tàu thuyền có công suất dưới 90 CV, khai thác ven bờ. Việc chậm cấp tiền hỗ trợ cho người dân, bà con cũng nhiều lần đề nghị, nhưng có lẽ do ngân sách huyện khó khăn nên đến nay cũng chưa chi trả đầy đủ”, ông Tân nói.
Để tìm hiểu rõ nguyên nhân nhiều năm nay người dân được thụ hưởng chính sách nhưng chưa được nhận đủ số tiền hỗ trợ, chúng tôi đã liên hệ với lãnh đạo UBND huyện Tĩnh Gia và phòng chức năng, nhưng tất cả đều trốn tránh trả lời và không cung cấp thông tin cho báo chí.
Tác giả: MINH HẢI
Nguồn tin: Báo Thanh Niên