Vào mùa gặt tháng năm, khi những thửa ruộng còn trơ trơ gốc dạ cũng là lúc tấm bia cổ hơn 500 năm bị lãng quên theo lớp bụi thời gian. Vết nứt của phiến đá lớn, vết hở từ lưng rùa đến tấm bia, những nét chữ bị nhạt phai theo năm tháng… như thách thức với thời gian nhưng cũng thương tâm cho một di tích lịch sử đang bị lãng quên.
Tôi tìm về tấm bia, tìm về ngôi mộ như sự trở về của người con đối với gia đình. Có lẽ đã quá nửa đời, dầu cho quê hương vẫn luôn đau đáu tự trong tâm xong có lẽ trở về với những kỷ niệm, trở về với những thăng trầm lịch sử đã giúp tôi hiểu được giá trị của lịch sử của tạo hóa mà mỗi chúng ta cần gìn giữ.
Tấm bia có chiều cao từ chóp xuống lưng rùa là 2.6m, chiều rộng tấm bia là 1.27m, chiều dài của rùa là 2.1m, độ dày thân rùa là 30cm, chiều rộng lưng rùa 1.34m. Bia được lập năm 1498 nằm theo hướng Đông Nam có ghi lại bằng chữ Hán được, mới đây được một người dân tại địa phương tìm “lời giải” cho tấm bia” và được Viện nghiên cứu Hán Nôm dịch ngày 17 tháng 3 năm 2017.
Mặt trước của tấm bia ngự trên lưng rùa đã nhạt phai theo trầm tích thời gian. |
Mặt sau tấm bia xác xơ rơm dạ với vết hở theo thời gian. |
Từng nghe! Sông Ngân Hoàng ở trên trời mà ân trạch được ban xuống khắp nơi; Sao Bảo Vụ đi vào sông Ngân mà ánh sáng vẫn rực rỡ. Sự tốt đẹp của em gái Vua, sự cao quý của công chúa con Vua thật đủ để soạn lời ca tụng.
Cẩm Vinh Trưởng công chúa nước Đại Việt, có tên Húy là Mỹ Thuần, là con gái thứ 11 của Tháng Tông Thuần hoàng đế, mẹ là Thọ An cung Kính phi họ Nguyễn. Công chúa sinh giờ Dậu ngày Bính Tuất, tức mồng 3 tháng 6 nhuận năm Giáp Ngọ, niên hiệu Hồng Đức thứ 5 (1474), từ nhỏ tính tình đã thuần hậu, tiên đế hết lòng yêu quý.
Tấm bia được thể hiện bằng chữ Hán được lập năm 1498. |
Tấm bia trên thân Rùa ở tư thế nghiêng. |
Ngày Mậu Thân 12 tháng 9 năm Đinh Mùi (1487) đặc sai Nam quân Đô đốc phủ, Tả Đô đốc, Bình Lương bá Lê Chí, Nội phủ giám kiêm Thái giám Phạm Kiệt đến ban kim sách phong làm Cẩm Vinh Công Chúa - vẻ lan thêm đẹp, nét ngọc càng thuần.
Cũng năm đó vào ngày Quý Mão mùng 8 tháng 11, sai Hộ bộ Thượng thư Trịnh Công Ngô làm Nạp Thành Phó sứ làm lễ cho công chúa hạ giá cùng con trai của Trung quân Đô Đốc phủ, Chưởng phủ sự, Thái úy quận công Lê Thọ Vực, tức Phò mã đô úy Tủng Thuyên cho đặt phủ đệ ở Phường Đông Tác huyện Vĩnh Xương phủ Phụng Thiên, Công chúa tự lo việc nhà, cần kiệm quản gia. Tình cầm sắt tuy hòa hợp nhưng mộng hùng bi chưa thành.
Ngày Đinh Mùi 12 tháng 5 năm Mậu Ngọ niên hiệu Cảnh Thống 1 (1498) công chúa bị cảm. Thánh thượng Hoàng đế sai thái y viện Đại sứ Lý Thủ Hộ, Tế Sinh đường khán chẩn Nguyễn Bá Lân ngày đêm thăm khám thuốc thang mà không khỏi. Giờ Mùi ngày Đinh Dậu mồng 3 tháng 7 Công chúa qua đời, hưởng thọ 25 tuổi.
Nghe được tin buồn, Thánh thượng vô cùng đau đớn, bỏ 3 ngày không thiết triều, ban tiền an ủi 27 vạn. Sai Tư lễ giám Tả Đề điểm Hà Văn Đãi lo tang sự, Đề đốc Hiệu lực Tứ về Quân sự vụ Dung Hồ bá Lê Lan đến tế. Đại ý rằng: Mệnh em không dài, phúc em ít ỏi, nghe tin buồn đến, đau xé lòng ta. Ân lễ trước sau rất mực đầy đủ.
Ngày Bính Thìn 24 tháng 11 năm ấy đưa tang. Ngày tân Mùi mồng 10 tháng 11 táng ở cánh đồng Cao Hay, Phong Bang huyện Lôi Dương là quê của thân mẫu công chúa. Công chúa dịu dàng kín đáo, hiền thục đoan trang, khiêm nhường cao quý, xứng đáng được khắc ghi vào bia đá, truyền mãi muôn đời.
Ngày 10 tháng 11 năm Nhâm Ngọ niên hiệu Cảnh Thống thứ 1 (1498) hiến cung Đại Phu, Hàn lâm viện Thị chế kiêm Tú lâm cục Tư huấn thần thân Cảnh Vân vâng sắc soạn. Cẩn sự lang, Trung thư giám Chính tự, Thần Ngô Ninh vâng mệnh viết chữ. Hiến cung Đại phu, Kim Quang môn Đãi chiếu, thần Tô Đắc vâng mệnh viết chữ triện trên trán bia. Cẩn sự Tá lang, Ngự dụng giám san thư cục, Cục chính thần Phạm Bảo khắc bia.
Cần có lời giải cho những câu hỏi: Thực hư việc Công chúa báo mộng cho người dân địa phương thời gian gần đây? Những câu chuyện bí mật xung quanh ngôi mộ? Có cần cho việc bảo tồn di tích trước ngôi mộ cổ hơn 500 năm?
Tác giả: Đăng Hạ
Nguồn tin: phapluatplus.vn