Trong tỉnh

Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Thanh Hoá có những nội dung gì?

Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Thanh Hoá XVIII đã thông qua Nghị quyết số 303 về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Thanh Hoá.

Theo đó, Nghị quyết số 303 quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố Thanh Hoá về quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước.

Cụ thể, ngân sách thành phố Thanh Hoá được hưởng 100% số thu tiền sử dụng đất thu được từ 19 dự án khai thác quỹ đất trên địa bàn thành phố với số thu tiền sử dụng đất không quá 7.000 tỷ đồng để thực hiện đàu tư xây dựng 10 công trình dự án trọng điểm trên dịa bàn thành phố, với điều kiện hằng năm phải hoàn thành dự toán thu tiền sử dụng đất điều tiết về ngân sách tỉnh tăng và tăng thu tiền sử dụng đất trên địa bàn thành phố Thanh Hoá từ 10% trở lên. Trường hợp số thu tiền sử dụng đất thu được từ 19 dự án khai thác quỹ đất lớn hơn 7.000 tỷ đồng thì phần vượt thu thực hiện theo quy định hiện hành về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá.

Căn cứ hạn mức vay của tỉnh, hình thức vay, đối tượng vay và tình hình thực tế, tỉnh sẽ ưu tiên lựa chọn và đầu tư một số dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố Thanh Hoá từ ngồn vốn tỉnh vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vốn vay từ các tổ chức tài chính trong nước và các ngồn vốn vay khác theo quy định của pháp luật.

Thành phố Thanh Hoá được bổ sung đến mức tối đa lên 140 tỷ đồng/năm theo quy định tại Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15 ngày 01/9/2021 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội từ năm 2023 để thực hiện các nhiệm vụ kiến thiết thị chính trên địa bàn thành phố, đáp ứng nhu cầu xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, phục vụ phát triển đô thị hiện đại.

Thành phố Thanh Hoá được hưởng tỷ lệ điều tiết 100% từ nguồn thu lệ phí trước bạ ô tô, xe máy, tàu thuyền trên địa bàn thành phố Thanh Hoá trong điều kiện tổng nguồn thu lệ phí trước bạ ô tô, xe máy, tàu thuyền của thành phố trong năm không hụt thu.

Về tổ chức thực hiện, HĐND tỉnh giao UBND tỉnh có trách nhiệm tổ chức triển khai Nghị quyết số 303, tổ chức sơ kết sau 3 năm thực hiện, tổng kết sau khi hết thời gian thực hiện Nghị quyết và đề xuất, kiến nghị trong giai đoạn tiếp theo.

Nội dung Nghị quyết số 303 yêu cầu, việc triển khai thực hiện các dự án khai thác quỹ đất và việc tổ chức đầu tư xây dựng các dự án ưu tiên đầu tư theo cơ chế, chính sách đặc thù phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu, đất đai, xây dựng và các quy định khác của pháp luật hiện hành có liên quan.

Trong trường hợp Trung ương có những chủ trương mới có liên quan đến nội dung của Nghị quyết mà không thuộc thẩm quyền của HĐND thì UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh để điều chỉnh cho phù hợp.

Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023 và được thực hiện trong 5 năm. Trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa Nghị quyết này với Nghị quyết khác của HĐND thì áp dụng theo quy định của Nghị quyết này. Trường hợp các Nghị quyết khác của HĐND tỉnh ban hành sau ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành có quy định cơ chế, chính sách ưu đãi hoặc thuận lợi hơn Nghị quyết này thì việc áp dụng do HĐND thành phố Thanh Hoá quyết định.

Trao đổi về một số nội dung trong nghị quyết, các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc HĐND tỉnh Thanh Hoá ưu tiên, dành riêng cho thành phố Thanh Hoá nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù đã thể hiện vị trí, vai trò và tầm quan trọng của thành phố Thanh Hoá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, là điều kiện thuận lợi để thành phố Thanh Hoá bứt phá, vươn lên mạnh mẽ trong thời gian tới. Tuy nhiên, nghị quyết cũng đề ra những thách thức không nhỏ mà thành phố Thanh Hoá cần phải quyết tâm, nỗ lực để đạt được những kết quả như mong muốn./.

Tác giả: Đức Thiện

Nguồn tin: tamnhin.trithuccuocsong.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok