Số phận nghiệt ngã và nghị lực phi thường
Người dân thôn Ngọc Lậu, xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn (tỉnh Thanh Hóa) thường nhắc đến thầy Lê Hữu Tuấn (SN 1983) với niềm mến thương đặc biệt.
"Thầy Tuấn giỏi lắm. Giỏi từ thủa bé. Tàn tật chỉ ngồi trên xe lăn, mà có tới gần 700 học trò đỗ các trường ĐH, CĐ trên cả nước", một người bán hàng nước đã hào hứng kể ngay sau khi chúng tôi hỏi thăm đường.
Lớp học của thầy giáo trên xe lăn Lê Hữu Tuấn được rất đông học sinh từ nhiều vùng miền về theo học. |
Đông Thịnh là xã nghèo, gia đình thầy Tuấn cũng nghèo. Tuổi thơ cậu bé Tuấn cũng êm đềm như bao đứa trẻ khác. Nhưng vào năm lớp 2, tức là năm 1991, đôi chân Tuấn bỗng nhiên đau dữ dội.
Cơn đau ngày càng nặng, đi bệnh viện huyện Đông Sơn nhưng không phát hiện nguyên nhân.
Gia đình liền đưa Tuấn ra Hà Nội. Tại đây, bác sĩ thông báo một tin như sét đánh "Cậu bé bị viêm tủy cấp.
Cơ hội hồi phục khá mong manh". Và đôi chân ấy sau 1 tháng điều trị, chỉ cử động nhúc nhắc đôi chút, rồi teo dần, liệt hẳn.
Khó có thể tả siết nỗi đau của gia đình cậu bé Tuấn khi đó ra sao.
Bố mẹ Tuấn cứ ôm con cả đêm, khóc thầm trong thương xót.
Tương lai một cậu bé khỏe mạnh, thông minh, gần như chấm dứt từ đây.
"Làm sao con tôi có thể đến trường, học lên cao hơn với đôi chân tàn tật, với chiếc xe lăn?", ông Lê Hữu Thu, bố đẻ thầy Tuấn ngậm ngùi kể lại.
Thương con, bố mẹ Tuấn không quản ngại lặn lội từ các vùng miền núi xa xôi, đến miền biển, từ Nam ra Bắc.
Hễ nghe có thuốc hay, thầy giỏi là tìm đến. Nhưng tất cả đều vô vọng.
Đứa trẻ lớp 2 vẫn ngồi xe lăn. Mọi sinh hoạt đều trên xe lăn, do bố mẹ thay phiên nhau chăm sóc.
Có lẽ số phận đã cướp đi đôi chân của Tuấn, nhưng đã bù lại sự thông minh, hiếu học và nghị lực phi thường đang khâm phục của cậu bé lớp 2.
Do không thể đến trường, Tuấn vẫn tự học, tự mày mò trên những cuốn sách giáo khoa nhàu nát.
Tuấn học hết Tiểu học ở...nhà. Rồi được đặc cách thi kiểm tra cuối cấp.
Lên cấp 2, Tuấn tiếp tục được đặt cách đến trường không thường xuyên. Và nếu đến, thì vẫn trên chiếc xe lăn.
Năm 1998, Trường THCS Đông Thịnh đã đề nghị Tuấn đi thi học sinh giỏi cấp huyện, nhưng chỉ cho Tuấn thi với mức đề dành cho học sinh lớp 7, nhưng Tuấn cương quyết đòi thi đề của lớp 9. Kết quả, em đã giật giải nhì môn Toán toàn huyện.
Gia đình đầm ấm của thầy giáo Lê Hữu Tuấn. |
Hết cấp 2, Tuấn thi đỗ lớp 10 tại trường THPT Đông Sơn 1 và THPT chuyên Lam Sơn.
Trường THPT chuyên Lam Sơn vốn là trường danh tiếng hàng đầu ở Thanh Hóa, quy tụ học sinh xuất sắc các huyện thị.
Nhưng đáng buồn, với một học sinh ngồi xe lăn, nhà nghèo, Tuấn đã không thể có điều kiện lên thành phố theo học, mà chấp nhận ở lại quê học trường THPT Đông Sơn 1.
Tuy nhiên, với nghị lực hiếm có và sự thông minh, Tuấn đã không phụ lại sự mong mỏi của gia đình, thầy cô.
Hết THPT, Tuấn trở thành Thủ khoa của trường ĐH Hồng Đức ngành công nghệ thông tin.
Thời điểm đó, trường ĐH Hồng Đức đã chọn 44 sinh viên đỗ có điểm số cao nhất thi vòng 2 để chọn ra 15 “hạt giống” đào tạo về sau phục vụ cho các sở, ngành trong tỉnh. Lê Hữu Tuấn đứng trong hàng ngũ 15 sinh viên hạt giống đó.
Gieo mầm xanh trên chiếc xe lăn
Giờ thì "ông giáo làng" Lê Hữu Tuấn đã có một gia đình yên ấm, có 3 cô con gái ngoan.
Người vợ của thầy Tuấn thực sự là người bạn đời đảm đang, chu đáo và tận tụy.
Sau 9 năm dạy học, số lượng học sinh của thầy Tuấn đã lên đến hàng nghìn em. Hơn 700 học trò đã thi đậu vào ĐH, CĐ trên cả nước.
Thầy Tuấn cũng là nhân vật chính trong nhiều phóng sự của Đài truyền hình trung ương và địa phương, truyền cảm hứng nghị lực sống mạnh mẽ cho biết bao người.
Ngày 22/1/2014, thầy Tuấn đã vinh dự nhận thư khen của Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang.
Và đã được nhận học bổng do Tổ chức Rencontres du Vietnam của Pháp cùng hàng loạt bằng khen, giấy khen của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương.
Với nghị lực hiếm có, thầy Tuấn vượt qua số phận, đào tạo hơn 700 học trò đậu các trường ĐH, CĐ trên cả nước |
Chúng tôi rất nhiều câu chuyện cảm động về thầy Tuấn. Sau khi tốt nghiệp ĐH, thầy Tuấn được bố trí công tác tại Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa.
"Nhưng tôi đã từ chối và về quê mở lớp dạy học. Học sinh khuyết tật thì không thu tiền. Học sinh nghèo thì miễn giảm hoặc nhà có 2 em đi học chỉ thu tiền 1 em.
Chỉ cần các em không thiếu hụt kiến thức, không thiếu nghị lực sống, là tôi vui', thầy Tuấn chia sẻ.
Lớp học đơn sơ được mở ngay tại nhà, được sự động viên của chính quyền và người dân trong xã.
Khi học trò thầy Tuấn đỗ ĐH, CĐ lên tới hàng trăm người, thì khắp nơi trong tỉnh đến gửi con theo học.
Ngay cả những học sinh mãi tận Thái Nguyên, Yên Bái cũng tìm về tận nơi ôn luyện thi ĐH.
Ông Lê Hồng Lương, Chủ tịch Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Thanh Hóa cho biết, tấm gương sáng về nghị lực của thầy Lê Hữu Tuấn đã truyền lửa cho biết bao thế hệ học trò.
Không những thế, đối với người tàn tật, thầy Tuấn thực sự đã trở thành biểu tượng vươn lên vượt qua số phận cho nhiều người noi theo.
Năm 2014, anh Lê Hữu Tuấn vinh dự được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi thư khen, trong thư, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhắc lại những đóng góp của anh Tuấn cho sự nghiệp trong người. “Hơn thế, sau khi tốt nghiệp đại học, anh đã vận dụng, phát huy kiến thức đã học, truyền niềm tin, khát vọng của mình và giúp đỡ nhiều học sinh học giỏi, thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, góp phần vào sự nghiệp trồng người của đất nước; luôn chia sẻ, quan tâm đến những mảnh đời có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh, giữ vững niềm tin yêu cuộc sống. Ý chí vượt khó vươn lên, trách nhiệm với cộng đồng của anh là tấm gương sáng cho tất cả các bạn trẻ noi theo; đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn như anh. Tôi nhiệt liệt biểu dương, khen ngợi và chúc anh luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, nhiều nghị lực hơn nữa để tiếp tục thực hiện những mong ước của mình, góp phần vào sự nghiệp trồng người của đất nước; giúp những người không may mắn trong cuộc sống vượt qua mặc cảm, tự ti, khẳng định mình, vươn lên để sống có ích cho đất nước”- trích thư nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi khen anh Lê Hữu Tuấn. |
Tác giả: Hoàng Anh Thắng
Nguồn tin: Báo Pháp luật plus