Trong tỉnh

Nghèo “rởm” ở Xứ Thanh

Đói nghèo lẽ ra phải là “nỗi nhục”, là sự xấu hổ nhưng điều kỳ lạ là người ta sẵn sàng xung phong nghèo để sống phận tầm gửi. Nghèo như thế đích thị là nghèo tự trọng, là sự rao bán phẩm giá ngoài… chợ trời nhân cách.

Ngôi nhà của một hộ... cận nghèo năm 2020 tại xã Yên Thọ, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: X. Chinh

UBND huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) mới đây vừa có kết luận nội dung tố cáo ông Trương Công Thức, Phó Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Phú. Theo đó, từ năm 2011, hai người con của ông này đã “đi lạc” vào sổ hộ khẩu nhà bà Lê Thị Hằng, vốn là hộ nghèo. Mục đích là muốn vay vốn sinh viên cho các con ăn học. Điều đáng chú ý là gia đình ông Thức có cơ ngơi tiền tỷ. Cùng với đó, việc gửi con ông vào hộ nghèo và gia đình lọt vào danh sách hộ cận nghèo năm 2013-2014 là do vợ ông tự ý làm, cá nhân vị Phó Bí thư Đảng ủy xã ở huyện miền núi Cẩm Thủy không hề hay biết.

Giải trình của ông Trương Công Thức đã không được cơ quan chức năng huyện Cẩm Thủy và dư luận chấp nhận. Bởi lẽ, bản thân ông là đảng viên, là lãnh đạo xã, là chủ gia đình, chỉ sinh sống và công tác tại địa phương mà không hề biết những việc làm khuất tất trên của người thân là điều… kỳ lạ.

Càng lạ hơn khi 3 bố con ông Phó Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Phú là người dân tộc Mường. Nghĩa là đã được thụ hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với người dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, gia đình này vẫn cố gắng bám lấy “danh hiệu” hộ nghèo những mong xã hội rủ lòng thương.

Nhưng khi mọi chuyện bị vỡ lở, mất mát lớn nhất của những người như ông Thức không phải là mấy yến gạo cứu trợ mà là lòng tự trọng của bản thân và niềm tin của người dân.

Thậm chí vị lãnh đạo xã Cẩm Phú đã tự đánh mất lòng tự trọng đến… 2 lần. Lần thứ nhất là để 2 người con “lạc” vào hộ nghèo. Lần thứ hai là đã sai không dám nhận mà thoái thác trách nhiệm cho vợ.

Trong trường hợp này, ông Thức đã không còn xứng đáng với cả tư cách một cán bộ đảng viên lẫn tư cách của một người chồng.

Ngôi nhà của gia đình Phó Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Phú, huyện Cẩm Thủy đã khiến ông nghèo cả...tự trọng. Ảnh: TL

Không lâu sau vụ “cháy nhà nghèo” ở huyện miền núi Cẩm Thủy, dư luận xứ Thanh lại dậy sóng bởi vụ lộ hộ cận nghèo “rởm” của Bí thư Đảng ủy xã Thiệu Thành, huyện Thiệu Hóa.

Sự việc nghiêm trọng đến mức, Ban Thường vụ Huyện ủy Thiệu Hóa phải chỉ đạo tạm dừng Đại hội đảng bộ xã, đưa ra khỏi quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2020-2025 đối với ông Hách Văn Thắng, Bí thư Đảng ủy xã Thiệu Thành và một số cán bộ xã này vì đã để lọt vợ, con, cháu vào hộ cận nghèo không đúng quy định.

Vẫn biết không có bất kỳ quy định nào bắt buộc lãnh đạo thì phải giàu, không được nghèo. Nhưng cần phải khuyến khích cán bộ làm giàu chính đáng để nêu gương cho dân. Cán bộ mà nghèo nói dân nào làm theo?

Ấy vậy mà vẫn có những cán bộ xung phong nghèo, tình nguyện nghèo để bấu víu cơ chế, hòng gỡ gạc chút “mật mỡ” giữa mùa dịch.

Tại huyện Tĩnh Gia, cuối cùng thì trưởng thôn Hạnh Phúc, xã Hải Ninh cũng đã thừa nhận đi vận động hơn 20 hộ cận nghèo ký vào đơn tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ dành cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Ngay từ đầu, khi câu chuyện viết đơn tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ của hàng ngàn hộ nghèo tại các huyện Thọ Xuân, Quảng Xương… người ta đã vội vàng ca ngợi nó như một phong trào cần nhân rộng ở xứ Thanh. Nhưng khi những chữ ký tự nguyện chưa kịp ráo mực, dư luận đã đặt ra nghi vấn rằng: tại sao các hộ cận nghèo này lại “bỗng dưng” gương mẫu đến thế?

Có thể việc từ chối nhận tiền hỗ trợ là có thật nhưng liệu đã đến mức trở thành một phong trào? Tiền của Chính phủ giúp dân trong lúc khó khăn, bản chất cũng là tiền của dân. Tại sao nhân dân lại từ chối quyền lợi xứng đáng thuộc về họ?

Có một sự thật mà bấy lâu nay nhiều người hoặc là thiếu thực tiễn, hoặc là cố tình không chịu hiểu. Đó là quy trình xét duyệt hộ nghèo, hộ cận nghèo tại một số địa phương đã không được thực hiện nghiêm túc, công bằng.

Lệ làng đã vượt qua phép nước để biến những ngôi nhà cao tầng trở thành những gia cảnh đáng thương vốn chỉ có trong… sổ hộ khẩu.

Và, có thể vì thế, không ít hộ cận nghèo “chui” không dám nhận hỗ trợ giữa thiên thanh bạch nhật. Bởi chỉ cần thêm một vụ “cháy hộ nghèo” nữa bị phát hiện, nhiều “mặt chuột” gặm nhấm cơ chế sẽ lòi ra.

Những gia cảnh như thế này lại không có tên trong danh sách hộ cận nghèo ở xứ Thanh? Ảnh: X Chinh

Mới đây, UBND huyện Tĩnh Gia thậm chí còn ra văn bản gửi các xã, thị trấn đề nghị: “Đối với hộ có tên trong danh sách nhưng không đủ điều kiện hưởng thì đề nghị gia đình làm đơn không nhận chính sách hỗ trợ của Nhà nước có xác nhận của ủy ban xã”.

Nghĩa là câu chuyện vận động người dân làm đơn tự nguyện xin rút khỏi danh sách nhận hỗ trợ ở Thanh Hóa là có thật.

Điều đáng chú ý là dư luận lại có phần đánh giá cao động thái kịp thời, kiên quyết của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa và lãnh đạo các huyện Tĩnh Gia, Thiệu Hóa, Cẩm Thủy… trong việc chỉ đạo xác minh làm rõ sai phạm (nếu có) của cán bộ cơ sở sau khi báo chí phản ánh.Thực tế, đó chỉ là mệnh lệnh hành chính trong thực thi công vụ và là cách thức cấp trên tìm cách sửa sai cho cấp dưới mà thôi.

Đói nghèo lẽ ra phải là “nỗi nhục”, là sự xấu hổ nhưng điều kỳ lạ là người ta sẵn sàng xung phong nghèo để sống phận tầm gửi. Nghèo như thế đích thị là nghèo tự trọng, là sự rao bán phẩm giá ngoài... chợ trời nhân cách.

Tác giả: Quang Duy

Nguồn tin: Báo Công luận

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok