Giáo dục

Nghề giáo đang bị đưa lên bàn cân đong đếm

Nhiều giáo viên ở vùng sâu, vùng xa khi nhắc đến đề xuất xóa biên chế đã rất tâm tư. Nhất là khi tình yêu nghề được đưa lên bàn cân đong đếm như cách mà Bộ GD&ĐT đang tư duy hiện nay.

Cú sốc lớn với giáo viên vùng cao

Nhiều năm là giáo viên ở vùng cao Phù Yên, Sơn La, cô giáo tiểu học Lường Thị Quý rất lo lắng khi nghe thông tin Bộ GD&ĐT định xóa biên chế. Theo nữ giáo viên, bỏ biên chế đồng nghĩa với việc mất phần lớn động lực cho thầy cô giáo muốn gắn bó với nhiều vùng quê nghèo, khó khăn.

“Bộ GD&ĐT cứ ngồi trên cao mà vẽ ra đủ đường vậy, có khi nào thử đi thực tế trải nghiệm cùng giáo viên chúng tôi để thấu hiểu mọi sự của giáo dục trên đất nước này? Ở những nơi điện không có, giáo viên phải đi bộ đến lớp. Học sinh thì nghèo, bỏ học lên nương với bố mẹ…” - cô Quý chia sẻ.

Với những giáo viên vùng cao như cô Quý, tình yêu nghề và yêu học trò phải thực sự lớn lao, mới đủ sức để níu giữ họ ở lại. Rất nhiều lần, cô đã tự bỏ tiền túi mua sách, bút cho học trò chỉ vì các em quá nghèo, không đủ tiền mua nổi một quyển vở, một cây bút chì.

“Chúng tôi xem học trò như chính con cái mình. Vậy mà nghề giáo lại đang được đưa lên bàn cân để đong đếm… Có công bằng với chúng tôi không?“ - nữ giáo viên trẻ bộc bạch.

Còn giáo viên Kiều Thị Nữ (dạy tiểu học ở Kon Tum) thì không ngại đề nghị những cán bộ của Bộ GD&ĐT xuống cơ sở để dạy thử dù chỉ là một buổi với học sinh dân tộc thiểu số để hiểu hơn về thầy cô.

“Mưa gió chúng tôi vẫn phải xuống thôn, làng vận động các em ra lớp. Rồi đi xin quần áo cũ ở các trường bạn về cho các em. Có những hôm các em đói ôm bụng, các cô lại đi mua mì tôm về nấu cho các em ăn. Vất vả lắm! Giờ Bộ bỏ biên chế, nếu giáo viên nghỉ hết thì ai sẽ dạy các em?” - cô Nữ bi quan.

Đồng quan điểm, cô giáo Nguyễn Thủy (Cẩm Thủy, Thanh Hóa) cho rằng, những người đã chọn nghề giáo đều không nghĩ đến tiền. Vì từ xưa đến nay, có mấy ai trở nên giàu có được bằng nghề này. Họ gắn bó với nghề giáo, đơn giản vì yêu nghề, yêu trẻ.

“Chưa bỏ biên chế mà tôi đã nghe thấy sự thiếu tôn trọng của một số phụ huynh với thầy cô giáo rồi. Tôi đã nghe phụ huynh họ bảo chuẩn bị phải mua chữ cho con. Nghe thật xót xa!” - cô Thủy buồn rầu.

Các thầy, cô giáo vượt đèo, lội suối về các bản vận động học sinh ra lớp. Ảnh: Việt Hoàng

Bi kịch, nếu gặp Hiệu trưởng thiếu công tâm

Là người đồng hành nhiều năm cùng chương trình “Cơm có thịt”, gặp nhiều giáo viên ở vùng cao khó khăn, nhà báo Trần Đăng Tuấn đã có những chia sẻ tâm huyết trước đề xuất xóa biên chế giáo viên.

Trên trang cá nhân của mình, ông viết: “Tôi đã gặp nhiều người rất trẻ, quê ở đồng bằng, lên tận những bản xa xôi làm giáo viên. Rất thiếu thốn, rất cực khổ. Nhất là các cô giáo trẻ. Phải nói thật là họ khi đi lên vùng rừng xa núi thẳm, phần quan trọng là do được vào biên chế. Thiệt thòi nhiều, nhưng đổi lại có một vị trí và công việc ổn định”.

Theo nhà báo Trần Đăng Tuấn, gánh nặng chủ yếu nghề dạy học vùng cao hiện nay vẫn trên vai giáo viên người gốc miền xuôi lên công tác. Nhiều nơi, 100% giáo viên mầm non là người gốc xuôi. Ở tiểu học tỷ lệ này cũng nhiều nơi gần như vậy.

“Trong tương lai còn rất dài, có biên chế nhà nước là một bù đắp với người lên bản làng xa dạy học. Họ đã chịu quá nhiều thiệt thòi rồi, nếu không trong biên chế, mọi cái do Hiệu trưởng quyết định, hãy đặt mình vào vị trí họ mà cảm nhận.

Sắp xếp ai đi bản nào đã là một quyền rất lớn của Hiệu trưởng. Đa số các Hiệu trưởng là những người còn hy sinh nhiều hơn, và thương đồng nghiệp. Nhưng nếu quyền giữ hay sa thải cũng do Hiệu trưởng quyết định, thì ở đâu thiếu chút công tâm, ở đó có bi kịch của những giáo viên rời quê hương lên vùng cao.

Những đêm đông, cô đơn bên bếp lửa, trong những căn phòng chi chít khe hở lạnh, giáo viên cắm bản sẽ nghĩ gì khi biết bất cứ lúc nào cũng có thể lại tay trắng về quê, nơi từ đó họ ra đi với nguồn động lực là gian khó nhưng thành người của nhà nước, không phải lo mất việc?” - ông chia sẻ.

Quan điểm của ông Trần Đăng Tuấn là dù vẫn còn là ý định hay thử nghiệm, nhưng với giáo viên vùng cao, hiện tại và rất lâu nữa, chuyện bỏ biên chế chỉ nói đến cũng không nên.

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc: Chủ trương đúng hay cơ hội cho lợi ích nhóm?
"Việc triển khai xóa biên chế giáo viên trên thực tế cần phải thận trọng, tính toán kỹ và phải có lộ trình, không thể thay đổi ngay được. Bởi đằng sau việc thực hiện bỏ biên chế giáo viên là một loạt mối quan hệ xã hội. Nếu thực hiện chủ trương này, sẽ tạo ra thị trường rất lớn trong lĩnh vực giáo dục, như vậy có kiểm soát được không, hay lại tạo ra cơ hội cho lợi ích nhóm?
Chủ trương này sẽ là con dao hai lưỡi nên phải có giám sát. Vì gọi là hợp đồng nhưng cũng phải dựa trên cơ sở chuẩn mực và phải có sự giám sát. Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ đối với những giáo viên công tác ở vùng đặc biệt khó khăn".

Tác giả: Dương Hà

Nguồn tin: Báo Phụ nữ Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok