Giọng cô Nguyễn Thị Hằng, giáo viên Trường mầm non Hoa Ban(xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức) nghẹn ngào khi nghĩ về ngày 20/11 hàng năm. Đối với cô Hằng và nhiều giáo viên công tác tại vùng sâu, vùng xa của tỉnh Đắk Nông, một lời chúc 20/11 có lẽ đã là một thứ khá xa xỉ trong cuộc đời làm nghề của họ.
Tình yêu nghề, yêu trò giúp giáo viên vượt khó, “cắm bản dạy chữ” nhiều năm nay
Cô Hằng kể, 10 năm trước, một mình cô từ Thái Bình lặn lội vào Đắk Nông, mang theo ước mơ, hoài bão, sức trẻ của sinh viên mới ra trường với mong muốn được cống hiến cho ngành giáo dục. Nhưng vừa đặt chân đến xã Đắk Ngo, bao nhiệt huyết dường như tan biến bởi mảnh đất này còn quá khó khăn, thiếu thốn. Vậy mà đến nay, vượt qua bao thử thách cô đã có 10 năm công tác trong nghề.
Nhiều năm gắn bó với Trường mần non Hoa Ban, cô Hằng có không ít kỷ niệm vềngày Nhà giáo Việt Nam. Nhưng có lẽ, kỷ niệm mà cô khắc sâu nhất là cách đây 5 năm,khi côđược phân công vào dạy tại điểm trường bản Si Át (cách trung tâm xã gần 10 km), với 100 % học sinh là đồng bào Mông. Đó cũng là năm đầu tiên cô Hằng được chính những học sinh này chúc mừng ngày 20/11.
Hôm đó, trong cái lạnh đầu mùa khô, cận kề ngày lễ, một nhóm học sinh ăn mặc phong phanh, nhiều đứa môi thâm tím, tay xách bịch khoai mì đến tặng các cô giáo trong trường. Tiếng những đứa trẻ lí nhí trong cổ họng, thẹn thùng nói lời chúc mừng khiến cô trào nước mắt vì hạnh phúc. Cả buổi sáng, mắt cô giáo nào tại điểm trường Si Átcũng đỏ hoe xúc động.
Đối với nhiều giáo viên bám bản, một lời chúc ngày Nhà giáo Việt Nam đã là món quà vô cùng quý giá
“Chúng tôi xúc động vì lần đầu tiên học sinh ở đây biết đến ngày Nhà giáo Việt Nam. Làm cô giáo mầm non đã vất vả, công tác tại vùng sâu vùng xa lại càng vất vả hơn, nhưng chính vì những món quà, tấm lòng của các em mà chúng tôi bám bản đến bây giờ”, cô Hằng rơm rớm nước mắt cho hay.
Thầy Nguyễn Danh Thắng, Trường Tiểu học Lê Mã Lương (xã Đắk R’Tih, huyện Tuy Đức) cũng công tác trong nghề được hơn 7 năm nay. Nhớ lại những năm tháng qua, món quà duy nhất thầy được tặngchỉ là một món đồ chơi trẻ em.
Thầy bảo, cầm món quà trên tay mà cảm giác không thể gọi tên, lòng xót xa cho chính mình thì ít mà thương lũ học trò thơ dại, cuộc sống khó khăn thì nhiều. Bởi phần lớn học sinh là người đồng bào Mơ Nông, Ê Đê nên trong ý thức của các em, ngày Nhà giáo Việt Nam vẫn còn lạ lẫm, mới mẻ.
Chính thầy Thắng cũng thừa nhận, cuộc sống khó khăn đã có lần làm thầy chạnh lòng, chùn bước. Nhưng đến bây giờ, thầy giáo dạy vẽ này tự hào rằng: “Mình được dạy ở đây xem ra cũng là may mắn. Ở trường, dù là giáo viên môn chính hay giáo viên môn phụ, chúng tôi đều được các em tôn trọng, yêu quý. Đến ngày lễ, chỉ cần học trò nói lời chúc mừng chúng tôi đã cảm thấy hạnh phúc. Bây giờ, nhiều em đã chuyển cấp nhưng vẫn khoanh tay chào hỏi khi gặp lại chúng tôi.”
Không ít lần thầy cô giáo chạnh lòng, chùn bước khi phải vượt cả chục cây số đến trường
Tương tự như cô Hằng, thầy Thắng, từ ngày về thôn Năm Tầng công tác, thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Huấn, trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Khuyến (xã Đắk R’la, huyện Đắk Mil) cũng chưa một lần được biết đến quà 20/11 của học sinh.
Công tác tại ngôi trường với hơn 90% là học sinh là người đồng bào Mông, Dao, trong khi cái ăn cái mặc gia đình các em còn phải lo từng ngày nên nhớ và tặng quàcho thầy cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam là điều không thể.
Thầy Huấn cho biết: “Tập thể 21 cán bộ giáo viên đang công tác tại trường luôn xác định đây là vùng khó khăn của tỉnh Đắk Nông nên phải chấp nhận thiếu thốn về vật chất, chỉ mong các em có thể đến trường đông đủ, không bỏ học giữa chừng.”
Hơn 6 năm “cắm bản dạy chữ”, tập thể cán bộ, giáo viên trường Nguyễn Khuyết luôn đoàn kết, nỗ lực giúp đỡ nhau vượt khó. Tuy không có những gói quà, giỏ hoa nhưng ngày Nhà giáo Việt Nam hàng năm trường luôn được phụ huynh tới tận nơi động viên, chúc mừng. Nhiều em, dù chỉ mới ý thức được ngày “tôn sư trọng đạo” nhưng cũng cố gắng hái một bó dã quỳ đến tặng thầy cô.
Thầy Huấn chia sẻ thêm, tuy cũng có chút chạnh lòng vì sự thiếu thốn đó, nhưng cảm giác này cũng nhanh chóng đi qua vì “Ngày nhà giáo cũng chỉ là một ngày, còn giáo dục là công việc cả năm, công việc suốt đời. Không chỉ vì một món quà vật chất mà quên đi vai trò, nhiệm vụ của mình.”
Trao đổi với PV Dân Trí, thầy Phạm Quốc Trọng, Phó trường phòng GD- ĐT huyện Tuy Đức cho biết: “Hàng năm, gần đến ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, địa phương cũng tổ chức cho thầy cô các trường gặp gỡ, giao lưu văn nghệ, thể thao. Ngày tết thầy cô nhưng địa phương cũng chỉ động viên, khích lệ tinh thần là chủ yếu chứ không có quà cáp gì.”
Trong khi đó, theo thầy Lường Xuân Thành, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đắk Mil, hiện nay trên địa bàn huyện còn có nhiều trường khó khăn nên ngoài việc tổ chức các buổi giao lưu, tọa đàm chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam thi Phòng cũng đến từng trường để động viên, khích lệ tinh thần các thầy cô vượt khó, công tác tốt.
Thầy Thành cho biết: “Đối với những trường vùng sâu, vùng xa như trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Khuyến, mỗi khi có nguồn hỗ trợ từ bên ngoài đều phân bổ cho trường trước. Tập thể cán bộ, giáo viên ở đây cũng được ưu tiên xem xét trong thi đua hàng năm.”
Tác giả bài viết: Dương Phong
Nguồn tin: