Ngày 11-9, Nga kích hoạt cuộc tập trận Vostok 2018 (tạm dịch: Hướng Đông) được cho là lớn nhất trong lịch sử nước này. Có thể nhìn thấy quy mô tập trận khổng lồ qua số lượng 300.000 binh sĩ tham gia, ngoài ra còn có 36.000 xe tăng, 80 tàu chiến và gần 1.000 máy bay, theo nguồn từ Bộ Quốc phòng Nga. Các loại khí tài được chuyển đến từ khắp nơi ở nước Nga bằng đường sắt và bằng máy bay vận tải quân sự.
Cuộc tập trận Vostok 2018 là đợt trình diễn đầu tiên của nhiều hệ thống khí tài, vũ khí mới của Nga. Thông điệp của cuộc tập trận khổng lồ này là gì?
NATO nhìn cuộc tập trận lớn nhất lịch sử của Nga
Cuộc tập trận quy mô lớn này của Nga là một hình thức của các cuộc tập trận thời Liên bang Xô Viết diễn ra trong cao điểm Chiến tranh lạnh. Dưới thời Liên bang Nga, kể từ khi được Tổng thống Nga Vladimir Putin nắm quyền, các cuộc tập trận này diễn ra đều đặn bốn năm một lần. Tuy nhiên, quy mô cuộc tập trận năm nay lớn chưa có tiền lệ, đến chính quân đội Nga cũng thừa nhận lớn hơn cả cuộc tập trận lớn nhất được tổ chức dưới thời Liên bang Xô Viết năm 1981.
Một điểm đáng lưu ý, cuộc tập trận còn có sự tham gia của Trung Quốc với 3.200 binh sĩ, 900 xe tăng và xe bọc thép, 24 trực thăng, sáu máy bay. Nga và Trung Quốc từng nhiều lần tập trận chung nhưng đây là lần đầu tiên Trung Quốc được Nga mời tham gia một cuộc tập trận quy mô lớn thế này.
Địa điểm tập trận là ở năm khu vực trên bộ, bốn căn cứ không quân và các vùng biển Nhật Bản, eo biển Bering, biển Okhotsk ở miền Viễn Đông Nga, gần Trung Quốc và Mông Cổ. Cuộc tập trận sẽ kéo dài trong một tuần (từ ngày 11 đến 17-9). Dự kiến Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ đến giám sát tập trận cuối tuần này.
Theo dõi cuộc tập trận Vostok 2018 là các nhà quan sát đến từ 57 nước, từ NATO và Liên minh châu Âu, theo Thứ trưởng Quốc phòng Nga Aleksandr Fomin. Ông Fomin cho biết Nga đã thông báo cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về cuộc tập trận hàng tháng trước.
Nga những năm gần đây đã tăng đáng kể quy mô và tần suất tập trận, đặc biệt sau khi sáp nhập Crimea từ Ukraine năm 2014. Hoạt động này diễn ra song song với việc NATO tăng hiện diện ở Đông Âu.
Phát biểu về cuộc tập trận Vostok 2018, người phát ngôn chính phủ Nga Dmitry Peskov cho biết đây là hoạt động thường lệ của quân đội nước này. Ông Peskov cũng cho rằng Nga hoàn toàn có lý do để tổ chức cuộc tập trận này vì thái độ “hiếu chiến và không thân thiện” của NATO.
Cùng với các cuộc tập trận quy mô lớn mà Nga đã tổ chức ở biên giới với NATO trong năm 2017, cuộc tập trận Vostok 2018 này được xem là sự mô phỏng một cuộc xung đột lớn với NATO. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, Nga tập trận lần này không có nghĩa chuẩn bị chiến đấu với NATO, thực chất đây là một hình thức ngoại giao mang tính tấn công, nhằm tạo uy lực và buộc các nước phương Tây nhượng bộ hơn với các quyền lợi của Nga.
Phần mình, NATO ngày 11-9 phản ứng rằng cuộc tập trận này của Nga là “một sự diễn tập cho một cuộc xung đột lớn”. Theo người phát ngôn Dylan White, NATO sẽ theo dõi chặt cuộc tập trận của Nga. Cuộc tập trận Vostok 2018 của Nga diễn ra cùng thời điểm với cuộc tập trận Rapid Trident 2018 của NATO diễn ra ở Ukraine.
Xe quân sự Nga trong cuộc tập trận Vostok 2018 ngày 11-9. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG NGA |
Ông Putin và ông Tập Cận Bình cùng làm một loại bánh ngọt của Nga sau cuộc đối thoại tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông ở TP Vladivostok, Nga ngày 11-9. Ảnh: REUTERS |
Một liên minh hướng Đông sắp thành hình?
Cùng ngày cuộc tập trận Vostok 2018 bắt đầu, Tổng thống Nga Putin có buổi tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông ở TP Primorsky Krai, tỉnh Primorsky Krai, Nga.
Với cuộc tập trận Vostok 2018 và cuộc gặp giữa hai ông Putin-Tập diễn ra đồng thời, nhiều chuyên gia đồng tình cả Nga và Trung Quốc muốn thể hiện cho thế giới thấy tình hữu nghị đang phát triển của hai nước. ABC News dẫn ý kiến Chủ tịch chương trình châu Á-Thái Bình Dương Alexander Gabuev tại Trung tâm Nghiên cứu chính sách Carnegie Moscow (Nga), rằng các động thái này thể hiện sự phát triển trong hợp tác giữa hai nước sau nhiều thập niên nghi ngại lẫn nhau.
Nói với Sputnik, nhà phân tích an ninh và các vấn đề quốc tế Mark Sleboda (Nga) nhận định một liên minh mạnh - giống NATO - đang dần tượng hình ở phía Đông. Theo ông Sleboda, sở dĩ “đối tác chiến lược quân sự, chính trị, kinh tế… đang dần trở thành một liên minh” là vì thái độ của Mỹ. Ông Sleboda cho rằng Mỹ đã ép Trung Quốc và Nga về kinh tế, quân sự, chính trị. Chính sách an ninh quốc gia của Mỹ dưới thời chính phủ Trump xem Nga và Trung Quốc là mối đe dọa với các giá trị và quyền lợi Mỹ. Có thể nói các chính sách của chính phủ Trump đã tạo ra một liên minh địa chính trị mới. Đồng tình với ông Sleboda, nói với Al Jazeera, chuyên gia Nga Fyodor Lukyanov cho rằng Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau là vì Mỹ.
Theo chuyên gia Gabuev, cả Nga và Trung Quốc đều muốn gửi đến Mỹ thông điệp: “Nếu Mỹ làm quá, chúng tôi sẽ sát lại với nhau”. Chính Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu từng nói hồi tháng 7 rằng “không nghi ngờ gì các căng thẳng quốc tế đã góp phần gắn kết Nga và Trung Quốc”.
Tuy nhiên, chuyên gia Gabuev cũng cho rằng thực tế thì cả Nga và Trung Quốc không nước nào tin hai bên đủ thân thiết và đủ niềm tin để thiết lập một liên minh quân sự toàn diện. Bản thân cuộc tập trận Vostok 2018 được thiết kế từ thời Liên bang Xô Viết nhằm chuẩn bị khả năng đối phó một cuộc chiến tranh lớn với Trung Quốc. Cuộc tập trận này thậm chí còn từng được tổ chức ở các địa điểm từng xảy ra chạm trán giữa hai nước năm 1969, vì các tranh chấp biên giới vốn có nguy cơ dẫn tới một cuộc xung đột toàn diện giữa hai nước. Trong khi đó, theo thông tin từ Washington Post, các quan chức Trung Quốc vẫn chủ trương né tránh đối thoại về khả năng phối hợp lực lượng với Nga để đối phó Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis ngày 11-9 cũng tự tin nói Nga và Trung Quốc “ít có khả năng sát cánh dài hạn” vì mỗi nước “hành động vì quyền lợi của mình”.
Dù thế, nhà nghiên cứu cấp cao Michael Kofman tại tổ chức nghiên cứu CAN (Mỹ) cảnh báo Mỹ không nên đánh giá thấp khả năng hợp tác quân sự của Nga và Trung Quốc trong tương lai. Theo ông, lịch sử đã cho thấy có quốc gia liên minh với nhau chống lại mối đe dọa chung mà không cần thiết phải có cùng giá trị chung hay mục tiêu chung.
“Đưa quan hệ Trung-Nga lên tầm cao mới” Gặp ông Tập Cận Bình ngày 11-9, ông Putin nói Nga có “quan hệ tin tưởng” với Trung Quốc “về chính trị, an ninh và quốc phòng”. Nga gần đây đã bắt đầu bán cho Trung Quốc các vũ khí tiên tiến như hệ thống tên lửa phòng thủ S-400, máy bay chiến đấu Su-35 mà trước kia Nga vẫn ngần ngại vì lo Trung Quốc chống lại mình cũng như ăn cắp công nghệ.
Phần mình, ông Tập mang tới Diễn đàn Kinh tế phương Đông gần 1.000 doanh nhân Trung Quốc. Ông Tập hy vọng hai nước sẽ “tiếp tục cùng nỗ lực đưa quan hệ Trung-Nga lên tầm cao mới”. Về kinh tế, thương mại song phương hai bên dự kiến sẽ vượt con số 100 tỉ USD trong năm nay, so với 84 tỉ USD năm ngoái. Theo các chuyên gia, Nga tới đây có thể cung cấp năng lượng cho Trung Quốc, trong khi Trung Quốc có thể sẽ chia sẻ chuyên môn của mình về thương mại điện tử với Nga. Sự hợp tác này rất quan trọng trong môi trường quốc tế hiện tại. Trước mắt, Tập đoàn Alibaba của Trung Quốc ngày 11-9 cho biết sẽ làm đối tác với một tập đoàn lớn của Nga, mở rộng hoạt động sang đây. |
Tác giả: THIÊN ÂN
Nguồn tin: Báo Pháp luật TP.HCM