Trong tỉnh

Nét đẹp trong tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng ở xã Hoằng Lộc

Xã Hoằng Lộc (Hoằng Hóa) không chỉ nổi tiếng là một miền đất học gắn với tên tuổi Trạng Quỳnh và những nét đẹp êm ả, thanh bình đã làm nên những vần thơ đầy sức gợi: “Hoằng Lộc quê ta cảnh hữu tình/ Rừng dừa bát ngát ánh trăng xinh”.

CLB Hương Quê, xã Hoằng Lộc biểu diễn văn nghệ phục vụ Lễ tưởng niệm ngày mất Thành hoàng làng Nguyễn Tuyên tại Bảng Môn Đình.

Bên cạnh đó, xã Hoằng Lộc còn được biết đến như là một trong những mảnh đất yêu chuộng tâm linh. Đã là người con xã Hoằng Lộc, cho dù có đi xa quê hương cũng ghi nhớ trong lòng ngày 21 tháng chạp (âm lịch) để được trở về Bảng Môn Đình (thôn Đình Bảng) tham dự lễ tưởng niệm ngày mất Thành hoàng Nguyễn Tuyên - người con ưu tú của quê hương đã có công đánh tan giặc Chiêm Thành, giữ yên bờ cõi phía Nam của đất nước vào đầu thế kỷ XI, triều vua Lý Thái tông. Có thể nói, bên cạnh những nét đẹp toát lên từ các di tích đình, chùa như chùa Thiên Nhiên Tự, nhà thờ Trạng Quỳnh, nhà thờ tướng công Bùi Khắc Nhất... được xếp hạng di tích cấp tỉnh thì lễ tưởng niệm ngày mất của Đại tướng Nguyễn Tuyên từ lâu đã trở thành nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng của nhân dân xã Hoằng Lộc.

Thành hoàng Nguyễn Tuyên, theo lược dịch thần phả Thành hoàng do Hàn Lâm viện, Đông các đại học sĩ – tiến sĩ Nguyễn Bính phụng soạn đầu năm niên hiệu Hồng Thuận, triều Lê Trung Hưng, là con trai độc nhất trong một nhà nho nghèo ở trang Bột Đà, huyện Cổ Đằng, phủ Hà Trung, xứ Thanh Hoa – nay là xã Hoằng Lộc, Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Ngay từ khi mới sinh ra, ông đã tỏ rõ cốt cách của một thần tướng. Năm ông 21 tuổi, phía Nam đất nước ta bị giặc Chiêm Thành lấn chiếm bờ cõi. Thế giặc mạnh, vua Lý Thái tông cùng thái tử đích thân đi dẹp giặc. Đại quân của nhà vua qua trang Bột Đà thấy địa thế quảng mạc, thủy bộ đều thuận lợi bèn hạ lệnh đóng quân. Đêm hôm ấy, nhà vua nằm mộng, thấy ánh sáng hào quang tỏa sáng và có thần linh hiển hiện liền biết chắc nơi đây có người tài, cho lập đàn tế, ra lời hiệu triệu và mở cuộc thi chọn người phò vua giúp nước.

Quả nhiên chàng trai trẻ Nguyễn Tuyên xin vào yết kiến, tâu bày mọi việc lưu loát từ địa thế núi sông, lòng dân thế nước, dâng kế sách phá giặc. Vua Lý Thái tông vui mừng khôn xiết, phong Nguyễn Tuyên làm đại tướng tiên phong bình Chiêm, cho tuyển mộ thêm binh sĩ trong trang, lên đường dẹp giặc. Dưới tài năng và trí tuệ của đại tướng Nguyễn Tuyên, quân ta thắng lớn, đại phá Chiêm Thành, bắt sống Chiêm chủ là Xạ Đẩu. Sau khi thắng giặc, do có công lớn, Nguyễn Tuyên được hưởng đặc ân về thăm gia đình. Khi đi đến đầu trang (chợ Thiên Quan), bỗng mây trời đen tối, chớp giật mưa tuôn, người và ngựa cùng hóa thân tại chỗ (trên địa hình long đầu).Tiếc thương người tướng tài, vua Lý Thái tông đã phong cho ông là Thượng đẳng đại vương linh thần.

Để tưởng nhớ công ơn của một vị tướng tài, một người con anh dũng, quả cảm của quê hương Hoằng Lộc, hằng năm, lãnh đạo và nhân dân xã Hoằng Lộc đều thành kính tổ chức lễ tưởng niệm ngày mất của ngài như một lời tri ân sâu sắc. Lễ tưởng niệm thường diễn ra trong vòng hai ngày tại Bảng Môn Đình với hai phần chính: phần lễ và phần hội.

Trước đó, thường vào ngày 17 tháng chạp (âm lịch), thủ từ sẽ lựa chọn thêm một số người tỉ mỉ, khéo léo, có duyên với cửa đình làm lễ Mục dục với công việc chính là quét dọn khuôn viên, hậu cung đình, lau chùi đồ thờ nhằm chuẩn bị chu đáo cho những ngày lễ chính. Về phần lễ được chia thành hai phần: Cáo yết và chính kỵ. Cáo yết hay còn được gọi là cúng tiên thường là nghi lễ được tiến hành trước ngày giỗ chính, lễ vật chuẩn bị đơn giản, chủ yếu nhằm báo cáo với Thành hoàng về sự thành tâm của con cháu mong mỏi hướng về ngài và xin ngài chứng giám. Mọi nghi lễ quan trọng tập trung vào ngày chính kỵ. Vào ngày này, chủ tế sẽ đọc to thân thế, công trạng, tước phong của thành hoàng, lễ tế và sau đó, lần lượt các ban, ngành, chính quyền địa phương và nhân dân trong xã vào dâng lễ, viếng tạ ơn.

Khác với các xã lân cận, tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng của nhân dân xã Hoằng Lộc mang một phong vị lễ hội rất riêng: Tao nhã, nhẹ nhàng nhưng cũng không kém phần tươi vui, nhộn nhịp. Đó cũng chính là nét hấp dẫn trong tính cách của con người đất Trạng: Ôn hòa, nhu mì nhưng vẫn đủ đầy sự hóm hỉnh, thông minh và đôi phần sắc sảo. Phần hội thường được tổ chức vào đêm trước ngày chính kỵ với nhiều hoạt động bổ ích, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Bên cạnh các hoạt động vui chơi dân gian như: Cờ người, đấu vật... thì xã Hoằng Lộc chú trọng đầu tư, khai thác có chiều sâu, hướng đến tính nghệ thuật nhiều hơn. Nếu như trước kia, muốn mở chiếu chèo, xẩm chợ, chầu văn phục vụ nhân dân trong ngày hội, ban tổ chức lễ hội xã Hoằng Lộc phải thuê, mượn người ở các xã khác đến biểu diễn thì trong một vài năm trở lại đây, xã đã kêu gọi những người có năng khiếu, yêu thích hát chèo, hát chầu văn tham gia đội văn nghệ phục vụ quần chúng.

Tháng 10-2017, sau gần ba năm hoạt động sôi nổi, tích cực, CLB Hương Quê – xã Hoằng Lộc đã chính thức được UBND xã ký quyết định thành lập, công nhận là một trong những nhân tố điển hình của hoạt động văn nghệ quần chúng phục vụ các ngày lễ, hội lớn của làng, xã. Xã Hoằng Lộc cũng đã xây dựng được đội trống hội trên 20 chiếc do nghệ nhân Lê Minh Thiết – nghệ nhân biểu diễn trống hội nổi tiếng của tỉnh Thanh Hóa trực tiếp giảng dạy. Điều đặc biệt hơn nữa, các tiết mục được sử dụng trong phần hội, kể cả các làn điệu chèo đều là những tác phẩm do chính những người con quê hương Hoằng Lộc sáng tác hoặc chuyển thể, cải biên. Từ trường ca “Kể chuyện Thành hoàng Nguyễn Tuyên” cho đến khúc hát “Đất thiêng – người tài”, làn điệu chầu văn “Chuyện Trạng Quỳnh” đều là những con chữ thiêng liêng đã nhuốm màu tâm linh, thành kính nhằm ca ngợi công đức Thành hoàng làng và những con người đã làm vẻ vang, vinh hiển xóm làng.

Chỉ bằng những việc làm hết sức thiết thực cùng với sự chung tay, góp sức của lãnh đạo và nhân dân xã Hoằng Lộc đã góp phần tạo nên nét đẹp trong tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng nơi đây. Đáng tiếc, đẹp là thế nhưng làm thế nào để khai thác được thế mạnh ấy đưa vào phục vụ, phát triển du lịch vẫn là câu hỏi khó đối với chính quyền địa phương. Tuy nắm giữ nhiều tiềm năng, lại có Bảng Môn Đình – nơi diễn ra lễ cúng Thành hoàng Nguyễn Tuyên nằm trong chuỗi liên kết các điểm đến du lịch Hoằng Hóa nhưng cho đến nay tiềm năng cũng chỉ đang loay hoay ở dạng tiềm năng, chưa thể bứt phá.

Trả lời về những khó khăn trong phát triển du lịch địa phương, ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Lộc cho biết: “Đây là vấn đề nói thì dễ nhưng làm thật sự rất khó. Xã Hoằng Lộc có nhiều tiềm năng về du lịch, nhất là du lịch về văn hóa, tín ngưỡng tuy nhiên xã Hoằng Lộc lại thiếu con người làm du lịch, chưa có nhiều các sản phẩm phục vụ du lịch... Để giải quyết được những vấn đề này cần có một lộ trình với những bước đi bài bản, đúng hướng và sự quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ về nguồn kinh phí từ lãnh đạo các cấp huyện, cấp tỉnh”.

Lễ tưởng niệm ngày mất Đại tướng Nguyễn Tuyên từ lâu đã trở thành nét đẹp tâm linh, nét đặc sắc trong tín ngưỡng thờ thành hoàng làng ở xã Hoằng Lộc. Đây không chỉ là dịp để người dân được tỏ lòng ngưỡng vọng, tri ân đến vị thành hoàng đã lập công phò vua giúp nước, đem lại cuộc sống thái bình, ấm no cho nhân dân mà trên hết nó thể hiện sự đoàn kết, thương yêu, gắn bó lẫn nhau của người dân trong làng, xã và những kỳ vọng lớn lao về một sự chở che, ban phước lành cho cuộc sống của những con người thuần hậu, chất phác thôn quê. Bằng nỗ lực của chính quyền địa phương, dựa trên những nền tảng vững chắc về sự thừa hưởng những nét đẹp truyền thống văn hóa của địa phương, hy vọng trong tương lai không xa, Hoằng Lộc sẽ trở thành một trong những địa điểm du lịch văn hóa, tín ngưỡng thu hút được đông đảo hơn nữa du khách tham quan.

Tác giả: Hương Thảo

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa điện tử

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok