Theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên tiểu học từ trung cấp lên cao đẳng. Đặc biệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, việc nâng chuẩn từ trung cấp lên cao đẳng đối với giáo viên tiểu học là hợp lý, có tính khả thi, nhằm đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Bộ sẽ có lộ trình bồi dưỡng, đào tạo lại để nâng cao trình độ đối với những giáo viên chưa đạt chuẩn.
(Ảnh minh họa) |
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề xuất nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên tiểu học từ trung cấp lên cao đẳng sư phạm trong thời điểm này là điều tất yếu, để thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản toàn diện Giáo dục - Đào tạo theo Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương. Thực tế hiện nay, lực lượng giáo viên nói chung, giáo viên tiểu học nói riêng, vẫn còn bất cập về số lượng, chất lượng, trong đó một số giáo viên chưa theo kịp yêu cầu đổi mới phát triển giáo dục.
Tính đến tháng 9/2017, tổng số giáo viên cả nước có trình độ đào tạo bậc trung cấp sư phạm chiếm 12,01%, trình độ cao đẳng sư phạm là 32,12% và bậc đại học, trên đại học là hơn 50%. Như vậy, số giáo viên tiểu học đạt trình độ từ cao đẳng sư phạm trở lên đã chiếm tỷ lệ trên 87%, nên việc nâng chuẩn đối với số giáo viên còn lại là hoàn toàn khả thi.
Tại các hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục do Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, việc nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên tiểu học từ trung cấp lên cao đẳng là hợp lý, vì giáo viên chính là yếu tố then chốt để thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục.
Ông Hoàng Văn Thi, Phó Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh Thanh Hóa nói: “Điều này chúng tôi cho rằng nó có tính khả thi, thậm chí giáo viên mầm non dần dần phải quy định là bậc cao đẳng. Chẳng hạn như Thanh Hóa là địa phương có nhiều đặc thù vùng miền, dân tộc, hiện nay có gần 50.000 giáo viên bậc trung học phổ thông. Đến nay, riêng mầm non, trên chuẩn là 73%, tiểu học trên chuẩn là 79,3%. Như vậy việc 100% đạt trình độ cao đẳng trở lên là hoàn toàn khả thi”.
Mặc dù đồng tình với đề xuất nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên tiểu học, nhưng nhiều người lo ngại, việc nâng chuẩn trình độ sẽ ảnh hưởng nhiều đến công việc và đời sống của những giáo viên chưa đạt chuẩn. Vì vậy, nhiều ý kiến đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xây dựng lộ trình hợp lý để từng địa phương tùy vào điều kiện cụ thể có thể tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng chuẩn giáo viên tiểu học. Thực tế, việc đi học nâng cao trình độ đối với giáo viên trẻ có thể khả thi, nhưng đối với những giáo viên đã lớn tuổi, giáo viên dạy các môn chuyên biệt thì việc nâng chuẩn mới sẽ gặp nhiều khó khăn.
Bà Nguyễn Thúy Hường, Phó Trưởng phòng tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Nam nêu thực tế: “Ở thời điểm này, giáo viên tiểu học ở Hà Nam đã đạt tới 98% trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học. Số lượng nhà giáo đạt trình độ trung cấp thường ở các môn thể dục, hát nhạc, mỹ thuật, đó là những môn chuyên biệt. Tôi đề nghị có một lộ trình nhất định để tuyển dụng giáo viên ở các môn đối với tiểu học là trình độ cao đẳng, đối với những môn chuyên biệt cũng thế. Như vậy sẽ không ảnh hưởng đến các đồng chí được tuyển dụng rồi và có cơ chế chính sách để các thầy cô được tiếp tục học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ”.
Giải đáp những băn khoăn, lo lắng này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, dự kiến, những giáo viên có trình độ trung cấp, còn thời gian công tác từ 1 đến 5 năm thì các địa phương phối hợp với trường sư phạm để thiết kế khóa học bồi dưỡng. Với những giáo viên còn trên 5 năm công tác sẽ có lộ trình bồi dưỡng, đào tạo lại cùng nhiều biện pháp linh hoạt. Đặc biệt, việc nâng chuẩn giáo viên tiểu học lên cao đẳng không nhằm mục đích sa thải giáo viên có trình độ trung cấp.
Ông Nguyễn Đức Hữu, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ giáo dục tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định: “Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có lộ trình và chúng ta cũng có những bước đi thích hợp, không để sau khi Luật ban hành có hiệu lực thì các đồng chí giáo viên ở trung cấp sư phạm thấy mình không đạt chuẩn, có khi là ra khỏi ngành. Chúng tôi khẳng định điều này để các đồng chí cũng an tâm”.
Hiện Bộ Giáo dục - Đào tạo đang hoàn thiện và ban hành chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông, trong đó có chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học theo hướng tiếp cận năng lực. Đây là cơ sở để các địa phương tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo lại để nâng chuẩn trình độ đào tạo đối với giáo viên tiểu học./.
Tác giả: Minh Hường
Nguồn tin: Báo VOV