Thế giới

Mỹ tuyên bố 'cạnh tranh mạnh mẽ' với Trung Quốc ở Biển Đông

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói rằng những hành động đi ngược với tuyên bố đặt ra câu hỏi về ý định của Trung Quốc trong khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis tại Đối thoại Shangri-la 2018. Ảnh: AFP.

"Chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông tương phản hoàn toàn với chiến lược minh bạch mà chúng ta cam kết, đặt ra câu hỏi về những mục tiêu rộng lớn hơn của Bắc Kinh", Mattiss phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore hôm 1/6, theo South China Morning Post.

"Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ mang tính xây dựng, hướng đến kết quả với Trung Quốc, hợp tác khi có thể và cạnh tranh mạnh mẽ khi cần... Tất nhiên chúng tôi thừa nhận vai trò của Trung Quốc trong bất cứ trật tự bền vững nào ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói thêm.

Phát biểu của Mattis được đưa ra giữa lúc sự cạnh tranh của Mỹ và Trung Quốc đang tăng lên khi Washington tiếp tục thách thức sự thống trị hàng hải ngày càng lớn của Bắc Kinh trong khu vực, chủ yếu ở những vùng biển nước này tuyên bố chủ quyền và quân sự hóa các đảo nhân tạo phi pháp.

Trong những tuần gần đây, Trung Quốc đã tăng cường hiện diện quân sự với việc triển khai các vũ khí và chiến đấu cơ tân tiến, như máy bay ném bom chiến lược, trên các đảo chiếm đóng ở Biển Đông.

"Mặc dù Trung Quốc đưa ra tuyên bố trái ngược, việc triển khai các hệ thống vũ khí này là một phần của hoạt động quân sự nhằm mục đích hăm dọa và cưỡng ép", Mattis nhấn mạnh.

Mỹ hôm 23/5 đã rút lại lời mời Bắc Kinh tham gia tập trận hải quân lớn nhất thế giới RIMPAC ở Hawaii. Lầu Năm Góc gọi quyết định này là "phản ứng ban đầu với việc Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa ở Biển Đông". Ba ngày sau đó, Mỹ điều hai tàu chiến đi qua vùng biển trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo Cây, Linh Côn, Tri Tôn và Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, khiến Bắc Kinh phản ứng giận dữ.

Những hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy Trung Quốc dường như đã triển khai hệ thống tên lửa phòng không tại đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đầu tháng này, không quân Trung Quốc cho các máy bay ném bom chiến lược H-6K diễn tập cất hạ cánh chớp nhoáng tại đường băng trên đảo Phú Lâm.

Đối thoại Shangri-La khai mạc hôm 1/6 và sẽ bế mạc ngày 3/6, là một hội nghị an ninh thượng đỉnh thường niên châu Á với sự tham dự của bộ trưởng quốc phòng và các quan chức từ hơn 50 quốc gia, gồm Mỹ, Việt Nam, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, Pháp và Philippines.

Tác giả: Huyền Lê

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok