Cảnh nhộn nhịp người mua, kẻ bán. |
Một giờ sáng, cái lạnh đầu đông như cắt da, cắt thịt. Sương giăng mắc khắp các ngả đường, thi thoảng một vài chiếc xe máy vội vã chạy rồi khuất dần trong bóng tối. Trong màn đêm đen đặc, tiếng kêu lạch cạch, cót két phát ra từ những chiếc xe đạp, xe thồ xen lẫn tiếng nói chuyện rôm rả như phá tan không gian yên tĩnh. Ở khu vực gần chợ, những bóng người đang hì hục đẩy xe hàng, tiếng í ới gọi nhau trong ánh đèn đường tan loãng càng làm cho không gian chợ đêm thêm sôi động.
Tôi choàng chiếc áo phao đại hàn, trùm mũ lên đầu rồi hòa mình vào đám đông ồn ả. Trong khi cả thành phố đang chìm trong giấc ngủ thì ở chợ rau đêm lại rôm rả, vui nhộn như chợ tết. Người bán, kẻ mua không tỏ mặt nhau, tiếng nói, tiếng cười, tiếng mặc cả, ngã giá... cứ râm ran huyên náo nghe thật vui tai. Cuộc sống ở chợ rau đêm thực sự bắt đầu khi kim đồng hồ chuyển dần sang ngày mới. Dạo quanh một vòng chợ lúc đêm khuya để được tận mắt nhìn, tai nghe mới có thể cảm nhận hết cảnh thâu đêm mưu sinh của những người lao động.
Nhìn thấy tôi sà vào hàng rau, một chị nhanh nhảu: Chú ơi mua giùm chị đi! Rau sạch đây, của nhà trồng đấy, yên tâm nhé? Biết tôi có ý định tìm hiểu về công việc buôn bán, chị đổi giọng, cái nghề cực nhọc này viết lên báo làm gì chú ơi! Tỉ tê dăm câu chuyện, tôi được biết chị tên Hường, nhà ở phường Đông Sơn (TP Thanh Hóa), gắn bó với nghề hơn 7 năm qua.
Chị bảo buôn rau là cái nghề phải thức đêm, thức hôm lận đận lắm mới kiếm được đồng tiền, hầu như chẳng đêm nào được ngủ ngon giấc. Công việc vất vả khiến chị già đi so với tuổi. Khuôn mặt hốc hác, sạm đen hiện ra dưới ánh đèn cao áp vàng vọt, ngồi thụt sâu bên chồng rau cao ngất. Cạnh đó là chiếc xe thồ cũ kỹ, dựng chỏng chơ bên chồng rau mới xếp. Chiếc xe là người bạn gắn bó với chị nhiều năm nay, không biết đã ngược xuôi bao nhiêu lần trên đoạn đường từ nhà lên chợ mỗi đêm.
Chồng chị mất, một mình nuôi ba con nhỏ. Chị Hường đưa đôi mắt thâm quầng, trũng sâu hướng về phía màn đêm sâu thẳm, ngậm ngùi: “Phận mình vất vả, cực nhọc để lo cho các con ăn học bằng bạn, bằng bè, chúng nó vui, mình hạnh phúc phải không chú!”.
Không chỉ người thành phố mới buôn rau ở chợ đêm. Có nhiều người từ nơi khác đến. Trong ánh sáng nhòe nhoẹt của đèn đường trộn với sương đêm, khuôn mặt chị Nguyễn Thị Hoa ở xã Hoằng Trinh (Hoằng Hóa) vẫn rõ vẻ khắc khổ. Vóc dáng nhỏ thó, gầy gò nhưng đêm nào cũng vậy, chị phải gồng mình đạp xe cả chục cây số, đem những bó rau chính tay mình làm ra lên chợ thành phố bán, chị cho biết: Từ nhà lên chợ cách xa cả chục cây số.
Vì vậy, chị thường rời nhà từ 12 giờ đêm. Nếu có bạn hàng đi cùng thì còn có câu chuyện làm quà, đoạn đường như gần hơn và cũng đỡ sợ hơn, nếu có một mình tuy buồn, nhưng cũng phải cố gắng bởi khi rau đã thu hoạch không thể để lâu được. Đi chợ xa tuy vất vả là vậy, nhưng bù lại bán được giá cao hơn ở chợ quê mình.
Ngay bên cạnh, tôi thấy vài ba thương lái đang quây quanh chiếc xe máy chở đầy bắp cải của anh Lê Văn Long ở xã Quảng Định (Quảng Xương) để ngã giá. Theo anh Long, so với các loại cây khác thì trồng bắp cải hiệu quả hơn bởi dễ chăm sóc, ít sâu bệnh.
Bắp cải đầu vụ bán giá cao hơn chính vụ. Năm nay, gia đình anh làm 2 sào bắp cải, đến nay đã thu hoạch được 1 sào, diện tích còn lại sẽ thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán này. Giá bán tại ruộng bình quân chỉ được 3.000 đồng/kg, nhưng đưa lên chợ đêm này thì có thể được khoảng 4.000 đồng. Thôi thì vất vả nhưng được giá, phần nào cũng dôi dư chút ít hỗ trợ chuyện học hành cho hai con.
Còn chị Nguyễn Thị Hạnh, phường Đông Hải (TP Thanh Hóa) tâm sự: “Theo thói quen, mỗi đêm, vào tầm 1 giờ sáng là tôi thức giấc để gánh rau đến chợ bán. Một tháng 30 ngày gần như có mặt ở chợ đêm này đủ cả. Rau được chuẩn bị vào lúc 11 giờ đêm, cắt tỉa, bó gọn để sẵn khi nào thức giấc chỉ việc rửa mặt là đem đi chợ luôn, nhà ở gần chợ nên cũng tiện lợi, thế mà nhiều hôm đi làm về mệt quá ngủ quên, khi ra đến nơi đã tan chợ đêm, vì vậy lại phải đem đi bán dạo khắp các phố phường”.
Chợ rau đêm là nơi thu hút nguồn rau, củ, quả rất phong phú như: Bắp cải, xà lách, cà chua, bí xanh, rồi đến hoa, quả các loại... từ các vùng quê đổ về. Đối với những người nông dân trồng rau trên địa bàn thành phố như các phường, xã: Đông Hương, Đông Hải, Đông Vệ, Đông Cương... thì việc đi chợ cũng đỡ vất vả hơn, bởi vì quãng đường tới chợ gần nên họ có thể thức dậy muộn hơn, nghĩa là khoảng 2 giờ sáng vẫn kịp vì chợ rau thường họp đông đúc nhất lúc 4-5 giờ sáng. Còn đối với những người dân ở xa như các huyện: Hoằng Hóa, Quảng Xương, Đông Sơn... thì người đi chợ phải thức giấc từ lúc nửa đêm để chuẩn bị cho một cuộc hành trình mưu sinh.
Ở chợ đêm không có cảnh đòi thách giá cao như chợ ban ngày. Giá bán chỉ chênh lệch chút ít so với giá chủ hàng phát ra. Có khi, người ta không nói thách chút nào vì khách mua toàn là người quen, bạn hàng lâu ngày nên giá đã được thống nhất.
Ở đây cũng có rất nhiều kiểu mua bán, một phần tiêu thụ trong nội thành, được các thương lái thu mua, đem nhập lại tại các chợ phường hay đem về các đại lý. Rau cũng được người mua để đi bán dạo, họ rong ruổi trên những chiếc xe đạp cọc cạch, hay những đôi quang gánh len lỏi đến từng góc phố, ngõ hẻm. Rau cũng được đưa về tuyến huyện, chủ yếu các huyện miền núi như Ngọc Lặc, Quan Hóa, Bá Thước và có thể lên tận Mường Lát xa xôi...
Ở chợ rau đêm, ngoài những người buôn bán thì còn có những người “hành nghề” bốc vác. Họ không chỉ là cánh đàn ông sức dài, vai rộng mà có cả chị em “chân yếu, tay mềm”. Làm việc như cánh đàn ông, nhiều chị cũng oằn mình bốc xếp hàng tấn rau quả mỗi đêm, nhận lại họ được khoảng 200 - 300.000 đồng.
Chợ rau đêm vãn khách, cũng là lúc bình minh ló rạng, cả người bán lẫn người mua bắt đầu dọn dẹp ra về. Một ngày mới bắt đầu, nhưng có lẽ với những người mưu sinh ở chợ đêm sẽ là thời gian họ chợp mắt để rồi lại tiếp tục cho một cuộc mưu sinh mới...
Rời chợ đêm khi trời đã sáng tỏ, những bó rau xanh tỏa đi muôn nơi, có người mang rau rong ruổi nơi cuối phố, người trở lại với cánh đồng rau xanh ngát, nhưng bên tai tôi vẫn còn vẳng lại tiếng cười sảng khoái của chị bán hành hoa, anh bán bắp cải. Qua một đêm vất vả mưu sinh nơi góc chợ, nhưng ai cũng thắp lên một niềm tin, niềm hy vọng rất đỗi bình dị mà bất kỳ người nông dân nào cũng mong muốn, đó là khi những sản phẩm của mình làm ra có nơi tiêu thụ ổn định và bán được giá cao.
Chợ đầu mối có khoảng trên 600 điểm kinh doanh cố định, 400 điểm kinh doanh không cố định. Chợ được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí 70 tỷ đồng, đạt tiêu chí chợ loại I. Mỗi ngày, có khoảng 700 - 800 tấn hàng hóa được trung chuyển chủ yếu là các loại rau, củ, quả, thủy, hải sản và thực phẩm như: Các loại rau xanh, bí xanh, cà rốt, ớt, hoa quả... Có những mặt hàng phải nhập từ các tỉnh Hải Dương, Ninh Bình, Nam Định, Đà Lạt về. |
Tác giả: Xuân Minh
Nguồn tin: Báo Thanh Hóa điện tử