Xã hội

Mưu sinh nơi đất khách vẫn ấm áp tình quê hương

Trong suốt hành trình khám phá, tìm kiếm nơi ở, sinh hoạt của người Việt ở Nga, chúng tôi đều thấy rõ tình yêu quê hương đất nước của họ qua nét sinh hoạt vẫn nguyên chất của người Việt.


1 819819
Ông Nguyễn Mạnh Thường - Tổng Biên tập Báo NNVN (đứng) cảm ơn sự nhiệt thành của Hội đồng hương Nghệ An, Hà Tĩnh giúp đỡ trong chuyến tham quan và công tác tại Nga


Bước vào một nhà hàng khá sang trọng tại Trung tâm thành phố Tula, biển ngoài cửa viết bằng chữ Nga, bình thường rất khó phát hiện đó là một nhà hàng của người Việt. Biết chúng tôi là nhóm khách Việt, anh chị chủ nhà rất vui vẻ phục vụ cách ăn uống theo khẩu vị người Việt, bày cỗ theo mâm, với các món truyền thống là cá rán, rau luộc, canh nấu chua, cơm trắng...

Chủ nhà hàng cho biết, chị quê Bắc Giang, đến Tula mở nhà hàng được gần chục năm, nhìn chung kiếm đủ tiền thuê nhà, nộp thuế, phần tích lũy cũng ít ỏi, vì chỉ bán các cơm phần, suất ăn bình dân cho người lao động là chính, hơn nữa người Việt ở Tula không đông nên cũng vắng khách, do đó anh chị tự chế biến và phục vụ khách, không thuê mướn người làm.

Để bớt nhớ quê nhà, gần khu bếp anh chị cũng đặt bàn hương thờ thần tài, với mấy loại hoa quả, rượu, hương, tiền, vàng mã rất cung kính.

Trong chuyến khám phá thành phố St- Peterburg, chúng tôi cũng may mắn được ăn cơm ở một nhà hàng do người Việt làm chủ. Nhìn vào biển chỉ dẫn ngoài cửa bằng chữ Nga nhưng bước vào cửa thật bất ngờ thấy ngôi chùa Một Cột được dựng ở gian chính trong phòng khách, với màu sơn rực rỡ.

Chùa dựng trên một bể nước, có hòn non bộ nom rất đẹp. Bên trong chùa được bày đặt đủ thứ, từ hương vàng, bàn nhang và hệ thống điện thắp sáng nom giống như chùa Một Cột ở Hà Nội. Thấy lạ mắt, chúng tôi liền hỏi một thanh niên biết tiếng Việt tại nhà hàng này lý giải giúp. Thanh niên này cũng chỉ là người giúp việc, lại trẻ tuổi, nên không biết lý do vì sao, mà chỉ giải thích đơn giản là ở ngoài không có đất dựng chùa nên chủ nhà mới phải để ở trong nhà còn có thời gian chăm sóc, thờ phụng”.

Cũng theo người giúp việc tại nhà hàng này, bà chủ của nhà hàng tên là Liên, sinh năm 1980, nhưng rất chu đáo với phần việc tâm linh theo nghi thức người Việt. Chính ngôi chùa được dựng trong gian phòng khách, đã giúp cho nhà hàng này thu hút được khá đông người Việt tại St. Peterburg đến thưởng thức món ăn Việt, và chiêm ngưỡng di sản Việt tại trời Âu này.

Khi đến thăm Trung tâm thương mại Hà Nội - Moscow, nơi ở đông đúc của người Việt, mô hình một ngôi chùa Một Cột cũng được xây dựng ngay phía bên phải của Trung tâm, giúp cho người Việt tại Nga có chỗ qua lại khói nhang mỗi dịp lễ, Tết.

Để bớt nỗi nhớ quê hương, người Việt ở Nga có cách giảm nỗi nhớ nhà bằng cách, cứ mỗi khi có ai đó từ Việt Nam sang Nga, họ nhờ mua bằng được những thứ mà bên Nga không có vừa để ăn, vừa để tặng cho những người Việt thân thiết khác, từ củ khoai lang, ấm chè, quả vải, quả nhãn, quả chuối tiêu, nắm rau muống… để giúp giảm nỗi nhớ quê nhà.

Tại một bữa cơm thân mật do anh Võ Quốc Dũng, Chủ tịch Hội đồng hương Nghệ An tổ chức tiếp tại nhà riêng, anh chỉ mời 5 anh em trong đoàn công tác đến dự bữa cơm thân mật. Mâm cơm hôm đó được vợ anh tự nấu, toàn những món ăn theo ẩm thực của người Việt, từ món gà rán, cá hấp, canh chua đến rổ rau sống đủ loại; tía tô, húng chó, kinh giới… được chuyển từ Việt Nam sang. Sau bữa cơm thịnh soạn, một ấm chè mạn đãi khách, theo đúng phong cách Việt.

Ở nước Nga đã tròn 30 năm nhưng anh Dũng luôn dành tình cảm đối với quê hương, vẫn thường xuyên về quê thăm người thân bạn bè. Anh được cho là có cuộc sống khấm khá ở Nga, cùng với bản tính chân thật mến khách, ngôi nhà anh ở đã dành nhiều tình cảm cho người Việt, không chỉ bạn thân hữu, mà cả những người ở quê nhà mỗi khi họ có dịp du ngoạn nước Nga.

2 623534
Chùa Một Cột tại một nhà hàng ở trung tâm thành phố St. Peterburg

Đi xa quê nhà tròn 30 năm nhưng quê hương trong anh vẫn luôn ẩn khuất sau những đêm dài, những kỷ niệm của tuổi thơ vương vấn. Nhớ quê, anh chị đã tìm cách dạy con mình yêu quê hương qua những vần thơ, những câu chuyện kể.

Cũng từ đó, những đứa con nhỏ của anh chị, trước khi đi ngủ, thường được nghe bố, hoặc mẹ đọc cho nghe một câu chuyện nào đó, cốt là để các con phải biết yêu quê hương ngay từ lúc còn nhỏ, để mỗi khi về quê có gặp người thân, chúng không bị lạ lẫm như những người xa xứ khác.

Người Việt ở Nga không chỉ hướng về quê hương, người thân, mà họ rất quan tâm đến các sự kiện chính trị diễn ra trong nước, đặc biệt là những vấn đề có liên quan đến người dân trong mọi phương diện, gần đây nhất là vụ cá chết bất thường ở biển miền Trung, ô nhiễm những dòng sông, thực phẩm bẩn trong bữa ăn người Việt... Trong các câu chuyện quanh ấm trà, bữa tiệc với người Việt tại Nga, hầu hết họ đều quan tâm đến câu chuyện thời sự diễn ra trên biển Đông, họ tỏ thái độ bức xúc mỗi khi nghe tin ngư dân Việt bị bắt bớ, đánh đập vô cớ trên biển đảo quê hương...

Tác giả bài viết: Âu Vượng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok