Bố là giáo viên của trường con nên mọi “nhất cử nhất động” của con đều đến tai bố. Ánh mắt con hay hướng về bạn trai nào, ở trong lớp con có tập trung học hay không, con hay nói chuyện với ai... đều được bố về mách với mẹ. Nếu có gì bất thường, mẹ đều không quên gằn giọng: “Học hành tử tế vào. Đừng để người ta nói bố mẹ là giáo viên mà con học không ra gì. Yêu đương sớm là chết đòn, nghe chưa?”...
Con bước vào tuổi teen, mẹ đón đưa con từng bước. Mẹ luôn sợ, chỉ cần nhãng ra, con có thể “ngả vào lòng” một bạn nam khác. Ảnh minh họa |
Vẫn chưa yên tâm với những “tai mắt” của bố ở trường, mẹ bủa vây cuộc sống của con ở trên mạng xã hội. Con hiển nhiên phải kết bạn với mẹ trên facebook và như thế, mọi trạng thái con đăng, mọi bình luận của con đều bị mẹ kiểm soát. Thế nên, dù là trang nhật ký cá nhân nhưng con không bao giờ dám đăng những trạng thái, tâm sự thật lòng. Nếu buồn, bực bội, con cũng cố nén ở trong lòng. Bởi quan điểm của mẹ là: Học sinh chỉ lo mỗi học, có phải lo lắng cái gì đâu mà buồn với bực.
Nếu con đăng niềm vui của mình kèm thêm những ngôn ngữ xì teen của tuổi học trò, mẹ bắt con xóa bằng được. Mẹ cho rằng, ngôn từ trên mạng xã hội phải thật chuẩn mực. Mọi người, trong đó có bạn bè, đồng nghiệp của mẹ nhìn vào sẽ đánh giá. Ảnh con đăng, mẹ cũng không cho đăng những hình ảnh nghịch ngợm, cá tính. Thế nên, facebook của một đứa tuổi teen như con thật buồn tẻ. Nhìn những đứa bạn thoải mái thể hiện mình trên facebook, con cảm thấy cuộc sống của chúng thật thú vị. Con thèm được sống như thế! Vậy mà điều đó vô cùng khó với con.
Nhưng điều con khó chịu nhất là mẹ xâm phạm vào cả những bí mật riêng tư của con trên inbox (hộp thư), messenger (tin nhắn). Con nghĩ rằng đó là nơi mình có thể thoải mái tâm sự với bạn bè về những bức xúc, những nỗi niềm trong cuộc sống, học tập. Những lúc bực bội với thầy cô, bức xúc với bạn bè, con có thể chửi thề với bạn.
Vậy mà khi đọc những điều đó, mẹ chửi con như tát nước vào mặt, rằng con là đồ mất dạy, hư hỏng, ăn nói không khác gì côn đồ. Chúng con xưng “mày – tao” với nhau, mẹ cũng chửi mắng ầm ĩ vì cho rằng đó là mất lịch sự, vô văn hóa. Nơi bạn và con kể rằng thích bạn trai nọ, để ý bạn nam kia, mẹ cũng can thiệp vào.
Khi con góp ý rằng mẹ nên tôn trọng khoảng trời riêng của con, mẹ lấn lướt nói: “Mẹ đẻ ra con, mẹ nuôi con, chính vì vậy mà mẹ phải có quyền biết mọi thứ về con. Bố mẹ không biết con cái đang nghĩ gì thì làm sao mà dạy được con”. Vừa nói, mẹ vừa giật phắt điện thoại của con để vào tin nhắn, inbox của con bất cứ khi nào mẹ muốn.
Trong một lần chưa kịp xóa tin nhắn với bạn trai cùng lớp, con bị mẹ đọc được, mẹ đã nổi xung lên như thể trời sắp sập: “Dừng ngay chuyện bạn trai! Nếu để mẹ bắt gặp lần nữa, mẹ sẽ đến tận trường làm loạn lên cho mày và nó mất mặt”. Những lời đe dọa của mẹ chẳng khác gì quả bom có thể phá hủy mọi sự tự trọng, sĩ diện trong con. Nhưng con chỉ biết nín lặng nghe theo dù trái tim, tinh thần nhiều lúc muốn nổi loạn.
Chính vì bố mẹ kiểm soát con gắt gao như vậy nên mơ ước của con là được “sổ lồng”. Con chỉ muốn nhanh nhanh học xong THPT để lên đại học, lúc đó con sẽ được tự do, được sống theo ý của mình. Con không phải sống ngoan, chỉn chu theo cách của mẹ, một cách rất chuẩn chỉ, nguyên tắc mà con thấy vô cùng bức bối, khó chịu.
Con nghĩ, con đủ lớn để biết làm những gì đúng, sai, không làm tổn hại đến uy tín của bố mẹ. Con có những cảm xúc, suy nghĩ, quan niệm sống khác với bố mẹ. Thế nên, bố mẹ cần tôn trọng và đặt niềm tin vào con chứ đừng theo sát con kè kè như vậy. Con muốn được lớn, được sống như cách của mình, được chửi thề khi thấy bức xúc, được nói lời yêu khi trái tim rung động, được giận dữ khi người khác làm sai với mình. Như thế có gì quá đáng không hả mẹ?
Tác giả: Đan Linh
Nguồn tin: Báo Phụ nữ Việt Nam