Trong tỉnh

Mua sắm thiết bị y tế: Liên tiếp phát hiện bất thường

Tại thời điểm kiểm tra, Thanh tra tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Thanh Hóa phát hiện nhiều dấu hiệu bất thường trong việc mua sắm trang thiết bị y tế ở các địa phương này. Đáng chú ý, tại Lạng Sơn nhiều thiết bị y tế tiền tỷ mua về nhưng “đắp chiếu”, không có người vận hành sử dụng trong thời gian dài.

Trụ sở Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa

Không đề xuất, vẫn mua rồi “đắp chiếu”

Thanh tra tỉnh Lạng Sơn đã có kết luận thanh tra về việc mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao, đấu thầu thuốc chữa bệnh tại địa phương này. Theo đó, trong năm 2018, năm 2019 Sở Y tế Lạng Sơn thực hiện 7 gói thầu mua thiết bị y tế với tổng giá trị hơn 125,6 tỷ đồng.

Theo kết luận thanh tra, Sở Y tế Lạng Sơn đã tổng hợp nhu cầu mua sắm tập trung không đúng mẫu; không đăng tải thông tin đấu thầu mua sắm trên trang thông tin điện tử về tài sản công hoặc hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công của Bộ Tài chính và Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh. Nhiều gói thầu thực hiện theo hình thức ký hợp đồng trực tiếp, hợp đồng được lập không đảm bảo theo mẫu. Các biên bản nghiệm thu, bàn giao, tiếp nhận tài sản được lập không bàn giao hồ sơ, tài liệu liên quan.

Cũng theo kết luận thanh tra của Thanh tra tỉnh Lạng Sơn, mặc dù Bộ Y tế chưa quy định giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT đối với dịch vụ kỹ thuật hỗ trợ điều trị vết thương bằng máy phát tia Plasmamed lạnh (1,495 tỷ đồng), Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng không đề xuất nhưng Sở Y tế vẫn mua. Máy Plasmamed được bàn giao cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh tháng 12/2018 nhưng đến thời điểm thanh tra, thiết bị này vẫn “đắp chiếu”.

Tương tự, hệ thống phẫu thuật nội soi ổ bụng (2,546 tỷ đồng), thiết bị Monitor 6 thông số (330 triệu đồng) được Sở Y tế Lạng Sơn mua, bàn giao cho TTYT huyện Bình Gia tháng 12/2018. Tuy nhiên, 15 tháng sau, những thiết bị này cũng “đắp chiếu”, không được sử dụng với lý do nhân viên y tế chưa có chứng chỉ đào tạo vận hành thiết bị.

Tháng 12/2018, Sở Y tế Lạng Sơn phân bổ 125 máy đo đường huyết (tổng giá 200 triệu đồng) cho 8 TTYT huyện quản lý, sử dụng. Tuy nhiên, đến tháng 12/2019 mới mua que test để trang bị cho các trạm y tế xã và lúc này các máy đo đường huyết mới được đưa vào sử dụng.

Đầu năm 2019, TTYT huyện Lộc Bình được Sở Y tế phân bổ 11 đèn hồng ngoại nhưng số thiết bị này cũng không được đưa vào sử dụng. Còn tại trạm y tế xã Xuất Lễ (thuộc TTYT huyện Cao Lộc) được Sở phân bổ một máy châm cứu, nhưng không được trạm sử dụng mà để bác sỹ tự ý sử dụng vào việc riêng.

Thanh tra tỉnh Lạng Sơn xác định, hàng loạt thiết bị y tế mua về không được sử dụng làm ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư. Trách nhiệm thuộc về Sở Y tế và các đơn vị có liên quan. Qua đó, Thanh tra tỉnh đề nghị Giám đốc Sở Y tế Lạng Sơn kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của bộ phận, cá nhân để xảy ra sai phạm. Chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh sớm có phương án đưa máy phát tia Plasmamed lạnh vào phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân.

Thanh Hóa: Nhiều thiết bị được chỉ định thầu

Thanh tra tỉnh Thanh Hóa cũng có kết luận thanh tra về việc mua sắm thiết bị y tế giai đoạn 2014-2019. Trong thời gian này, Sở Y tế Thanh Hóa thực hiện 7 gói thầu với tổng giá trị hơn 435,9 tỷ đồng. Kiểm tra năm gói thầu các năm 2015, 2016 và 2019, Thanh tra tỉnh Thanh Hóa chỉ ra nhiều dấu hiệu bất thường. Theo đó, hồ sơ thẩm định giá các gói thầu chỉ căn cứ vào báo giá của các đơn vị thương mại, đơn vị phân phối, chưa tham khảo giá của nhà sản xuất và các hợp đồng có thiết bị tương tự trước đó.

Tại gói thầu cung cấp, lắp đặt hệ thống trang thiết bị y tế tại Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa, Sở Y tế chỉ định thầu lựa chọn đơn vị thẩm định giá trị thiết bị trước khi có quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Việc này chưa đảm bảo quy định tại Luật Đấu thầu.

Thanh tra tỉnh Thanh Hóa cũng kiểm tra tại 6 cơ sở khám chữa bệnh, gồm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Đa khoa Ngọc Lặc, Bệnh viện Đa khoa Hà Trung, Bệnh viện Đa khoa Thọ Xuân. Theo đó, các cơ sở này chưa chủ động xây dựng kế hoạch mua sắm trang thiết bị hằng năm dẫn đến phải thực mua sắm nhiều lần. Nhiều bệnh viện không công khai kết quả lựa chọn nhà thầu, chủ đầu tư không phê duyệt dự toán.

Đáng chú ý, tại Bệnh viện Đa khoa Hà Trung, 5 gói thầu chỉ định thầu nhưng chủ đầu tư chỉ lấy báo giá của 3 đơn vị cung cấp sản phẩm (lựa chọn đơn vị có giá thấp nhất), là không đúng quy định. Trong đó, 2 gói lựa chọn nhà thầu theo hình thức chào hàng cạnh tranh rút gọn, chủ đầu tư không có văn bản đánh giá các báo giá làm cơ sở để phê duyệt kết quả lựa chọn mà chỉ căn cứ vào báo giá thấp nhất. Một gói khác thực hiện theo hình thức đấu thầu, chủ đầu tư không có văn bản thẩm định hồ sơ trước khi phê duyệt; không đăng tải thông tin về kế hoạch lựa chọn nhà thầu và kết quả.

Theo Thanh tra tỉnh Thanh Hóa, những tồn tại, khuyết điểm này thuộc trách nhiệm của Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa, Phó giám đốc phụ trách chịu trách nhiệm trực tiếp. Qua đó, Thanh tra tỉnh đề nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân để xảy ra khuyết điểm.

Tác giả: Nguyễn Hoàn

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok