Theo thống kê của Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai, tính đến sáng nay 19-8, mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của người dân. Mưa lũ đã khiến 6 người bị chết (Vĩnh Phúc 2 người, Lào Cai 1 người, Sơn La 1 người, Lai Châu 1 người, Thái Nguyên 1 người).
Hồ chứa thủy điện Lai Châu xả nước - Ảnh: Báo Tin tức |
Các loại hình thiên tai cũng khiến 334 nhà dân bị hư hỏng, hoặc phải di dời khẩn cấp. Trong đó, Điện Biên là địa phương chịu thiệt hại lớn nhất với 142 nhà, tiếp đến là Hà Giang 97 nhà, sau đó là các tỉnh: Sơn La 48 nhà, Thái Nguyên 33 nhà, Cao Bằng 5 nhà, Lào Cai 30 nhà; hơn 556 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại; gần 100 con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia nhận định từ ngày 20 đến 22-8, ở khu vực Đông Bắc có mưa to đến rất to (phổ biến 100 - 200 mm/đợt, có nơi trên 250 mm/đợt); ở khu vực Việt Bắc, Tây Bắc có mưa rất to (phổ biến 150 - 250 mm/đợt, có nơi trên 300 mm/đợt); các khu vực khác ở đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, có nơi mưa to (phổ biến 50 - 100 mm/đợt).
Ngoài ra, nhiều tuyến đường tỉnh, liên xã bị sạt lở với tổng chiều dài 1.960 m, khoảng 65.100 m3 đất đá sạt lở… Mưa lớn cũng khiến hồ chứa thủy điện Lai Châu phải xả 5 cửa xả mặt từ 15 giờ ngày 19-8.
Đối với các hồ chứa thủy điện lớn khác tại phía Bắc (Hòa Bình, Sơn La, Tuyên Quang, Thác Bà), căn cứ kết quả tính toán, các đơn vị tư vấn dự kiến giữ nguyên hiện trạng vận hành đến 13 giờ chiều 19-8.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp sáng 19-8, Phó Trưởng Ban chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài nhấn mạnh diễn biến thiên tai những ngày tới còn rất phức tạp. Chính vì vậy, đề nghị các tỉnh, TP và các bộ ngành tiếp tục triển khai nghiêm túc các biện pháp ứng phó với mưa, lũ theo nội dung Công điện số 08/CĐ-TWPCTT ngày 17-8. Trong đó, tập trung bảo đảm an toàn cho người dân, đề phòng lũ quét, sạt lở đất tại khu vực dân cư có nguy cơ mất an toàn cao.
Các địa phương miền núi phía Bắc tổ chức thường trực 24/24 giờ đến từng thôn bản để theo dõi, cảnh báo, xử lý các tình huống có thể xảy ra. Cử người canh gác, cắm biển cảnh báo hoặc rào chắn các ngầm tràn để bảo đảm an toàn cho người dân đi lại. Theo dõi chặt chẽ diễn biến lũ trên các sông để bảo đảm an toàn đê điều, hồ chứa. Xác định những vị trí có thể xảy ra ngập úng cục bộ khu đô thị, sản xuất nông nghiệp và thông báo đến người dân. Đồng thời, tổ chức khắc phục hậu quả mưa lũ để ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân.
Lào Cai: Sạt lở đất, đá khiến 1 người chết và 3 người bị thương
Sáng 19-8, tin từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai cho biết do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài trong những ngày qua, đất đá trên taluy dương bất ngờ sạt lở vùi lấp vào nhà ở của một gia đình người Dao tại thôn Tả Trung Hồ, xã Bản Hồ, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai khiến 4 người thương vong.
Mưa lớn trên địa bàn tỉnh Lào Cai gây thiệt hại trên 5 tỉ đồng |
Sự việc xảy ra vào khoảng 3 giờ 30 ngày 19-8. Trong lúc mọi người còn đang ngủ, một khối lượng lớn đất đá từ trên đồi sạt lở xuống khiến căn nhà sập đổ hoàn toàn, anh Phàn Quẩy V., (SN 1993, trú tại thôn Tả Trung Hồ) tử vong tại chỗ.
3 người còn lại là chị Chảo Mẩy K. (SN 1993, vợ anh V.) cùng 2 con gái Phàn Tả M. (SN 2010) và Phàn Lở M. (SN 2014) bị thương.
Ngay sau khi nhận được thông tin, chính quyền xã đã chỉ đạo các lực lượng tại chỗ cùng người dân khắc phục hậu quả, tìm kiếm cứu nạn đồng thời đưa chị K. và 2 con gái đi cấp cứu tại bệnh viện đa khoa thị xã Sa Pa.
Tác giả: Bảo Ngọc
Nguồn tin: Báo Người lao động