Trong nước

Mưa lũ còn phức tạp từ Thanh Hóa đến Quảng Bình

Miền Trung bắt đầu mùa mưa; Tây nguyên và Đông Nam bộ đề phòng bọ xít muỗi gây hại cà phê và chè; thán thư, rệp các loại... gây hại hồ tiêu

Ngày 5.9, nhà dân bị ngập tới nóc tại xã Tân Hóa, H.Minh Hóa (Quảng Bình) - Ảnh: Huệ Minh

Trong 7 ngày tới trên Biển Đông ít khả năng có bão hoặc áp thấp nhiệt đới, nhưng rãnh áp thấp đi ngang qua bắc miền Trung nên vẫn còn gây thời tiết xấu ở khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình, có nơi mưa to, cần đề phòng giông lốc và gió giật mạnh từ giữa đến cuối tuần sau. Do mưa kéo dài hết đợt này đến đợt khác nên lũ trên các sông ở khu vực này vẫn còn nguy hiểm, mức từ báo động 2 đến báo động 3. Nhiều vùng có thể vẫn còn ngập sâu và bị chia cắt do lũ, vùng núi có thể xảy ra lũ quét và sạt lở.

Các tỉnh ven biển từ Đà Nẵng đến Bình Thuận bắt đầu vào mùa mưa, nắng mưa đan xen, hạn mặn phần nào giảm, chỉ còn xảy ra cục bộ ở một số tỉnh nam Trung bộ. Tuần sau mưa sẽ tăng dần do rãnh thấp dịch chuyển xuống phía nam nối với các nhiễu động nhỏ ven bờ gây mưa trên diện rộng và có nơi mưa vừa mưa to, tập trung vào chiều tối và đêm. Đợt mưa có thể kéo dài vài ba ngày, do vậy hạn mặn sẽ lui dần.

Trong khi đó miền Bắc thời tiết đang chuyển dần vào thu, mưa giảm vào cuối tuần và có nơi trời nắng cả ngày. Qua tuần sau nắng mưa xen kẽ nhau, cuối tuần có thể mưa trên diện khá rộng, vùng núi có nơi mưa vừa, đề phòng giông sét lốc xoáy có thể xảy ra vài nơi Tây nguyên và Nam bộ gió tây nam suy yếu dần nên thời tiết có xu hướng giảm mưa, nắng từ sáng đến trưa, mưa nhỏ mưa vừa vào chiều tối trên nửa diện tích. Trong tuần sau thời tiết chuyển xấu hơn do gió tây nam mạnh trở lại, mưa về chiều tối, giông lốc kèm theo mưa to có thể xảy ra ở Lâm Đồng, Bình Phước, bắc Đồng Nai, vùng ven biển Cà Mau, Kiên Giang, An Giang.

Trong 7 ngày tới mực nước đầu nguồn sông Cửu Long được dự báo sẽ tiếp tục lên; cao nhất tại Tân Châu lên mức 2,95 m, tại Châu Đốc lên mức 2,60 m trong ngày 9.9, sau đó lên nhanh theo đợt triều cường rằm tháng 8 âm lịch.

Tình hình sâu bệnh gây hại cần tập trung chú ý theo dõi ở các tỉnh Tây nguyên và miền Đông là rầy nâu và rầy lưng trắng, bệnh lem lép hạt trên lúa hè thu, lúa mùa giai đoạn đòng trổ - chín. Thời tiết chuyển mùa đêm và sáng sớm se lạnh, mưa nhiều thuận lợi cho bệnh đạo ôn lá và cổ bông phát triển gây hại trên các trà lúa giai đoạn đòng - trổ, cần theo dõi nhằm phát hiện bệnh sớm, xử lý kịp thời bằng thuốc đặc trị.

Tây nguyên và miền Đông Nam bộ với điều kiện mưa ẩm thừa, nắng thiếu nên bọ xít muỗi tiếp tục gây hại trên cà phê và chè ở Lâm Đồng, cũng như bệnh chết nhanh, bệnh thán thư, rệp các loại... tiếp tục gây hại trên các vườn cây hồ tiêu và điều chưa được phòng trừ dễ bị lây nhiễm trong những tháng còn lại của mùa mưa 2019.

Tác giả: Chuyên gia Lê Thị Xuân Lan

Nguồn tin: Báo Thanh Niên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok