Trong tỉnh

Mưa lớn trên diện rộng, cảnh báo lũ trên các sông tại Thanh Hóa

Sáng 27/9, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản gửi Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Giám đốc các sở, ngành liên quan về việc chủ động triển khai ứng phó với mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất

Khu vực có nguy cơ sạt lở bờ sông tại huyện miền núi Cẩm Thủy, Thanh Hóa. Ảnh tư liệu: Nguyễn Nam/TTXVN

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị triển khai ngay phương án tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu vực đô thị, khu công nghiệp, vùng trũng thấp; khẩn trương thu hoạch lúa, hoa màu đến thời kỳ thu hoạch; tiến hành khơi thông dòng chảy, nhất là trên các suối, khe cạn khu vực miền núi, không để xảy ra lũ nghẽn dòng. Các địa phương, đơn vị triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư bãi sông, ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn khi có tình huống xảy ra.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo kiểm tra, rà soát và triển khai phương án bảo đảm an toàn đê điều, đập, hồ chứa nước thủy lợi, nhất là công trình xung yếu, đang thi công, bảo vệ sản xuất nông nghiệp; chủ động chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng hộ đê khi xảy ra sự cố và thực hiện việc tuần tra, canh gác đê và hộ đê theo quy định. Sở Giao thông Vận tải phối hợp với các địa phương tổ chức lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện, để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông khi xảy ra mưa lớn.

Trong sáng 27/9, mực nước trên sông Yên tại trạm Thủy văn Chuối là +1,76m (dưới báo đông I là 0,24m). Dự báo trong khoảng thời gian từ 9 - 12 giờ ngày 27/9, mực nước sông Yên tại trạm Thủy văn Chuối có khả năng đạt mức báo động I. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa đã phát lệnh báo động I trên sông Yên; yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện Nông Cống, Quảng Xương và UBND thị xã Nghi Sơn triển khai ngay việc tuần tra canh gác đê và hộ đê theo các cấp báo động và tổ chức kiểm tra, rà soát và sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn công trình đê điều, đặc biệt là các trọng điểm đê điều xung yếu.

Các địa phương này triển khai các phương án sơ tán dân sinh sống sinh sống ở vùng bãi sông, tổ chức tuần tra canh gác đê, hộ đê, cũng như tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ để sẵn sàng xử lý các tình huống ngay từ giờ đầu.

Do ảnh hưởng hoàn lưu của áp thấp nhiệt đới, trong đêm 26 và sáng sớm 27/9, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có mưa vừa, mưa to, dông và rải rác mưa rất to. Lượng mưa đo được từ 19 giờ ngày 26/9 đến 8 giờ ngày 27/9 tại các trạm Khí tượng Thủy văn phổ biến từ 40 - 100mm; một số điểm đo mưa tự động có lượng mưa lớn hơn như: Thanh Phong (Như Xuân) 172,6mm, Yên Mỹ (Nông Cống) 167,2mm, Xuân Lẹ (Thường Xuân) 154,6mm...

Mưa lớn khiến nhiều tuyến đường, ngõ phố, khu dân cư tại thành phố Thanh Hóa bị ngập sâu, khiến việc lưu thông của người dân gặp nhiều khó khăn. Trong đầu giờ sáng, nhiều xe ô tô, xe máy bị ngập nước chết máy giữa đường gây ách tắc cục bộ. Tại các khu vực trung tâm tập trung nhiều trường học như đường Phan Chu Trinh (phường Điện Biên), đường Đinh Công Tráng (phường Ba Đình), đường Lê Quý Đôn (phường Ba Đình)..., nước ngập quá nửa bánh xe khiến phụ huynh đưa con đi học rất khó khăn. Cơ quan chức năng đã phải huy động lực lượng ra điều tiết giao thông để không xảy ra ùn tắc. Công ty Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa đã huy động tối đa nhân lực vớt rác, thông cống, đảm bảo cống rãnh được khơi thông,

Theo thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thanh Hóa, dự báo trong ngày và đêm 27/9, khu vực tỉnh Thanh Hóa tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Tổng lượng mưa trong các ngày 27, 28/9 dự báo từ 40 -150mm, có nơi trên 150mm. Mưa lớn kèm theo các hiện tượng lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh có thể gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng. Đề phòng nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp ven sông, khu đô thị.

Tác giả: Hoa Mai

Nguồn tin: baotintuc.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok