1 tuần sau đợt mưa lớn, người dân phải lặn xuống nước mới mò được lúa. ẢNH PHÚC NGƯ |
Ngày 14.5, thông tin từ Sở Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết, từ ngày 5 - 8.5, tại một số huyện, thị trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa lớn, nhiều nơi có giông, lốc xoáy, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế. Đặc biệt, mưa lớn đã nhấn chìm nhiều diện tích lúa xuân hè ở một số địa phương trong biển nước.
Đến ngày 14.5, cánh đồng lúa tại các thôn Hoàng Kim, Yên Cư, Bột Thượng, Bích Phương, Đồng Thanh, Đồng Đình và Thành Sơn của xã Xuân Sơn (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) vẫn chìm trong biển nước. Theo người dân địa phương, sau gần 1 tuần bị ngập úng, hiện gần 150 ha lúa đang thời kỳ chắc hạt đã bị mất trắng.
Ông Trịnh Như Vẻ (ngụ tại thôn Thành Sơn, xã Xuân Sơn) cho biết, vụ này gia đình ông gieo cấy 8,5 sào lúa. Khi lúa đang vào thời kỳ chắc hạt thì gặp mưa lớn kéo dài khiến toàn bộ diện tích bị mất trắng. "Kinh tế gia đình tôi trông chờ vào mấy sào lúa này, hơn nữa khu đồng trồng lúa chỉ trồng được 1 vụ mỗi năm, giờ mất trắng, không biết sắp tới sẽ xoay sở thế nào”, ông Vẻ nói.
Mưa lớn kéo dài và hệ thống tiêu thoát nước kém là nguyên nhân gây ngập úng nhiều diện tích lúa tại Thanh Hóa . ẢNH PHÚC NGƯ |
Tại xã Hợp Lý (huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa), đợt mưa lớn cùng thời điểm trên đã khiến hơn 40 ha lúa của người dân các thôn 1, 2 và 3 bị nước nhấn chìm.
Ông Nguyễn Văn Tuyến, Phó chủ tịch UBND xã Hợp Lý, cho biết hơn 40 ha lúa của người dân trong xã bị ngập một phần do khu vực đồng nằm ở vùng trũng thấp dọc theo sông Hoàng, nên khi có mưa lớn cộng thêm nước từ phía thượng nguồn đổ về khiến việc tiêu thoát nước rất chậm.
“Chúng tôi đang tổng hợp thiệt hại để đề nghị UBND huyện Triệu Sơn có chính sách hỗ trợ, giúp bà con khôi phục sản xuất”, ông Tuyến nói.
Cánh đồng lúa gần 150 ha ở xã Xuân Sơn, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa chìm trong biển nước. ẢNH PHÚC NGƯ |
Tương tự, mưa lớn cũng gây thiệt hại hơn 150 ha lúa ở xã Xuân Sơn, huyện Triệu Sơn. Ông Lê Đức Dũng, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Sơn, cho biết nguyên nhân của tình trạng trên một phần do mưa lớn kéo dài, một phần cũng do hệ thống tiêu thoát nước ở địa phương xuống cấp không tiêu úng kịp.
"Do các cánh đồng của xã nằm dọc sông Hoàng, trong khi lòng sông nhiều năm không được nạo vét, nên khi có mưa lũ đổ về thì tiêu thoát nước rất chậm. Đề nghị cấp trên cần sớm có biện pháp xử lý để người dân yên tâm sản xuất”, ông Dũng nói.
Tác giả: Minh Hải
Nguồn tin: Báo Thanh Niên