Trong tỉnh

Mong sớm trả lại tên các anh chị ở hang Tám Cô

Cùng với việc lấy mẫu sinh phẩm các liệt sĩ, các chuyên gia lấy mẫu sinh phẩm thân nhân các gia đình liệt sĩ để giám định ADN.

Sáng 15-8, nghĩa trang thanh niên xung phong (TNXP) Thọ Lộc ở xã Vạn Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình rộn ràng hơn thường lệ. Cục Người có công, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với UBND tỉnh Quảng Bình và UBND tỉnh Thanh Hóa tiến hành lấy mẫu sinh phẩm của sáu ngôi mộ đưa về từ hang Tám Cô (Km 16, đường 20 Quyết Thắng) an táng tại nghĩa trang này năm 1996.

21 năm canh cánh nỗi lòng

Hay tin có đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH, ông Hoàng Minh Thảo, nguyên đội trưởng đội thi công bia tưởng niệm hang Tám Cô thuộc Xí nghiệp xây dựng Trường Xuân (hiện là Công ty Cổ phần Xây dựng Trường Xuân), bắt xe từ Đà Nẵng về ngay trong đêm. Có mặt tại nghĩa trang từ sáng sớm, ông Thảo bảo đây là nỗi canh cánh bấy lâu trong lòng nên mong muốn cung cấp thêm thông tin cho đoàn công tác về việc phát hiện sáu hài cốt tại hang Tám Cô cách nay 21 năm.

Ông Thảo nhớ lại, lúc đó đầu giờ chiều năm 1996, các công nhân đang thi công đường ống thoát nước ở đáy hang bất ngờ phát hiện hai bộ hài cốt. Ngay tức thì ông Thảo băng rừng ra trung tâm xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình cách đó 20 km gọi điện thoại báo cho em trai mình là ông Hoàng Minh Ngữ, Giám đốc xí nghiệp, tình hình hiện trường. Nhận được thông tin, ông Ngữ đã liên lạc với Sở LĐ-TB&XH thông báo lại tình hình và cùng cơ quan chức năng mang theo hai tiểu sành làm lễ đưa hai hài cốt về an táng tại nghĩa trang Thọ Lộc.

Ngày hôm sau, các công nhân tiếp tục đào chừng 30 cm thì phát hiện thêm bốn bộ hài cốt nữa nằm ở một góc của đáy hang. Cũng như lần trước, ông Thảo ra trung tâm xã gọi điện thoại báo cho lãnh đạo xí nghiệp về bốn hài cốt vừa phát hiện. Một lần nữa ông Ngữ cùng đại diện các cơ quan chức năng trực chỉ hang Tám Cô đưa bốn hài cốt về an táng tại nghĩa trang Thọ Lộc.

Cơ quan chức năng và chuyên gia lấy mẫu sinh phẩm tại nghĩa trang Thọ Lộc. Ảnh: P.ĐIỀN

“Bao nhiêu năm nay tôi canh cánh nỗi lòng về các anh chị đã ngã xuống vẫn chưa có tên rõ ràng. Lần này các chuyên gia vào lấy mẫu để giám định tôi cầu mong cho có kết quả để an ủi vong linh các anh chị đã ngã xuống vì đất nước khi tuổi 18, đôi mươi” - ông Thảo tâm tư.

Ông Hoàng Minh Ngữ, Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng Trường Xuân, kể lại ngoài xương cốt của sáu liệt sĩ phát hiện tại hang Tám Cô, ông còn chứng kiến di vật khác được nhóm công nhân của ông tìm thấy lúc đó. Số di vật gồm vòng bạc, nhẫn, dây thun, ca pháo sáng có khắc tên “em Lê Thị Lương”, bút có khắc “kỷ niệm đừng quên”, huy hiệu Đoàn, dép cao su nam, nữ. “Từ đó đến nay năm nào tôi cũng lên thắp nhang cho các anh chị. Lần này cơ quan chức năng hai tỉnh và Bộ LĐ-TB&XH trực tiếp vào cuộc, mong sớm có kết quả giám định ADN để trả lại tên tuổi cho các anh chị yên lòng nơi chín suối. Đó cũng là mong mỏi của thân nhân các gia đình có con em hy sinh tại hang Tám Cô bấy lâu nay” - ông Ngữ ngậm ngùi.

Mẫu sinh phẩm cho kết quả chính xác cao

Có mặt tại nghĩa trang Thọ Lộc, trực tiếp lấy mẫu sinh phẩm các liệt sĩ, Đại tá Nguyễn Lê Cát, Viện Pháp y quân đội, cho biết trong số các mộ phần có hai ngôi mộ có mẫu khá rõ ràng phục vụ tốt cho công tác giám định ADN. Tuy nhiên, còn phụ thuộc vào kết quả giám định ADN của thân nhân các liệt sĩ để cho ra kết quả chính xác nhất. Theo Đại tá Cát, các liệt sĩ hy sinh từ năm 1972 trở về sau, công tác giám định ADN cho ra kết quả chính xác rất cao.

Mong được gắn tên lên mộ các anh chị

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đỗ Văn Mười, Trưởng phòng Người có công, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa, cho biết từ năm 1996, thân nhân gia đình và cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã nhận bàn giao hai hài cốt của hai TNXP và đưa về an táng tại nghĩa trang huyện Hoằng Hóa, thị trấn Bút Sơn, Thanh Hóa. Sau đó một tháng thì nhận thêm thông tin về sáu hài cốt được tìm thấy tại hang Tám Cô đưa về an táng tại nghĩa trang TNXP Thọ Lộc. Từ đó đến nay cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa vẫn liên lạc với thân nhân các liệt sĩ những mong tìm thêm thông tin, manh mối về tên các liệt sĩ.

Ông Thảo thông tin thêm cùng thời điểm này tại Thanh Hóa, Sở LĐ-TB&XH đã mời thân nhân các gia đình liệt sĩ hy sinh tại hang Tám Cô để thông tin về nội dung làm việc và để các chuyên gia pháp y lấy mẫu phục vụ công tác giám định ADN trong ngày 16-8.

“Hiện nghĩa trang Hoằng Hóa ngoài hai mộ phần đã đưa về trước đó vẫn còn sáu mộ phần còn lại để dành đưa các chú, các cô về yên nghỉ. Tuy nhiên, khi công tác giám định có kết quả, vẫn phải lấy ý kiến các gia đình và nguyện vọng muốn để các chú, các cô yên nghỉ ở đâu là quyền của các gia đình” - ông Mười tâm tư.

Đường 20 Quyết Thắng nối từ Đông sang Tây Trường Sơn nhằm phá thế độc đạo của đường 12, khắc phục túi nước Xiêng Phan trong mùa mưa Lào. Con đường này được khởi công bí mật vào đúng Tết Bính Ngọ (năm 1966). Hơn 4.000 TNXP, gần 50% là nữ của các tỉnh Hà Nam, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Quảng Bình, Nghệ An, Thái Bình, Hà Tây, Thanh Hóa đã tham gia khai mở con đường. Sau 77 ngày đêm liên tục thi công, tuyến đường cơ giới bí mật vận chuyển người và vũ khí cho chiến trường miền Nam đã hoàn thành.

Ngày 14-11-1972, máy bay B52 đã rải hàng ngàn quả bom xuống đường 20 Quyết Thắng. Tại Km 16+500 của đường 20 Quyết Thắng có một cái hang. Đây là nơi TNXP thường tránh bom, tại thời điểm ác liệt này trong hang khi đó có tám TNXP và bộ đội. Chẳng may một tảng đá khổng lồ rơi xuống bịt kín cửa hang khiến tám TNXP hy sinh

Tác giả: PHONG ĐIỀN

Nguồn tin: Báo Pháp luật TP.HCM

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok