Lạ lùng thay, từ đó đến nay, nguyện vọng đó vẫn chưa được giải quyết, để lại một nỗi canh cánh trong lòng thân nhân các liệt sĩ. |
Những người phát hiện hài cốt nói gì ?
Ông Trần Văn Hùng, ở xóm Rẫy, xã Vạn Trạch, H.Bố Trạch (Quảng Bình), người trực tiếp xây nhà bia tưởng niệm, cho biết: “Lúc đào rãnh thoát nước từ trong hang ra, chúng tôi phát hiện 2 bộ hài cốt. Sau đó phát hiện thêm 1 bộ nữa. Cạnh bộ hài cốt này có 1 túi ni lông màu xanh, trong đó có 2 chiếc lược, 2 cây bút Trường Sơn, 3 nội y phụ nữ, 3 chéo dù pháo sáng màu trắng, 1 vòng đeo tay, 1 cái ca uống nước làm bằng ống pháo sáng có khắc chữ “Kỷ niệm -Tặng em Lê Thị Lương”, nhìn xương cũng biết đó là hài cốt con gái. Sau đó tiếp tục phát hiện thêm 2 bộ hài cốt nữa, phía chân có 2 đôi dép cao su cỡ 39 - 40.
Hai bộ xương này to, là hài cốt đàn ông. Hôm sau lúc đang liệm mấy hài cốt thì chúng tôi phát hiện thêm 1 bộ nữa. Cạnh hài cốt này có cái ví da màu đen, ngăn ngoài có một bức ảnh, ngăn trong có giấy mủn và đồng 5 xu; một chiếc ví khác màu xanh thẫm, bên trong có đồng 5 xu; một cây bút máy Trường Sơn khắc hình cây dừa; ngoài ra còn có 2 bi đông, 2 ca uống nước làm bằng pháo sáng, 1 đoạn mắt xích dây đồng hồ, 1 tấm ni lông, 1 hộp dầu, 1 miếng xà phòng đã nát, đồ nội y phụ nữ còn dây chun màu đen, 1 bộ cúc áo màu trắng, một đoạn dây cháy chậm, 1 kíp mìn và mấy thứ linh tinh nữa tôi không nhớ hết”.
Ông Nguyễn Văn Thịnh (cũng ở xóm Rẫy), nguyên là bộ đội đơn vị 589 (thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình) chuyên cất bốc hài cốt liệt sĩ, cũng là người trong nhóm thợ xây bia tưởng niệm, kể thêm: “Theo kinh nghiệm của tôi, 6 bộ hài cốt mới tìm thấy, căn cứ vào hiện vật đi kèm, xương tay, xương chân thì có thể khẳng định 4 bộ là nữ, 2 bộ là nam. Khi phát hiện, chính tôi là người về nhà để báo tin. Việc an táng 6 hài cốt liệt sĩ này ở Nghĩa trang Thọ Lộc, người ta làm thầm kín. Sau đó có một đoàn gặp tôi, đưa cái biên bản viết sẵn với số lượng hài cốt nhiều hơn, bảo anh em thợ xây ký vào, anh em thấy không đúng sự thật nên không ký”.
Về tấm bia tưởng niệm, ông Hoàng Minh Ngữ, Giám đốc Xí nghiệp xây dựng Trường Xuân (nay là Công ty CP xây dựng Trường Xuân), cho biết đơn vị ông thi công 2 hạng mục chính là bia tưởng niệm đặt bên ngoài hang và đào đặt ống thoát trong hang; khởi công ngày 9.7.1996, khánh thành ngày 15.8.1996. Theo ông Ngữ, bia tưởng niệm cũ do các đồng đội lập vào thời điểm sau khi 8 thanh niên xung phong (TNXP) hy sinh được làm bằng xi măng kích thước khá nhỏ, chỉ khắc tên 8 liệt sĩ quê H.Hoằng Hóa hy sinh cùng ngày 14.11.1972 tại Hang Tám Cô. Hồ sơ trúng thầu thi công yêu cầu thay bằng bia đá, ông đã khắc tên 8 liệt sĩ này, nhưng sau đó ông được phía Sở LĐ-TB-XH tỉnh Quảng Bình yêu cầu đập bỏ, phải thay và khắc lại bia mới có tên 13 liệt sĩ (ngoài 8 liệt sĩ TNXP còn có thêm tên tuổi 5 liệt sĩ pháo binh - PV).
“Khi phát hiện 6 bộ hài cốt trong hang, chúng tôi có nhiệm vụ báo tin cho cơ quan chức năng; vì là đơn vị thi công nên chỉ biết làm chu đáo đúng theo yêu cầu chứ không có thẩm quyền quyết định gì. Chúng tôi cũng không rõ là người ta dựa vào căn cứ nào để đưa thêm tên các liệt sĩ pháo binh vào đó, trong khi hài cốt phát hiện được tại Hang Tám Cô trước sau chỉ có 8 hài cốt”, ông Ngữ nói.
8 liệt sĩ, 14 phần mộ tại 2 nghĩa trang
Nghĩa trang Hoằng Hóa nằm ở TT.Bút Sơn, cách trụ sở UBND H.Hoằng Hóa (Thanh Hóa) chừng 10 phút đi bộ. Qua nhiều lần cải tạo, quy mô nghĩa trang khá bề thế, khang trang. Tại đây có phần mộ của 8 liệt sĩ TNXP Hang Tám Cô nằm phía tay trái gần bia tưởng niệm, tính từ cổng vào. Hài cốt được H.Hoằng Hóa tiếp nhận từ phía tỉnh Quảng Bình bàn giao ngày 4.6.1996.
Mộ của các liệt sĩ chia thành 2 vị trí cùng một dãy. Vị trí 1 là phần mộ nằm riêng lẻ ghi tên liệt sĩ Hoàng Văn Vụ (1953, xã Hoằng Hà). Anh Vụ là người Công giáo duy nhất trong số 8 liệt sĩ hy sinh, có đeo tượng thánh giá trên cổ lúc ở chiến trường, khi phát hiện hài cốt vẫn còn đeo nên danh tính của anh được xác định, phần mộ đặt nằm riêng. Vị trí 2 là một dãy mộ lớn với 7 phần mộ xây kết dính, được khắc bia chung đặt phía đầu mộ, ghi tên tuổi 7 liệt sĩ còn lại: Nguyễn Văn Huệ (1952, xã Hoằng Trường), Nguyễn Văn Phương (1954, xã Hoằng Trường), Nguyễn Mậu Kỷ (1947, xã Hoằng Đạt), Trần Thị Tơ (1954, xã Hoằng Trường), Lê Thị Lương (1953, xã Hoằng Thịnh), Đỗ Thị Loan (1952, xã Hoằng Ngọc), Lê Thị Mai (1952, xã Hoằng Thịnh). Hơn 21 năm qua, không một thân nhân nào của họ biết chính xác cụ thể phần mộ, hài cốt liệt sĩ nào là người thân của gia đình mình.
Trong khi đó, tại Nghĩa trang Thọ Lộc, xã Vạn Trạch, H.Bố Trạch (Quảng Bình) cũng có một dãy mộ với 6 phần mộ nằm riêng lẻ; trên mỗi phần mộ ghi: “Liệt sĩ vô danh đưa từ đường 20 về”. Ông Lê Văn Cư, thâm niên 27 năm làm quản trang Nghĩa trang Thọ Lộc, khẳng định hài cốt nằm trong 6 phần mộ này đưa từ Hang Tám Cô về vào thời điểm tháng 8.1996. Những người phát hiện 6 hài cốt liệt sĩ lúc thi công bia tưởng niệm, ông Hoàng Minh Ngữ và một cán bộ Sở LĐ-TB-XH tỉnh Quảng Bình từng trực tiếp an táng 6 phần mộ này cũng khẳng định cùng nội dung như thế.
Chính từ việc “có thiếu sót lớn” của một số cá nhân, tổ chức tỉnh Quảng Bình vào thời điểm 1996, 8 hài cốt liệt sĩ TNXP Hang Tám Cô đã được “chia” thành 14 ngôi mộ nằm ở 2 nghĩa trang khác nhau của hai tỉnh Quảng Bình và Thanh Hóa. Hơn 20 năm đằng đẵng trôi qua, gia đình thân nhân các liệt sĩ vẫn canh cánh nỗi đau và ước nguyện tên của con em mình “sẽ được trả lại”. .(Còn tiếp)
Tác giả: Đình Phú - Thế Thịnh - Minh Hải
Nguồn tin: Báo Thanh Niên