Hơn 4.000 hộ dân khu vực miền núi tỉnh Thanh Hoá đang sinh sống trong vùng nguy cơ cao lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Mưa liên tiếp những ngày qua càng khiến người dân bất an, lo lắng.
Ngọn núi ở bản Ngàm, Quan Sơn mỗi khi mưa lớn nước ngầm rất lớn, nguy cơ sạt trượt núi rất cao. |
Sau những ngày mưa kéo dài, quả đồi cạnh Quốc lộ 15A ở khu Mướp, thị trấn Hồi Xuân, huyện miền núi Quan Hoá xuất hiện những vết nứt dài. Đất đá sạt lở xuống đường giao thông, đe dọa tính mạng, tài sản của hàng chục hộ dân địa phương sinh sống dưới chân đồi. Cũng trong tình cảnh tương tự, bản Ngàm xã Tam Thanh, huyện Quan Sơn và bản Ón, xã Tam Chung, huyện Mường Lát, nằm lọt thỏm trong lòng chảo, bốn bề là núi cao chót vót, nhiều nơi đã lộ ra những vết nứt, có thể sạt trượt bất cứ lúc nào.
Ông Chủ tịch UBND xã Tam Chung cho biết, vào mùa mưa ở đây nước cứ trào ra từ chân núi, như muốn nuốt chửng các hộ dân nơi đây: "Lúc mưa to đặc biệt ban đêm kể cả ban ngày thấy nguy cơ là cho đi chỗ an toàn hơn tý, xong thấy ổn thì quay về, mình bảo di dời thì không phải mà sơ tán dân, thường xuyên nội dung này, đã bị rồi, cả bản Pọng, Tam Chung năm trước bị rồi nên dân rất sợ".
Không phải vô cớ mà người dân bất an như vậy, bởi những năm gần đây lũ quét, sạt lở đất xảy ra với cường độ mạnh và thiệt hại ngày càng tăng. Theo ông Nguyễn Văn Sinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hoá cần thiết phải di dời dân trong vùng nguy cư cao sạt lở.
"Sẽ phải di dời, nhưng còn thiếu kinh phí, dù mặt bằng đã có rồi, trước mắt chúng tôi sẽ hỗ trợ nhân dân làm tốt việc phòng chống thiên tai và sạt lở đất"- ông Sinh nói. |
Thanh Hoá là một trong những địa phương thường xuyên xảy ra lũ ông, lũ quét, sạt lở đất, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Đáng nói là, mặc dù đã được quy hoạch vào vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, thế nhưng chính quyền địa phương, ngành chức năng cũng bất lực trong việc di chuyển, tái định cư số hộ dân này đến nơi an toàn./.
Tác giả: Sỹ Đức
Nguồn tin: Báo VOV