Câu chuyện “dòng sông bên lở bên bồi” có lẽ chỉ còn lại trong tiềm thức của người dân miền Tây sông nước - Tây Nam Bộ, đồng bằng trĩu nặng phù sa mỗi mùa nước nổi. Không quá khi nói, nếu năm nào không có mùa nước nổi thì người dân miền Tây gặp không ít khó khăn , bởi năm đó không có con tôm, con cá, đặc biệt không có lượng phù sa màu mỡ để người dân vào vụ.
Khi con nước về thì hiện tượng tự nhiên, sạt lở - bồi đắp là lẽ thường tình. Tuy nhiên, những năm gần đây hiện tượng sạt lở xảy ra liên tục hàng ngày không còn là lẽ tự nhiên. Sạt lở nhưng không có bồi đắp, nguyên nhân được xác định đến từ nạn khai thác cát. Và, con số 500ha đất của miền Tây Nam Bộ bị nhấn chìm mỗi năm làm cho chúng ta giật mình.
500ha đất Tây Nam Bộ bị nhấn chìm mỗi năm
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đồng bằng sông Cửu Long có bờ biển dài khoảng 774km, nhưng hiện có 265 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài hơn 450km. Tốc độ xói lở từ 5-45m/năm nên bình quân mỗi năm miền Tây mất đi khoảng 500ha đất.
Tiến sĩ Dương Văn Ni, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (trường Đại học Cần Thơ) cảnh báo: “Các tỉnh cấp phép khai thác cát nhiều và mạnh ai nấy cấp là nguyên nhân gia tăng sạt lở bờ sông”.
Cảnh sạt lở vào mùa khô không còn hiếm đối với miền Tây khi nạn khai thác cát không thể dẹp bỏ. |
Năm 2017, UBND tỉnh Đồng Tháp đã công bố tình trạng khẩn cấp sạt lở đất bờ sông Tiền, đoạn qua khu vực ấp Bình Hòa (xã Bình Thành, H.Thanh Bình). Sạt lở tại khu vực xã Bình Thành diễn biến phức tạp từ đầu tháng 4/2017 đến nay và ngày càng phức tạp. Nhiều đoạn sạt lở cách quốc lộ 30 chỉ còn 15m.
Một lãnh đạo UBND xã Long Thuận (huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) cho hay, từ năm 2011 đến đầu 2017, tại xã này đã xảy ra hơn 50 vụ sạt lở, kéo dài từ đầu cồn xã Long Thuận đến cuối xã, ăn sâu vào đất liền mỗi năm khoảng 10m, mất hàng chục ngàn m2 đất.
Tháng 4/2017, UBND tỉnh An Giang cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại bờ sông Vàm Nao, qua ấp Mỹ Hội (xã Mỹ Hội Đông, H.Chợ Mới). Như báo chí đã thông tin, vụ sạt lở sáng 22/4 đã làm 16 căn nhà (trong đó có 2 nền nhà) của người dân sụp xuống sông Vàm Nao. Vị trí sạt lở lấn sâu vào đất liền cắt đứt tuyến đường liên xã, 90 căn nhà còn lại trong khu vực có nguy cơ bị nhấn chìm.
Hay như cuối năm 2017, tại cồn Phú Đa, thuộc khu vực tổ 15, ấp Phú Bình, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách (Bến Tre) đã xảy ra sạt lở đoạn đê bao ven sông dài khoảng 50m, chiều sâu sạt lở 8m, bề rộng 10m. Vụ sạt lở ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân ở đây, cắt đứt bến phà đi lại và đặc biệt đe dọa các hầm cá của một số doanh nghiệp thủy sản.
Khai thác cát quá mức
Nhiều người dân sống ở ĐBSCL có nhà bị ảnh hưởng do sạt lở rất bức xúc, cho rằng nguyên nhân sạt lở đến từ hoạt động khai thác cát trên sông. Ông Nguyễn T. (sống gần sông Cổ Chiên, huyện Chợ Lách) nói: “Sạt lở ở khu vực này là do mấy xáng cạp ngày đêm múc cát không ngừng”.
“Ban ngày, các xáng cạp khai thác ở giữa sông, nhưng đến ban đêm thì họ lại khai thác vào sát bờ, gây ra sạt lở”, 1 hộ dân tại xã cồn Phú Đa phản ánh.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL nhận định: “Tình trạng khai thác cát tràn lan ở ĐBSCL đã làm mất đi khoảng 200 triệu tấn cát ở sông Tiền, sông Hậu. Đồng thời hạ thấp 2 lòng sông này xuống khoảng 1,3m. Chính những điều này là nguyên nhân gây ra tình trạng sạt lở hiện nay”.
Theo thống kê đến năm 2017, tổng các phương tiện đang khai thác và thi công nạo vét trên sông Tiền, sông Hậu qua địa phận tỉnh Đồng Tháp là 85 phương tiện. Trên sông Tiền là 77 phương tiện trải dài khoảng 120km (từ biên giới Campuchia đến xã An Nhơn (huyện Châu Thành) - chưa tính các nhánh cù lao sông Tiền). Trên sông Hậu có 8 phương tiện, trải dài khoảng 30km, từ huyện Lấp Vò đến huyện Lai Vung. Toàn tỉnh Vĩnh Long có 28 mỏ cát được cấp phép khai thác, trong đó 25 mỏ đang hoạt động với khối lượng 3,6 triệu m3/năm.
Chính quyền địa phương cùng người dân lập tổ Phòng chống “cát tặc” |
Chính quyền có bó tay?
Chính quyền cấp phép tràn lan cho các doanh nghiệp rồi để cho những doanh nghiệp này tự tung tự tác có lẽ là câu chuyện nhãn tiền, nói hoài không hết. Để được cấp phép khai thác mỏ cát không đơn thuần là doanh nghiệp hoạt động trong ngành nghề xây dựng, khai thác tài nguyên,… mà đó còn là doanh nghiệp “sân sau” (?) Vì “sân sau” nên xử lý những sai phạm không hề đơn giản.
Có lần ông Võ Thành Hạo (lúc đó là Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre) trao đổi với phóng viên viết bài: “Việc người dân phát hiện doanh nghiệp vi phạm trong khai thác cát rồi gọi điện thoại báo cho cơ quan chức năng, nhưng khi cán bộ chính quyền xuống kiểm tra thì những xáng cạp khai thác vi phạm này lại được kéo về đúng vị trí mỏ được cấp phép, vì thế đoàn chức năng không có cơ sở để xử lý.”
“Chúng tôi nghi ngờ có “tay trong” đã báo cho bên doanh nghiệp khai thác biết việc đoàn chức năng xuống kiểm tra, tuy nhiên chỉ là nghi ngờ, không có bằng chứng xử lý.” – Một cán bộ huyện Chợ Lách nói. Hiểu rõ nguyên nhân, trong một cuộc họp Hội đồng Nhân dân tỉnh Bến Tre, ông Võ Thành Hạo đã trực tiếp đề xuất ý tưởng cắm phao tiêu mỏ cát và thu hồi một số mỏ vi phạm nhiều lần, đề xuất này đã được HĐND thông qua nghị quyết. Việc cắm phao tiêu nhằm phân định ranh giới mỏ cát để người dân biết giám sát. Nếu các xáng cạp vượt quá phao tiêu thì người dân quay phim, chụp hình làm bằng chứng để cơ quan chức năng xử lý theo pháp luật.
Được biết, sau khi lên làm Bí thư tỉnh ủy, ông Võ Thành Hạo đặc biệt quan tâm chỉ đạo lập lại trật tự quản lý cát. Toàn tỉnh Bến Tre đã giảm được số lượng mỏ cát khai thác đáng kể, từ hơn 20 mỏ cát được cấp phép thì nay được rút xuống còn 2 mỏ.
Và, không chỉ riêng Bến Tre, mà các tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, Long An, Vĩnh Long, An Giang,… số lượng mỏ cát được cấp phép trước đây cũng được rút giảm.
Tuy nhiên, niềm vui chưa kịp mừng khi dẹp bỏ được những doanh nghiệp “sân sau” khai thác cát vi phạm, thì nay lại xuất hiện nhiều “cát tặc” với hoạt động liều lĩnh và manh động hơn.
Tác giả: Thái Sơn
Nguồn tin: Báo Công luận