Trong tỉnh

Mập mờ trong tuyển dụng, đào tạo sinh viên chất lượng cao ở Thanh Hoá?

Gắn “mác” đào tạo chất lượng cao và được hưởng nhiều ưu đãi như ra trường sẽ được tuyển thẳng đi làm tại tỉnh, 4 năm qua hơn 200 học sinh trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá được tuyển chọn vào cái gọi là “đề án” đào tạo chất lượng cao trình độ đại học của Trường Đại học Hồng Đức nay ra trường mới té ngửa vì không xin được việc.

Tháng 12/2017, với việc ban hành Quy định đào tạo chất lượng cao trình độ đại học, 22 sinh viên ưu tú khoá đầu tiên đã được tuyển dụng, đào tạo. Kết quả tuyển sinh trong giai đoạn 2018-2022 có tổng 239 sinh viên tại 4 ngành đào tạo gồm: Sư phạm toán, vật lý, ngữ văn và lịch sử. Đến thời điểm này có 22 sinh viên tốt nghiệp, trong đó có 11 sinh viên xếp loại Xuất sắc, 11 sinh viên tốt nghiệp loại Giỏi.

Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) vừa xác nhận nhà trường dừng tuyển sinh 4 ngành sư phạm chương trình chất lượng cao là Sư phạm Toán, Vật lý, Ngữ văn, Lịch sử


Em Hoàng Mai Anh và Hà Thị Linh là 2 trong số đó cho biết, rất bất ngờ và thất vọng: "Khi chúng em vào đăng ký học lớp chất lượng cao thì có đọc công văn là đầu ra tỉnh sẽ chủ trương sắp xếp việc làm cho sinh viên với điều kiện tốt nghiệp loại khá trở lên. Lâu nay mọi người đều hiểu sinh viên chất lượng cao ra trường sẽ được tỉnh xem xét bố trí việc làm, nhưng từ khi bọn em ra trường thì không thấy phản hồi gì từ tỉnh. Hôm trước lớp em có hỏi nhà trường và trường nói đang gửi công văn lên tỉnh, sở, bảo cứ chờ, nhưng chờ mãi đến giờ vẫn chưa ai trả lời. Em mong muốn bên tỉnh sắp xếp việc như trong giấy báo có ghi".

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại mục d-1, Chương 4 - Quy định đào tạo chất lượng cao trình độ đại học ở Trường Đại học Hồng Đức, do Hiệu trưởng nhà trường ban hành ngày 29/12/2017 “Sinh viên tốt nghiệp hệ đào tạo chất lượng cao được ưu tiên xét chuyển tiếp đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ hoặc tuyển chọn làm giáo viên trung học tỉnh Thanh Hoá hoặc cán bộ giảng dạy, cán bộ nghiên cứu của Trường Đại học Hồng Đức”.

Lý giải về việc làm mập mờ này, PGS.TS Bùi Văn Dũng - Hiệu trưởng trường Đại học Hồng Đức cho biết, hiện nay đã có ý kiến và đang tìm giải pháp và có phương án. Về phía nhà trường thực hiện đào tạo và tạo cơ chế tốt nhất cho sinh viên chất lượng cao mỗi ngành, việc tuyển dụng là phối hợp các ban, ngành, sở.

"Trong đề án chất lượng cao đó không có từ nào bắt buộc phải tuyển dụng, ngay từ cơ sở pháp lý ban đầu rất rõ, mà chỉ dùng từ xem xét, ưu tiên trong điều kiện cụ thể. Chính vì vậy nhà trường đang tìm cách tháo gỡ thôi, chứ không phải có câu nào nói học chất lượng cao ra là có việc làm", PGS.TS Bùi Văn Dũng nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên, việc thực hiện Đề án này đã được Bộ Giáo dục – Đào tạo đồng ý; tỉnh Thanh Hoá cũng văn bản chỉ đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. Theo văn bản tỉnh Thanh Hoá ban hành tháng 4 năm 2018, để triển khai có hiệu quả Đề án, thu hút được học sinh giỏi, xuất sắc vào học các ngành sư phạm, đáp ứng yêu cầu nguồn giáo viên THPT chất lượng cao tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2030, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý chủ trương tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp từ Đề án. Giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở GD&ĐT và các đơn vị có liên quan, xây dựng kế hoạch tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp từ Đề án nêu trên, kịp thời bổ sung nguồn giáo viên chất lượng cao cho các trường THPT trên địa bàn tỉnh. Điều kiện tuyển dụng được UBND tỉnh Thanh Hóa nêu ra đối với ứng viên là: Tốt nghiệp ĐH loại khá trở lên theo chương trình đào tạo chất lượng cao từ Đề án; có phẩm chất đạo đức tốt, có sức khỏe đảm bảo phục vụ công tác giảng dạy và học tập lâu dài…

Các tiêu chí đưa ra đối với sinh viên tốt nghiệp để được ưu tiên, xem xét là đảm bảo nhưng, việc tuyển dụng phải theo Nghị định của Chính phủ. Trao đổi với báo chí, đại diện Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh Thanh Hoá khẳng định như vậy, cụ thể là Nghị định 140, ngày 5/12/2017 và Nghị định 115, ngày 25/9/2020 của Chính phủ. “Đối với sinh viên tốt nghiệp từ Đề án đầu ra hầu hết không đúng đối tượng theo quy định nên không thể đặc cách được. Tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản chỉ đạo giao Sở GD&ĐT và các huyện nếu có tuyển dụng thì thông tin cho các sinh viên tốt nghiệp từ Đề án biết để tham gia tuyển dụng giống như sinh viên các trường khác” đại diện Sở Giáo dục-Đào tạo khẳng định.

Rõ ràng việc tuyển dụng, đào tạo và kế hoạch bố trí, tuyển dụng sinh viên sau khi tốt nghiệp là có, chứ không phải để đến thời điểm này khi sinh viên tốt nghiệp ra trường gần 1 năm vẫn chưa rõ về số phận của mình. Khi Trường Đại học Hồng Đức công bố dừng tuyển sinh lớp đào tạo chất lượng cao từ năm 2023, dư luận tiếp tục đặt câu hỏi về cách làm “ngẫu hứng” của nhà trường và ngành chức năng tỉnh Thanh Hoá./.

Tác giả: Sỹ Đức

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok