Trong tỉnh

Mái nhà chung của những mảnh đời kém may mắn

Được sự chấp thuận của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), cách đây 30 năm, ngày 22-12-1987, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng Làng trẻ em SOS Quốc tế ký Hiệp định thành lập và phát triển Làng trẻ em SOS tại Việt Nam.

Theo đó, Tổ chức Làng trẻ em SOS quốc tế tài trợ không hoàn lại kinh phí xây dựng các Làng trẻ em SOS và các dự án đi kèm tại Việt Nam để nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi theo mô hình gia đình thay thế với 4 nguyên tắc của Tổ chức Làng trẻ em SOS quốc tế là bà mẹ, anh - chị - em, ngôi nhà và cộng đồng làng.

Sau khi hiệp định ký kết, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tiếp nhận tài trợ của Làng trẻ em SOS quốc tế để xây dựng 2 Làng trẻ em SOS đầu tiên. Đến nay, hệ thống Làng trẻ em SOS Việt Nam đã phát triển tại 17 tỉnh, thành phố với gần 70 chương trình dự án. Làng trẻ em SOS Việt Nam đã có bước phát triển nhanh và Việt Nam trở thành quốc gia có số lượng Làng trẻ em SOS và số trẻ hưởng lợi đứng thứ 3 trong 134 quốc gia và vùng lãnh thổ (sau Ấn Độ và Bra-xin).

Các con luôn được các mẹ, các dì Làng trẻ em SOS Thanh Hóa yêu thương, chăm sóc tận tình, chu đáo.

Tại Thanh Hóa, tháng 9-2006 Làng trẻ em SOS Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động. Đây là một mái ấm cho trẻ em mồ côi của tỉnh. Từ việc tiếp nhận 29 trẻ đầu tiên vào chăm sóc, nuôi dưỡng, đến nay tổng số trẻ đã được tiếp nhận vào làng 255 trẻ, trong đó số trẻ hiện ở nhà gia đình 114, số trẻ tại lưu xá 17... Làng như một ngôi nhà lớn bao bọc 14 ngôi nhà nhỏ xinh, nép dưới những tán cây. Mỗi ngôi nhà nhỏ trong làng được đặt theo tên của một loài hoa, đó là hoa sen, hoa mai, hoa lan, hoa cúc... Ở đó có các mẹ, các dì và những đứa con không cùng huyết thống, mỗi đứa một cá tính, một vùng quê, nhưng đều có chung một số phận, một hoàn cảnh đó là sớm phải chịu cảnh thiệt thòi, thiếu tình yêu thương, sự chăm sóc, đùm bọc của bố mẹ, gia đình và người thân.

Thấu hiểu sự mất mát, thiếu thốn đó, trong quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng, với tình yêu thương con người, sự tâm huyết, tận tâm với nghề, các mẹ, các dì đã dành hết tình yêu, trách nhiệm của mình để nuôi dưỡng, chăm sóc các con một cách tốt nhất để sau này các con trở thành những công dân có ích cho xã hội; đồng thời góp phần giảm thiểu trẻ em phải lang thang, lao động sớm để kiếm sống, ngăn chặn đáng kể các tệ nạn xã hội. Bên cạnh việc chăm sóc, nuôi dưỡng, việc học tập của các con luôn được các mẹ, các dì đặc biệt quan tâm.

Bởi khi các con được đón tới làng còn có sự mặc cảm về hoàn cảnh, số phận, do vậy hầu hết đều có học lực thua kém các bạn cùng lớp, cùng trường, song, nhờ sự động viên kịp thời của các mẹ, các dì, sự giúp đỡ tận tình của các thầy, cô giáo và sự nỗ lực của bản thân, các em đã đạt được nhiều thành tích trong quá trình rèn luyện và học tập. Tại một số kỳ thi học sinh giỏi của TP Thanh Hóa, tỉnh và quốc gia đã có một số em đạt giải cao. Trong đó, tiêu biểu như các em: Trần Thị Minh Châu, nguyên là cựu học sinh chuyên Sử Trường THPT chuyên Lam Sơn.

Năm học 2010-2011 em đã đạt giải ba quốc gia môn Lịch sử, sau này là sinh viên Học viện An ninh Nhân dân. Em Lê Thị Hòa, cũng là cựu học sinh chuyên Sử Trường THPT chuyên Lam Sơn. Năm học 2012-2013 đạt giải nhì quốc gia môn Lịch sử, hiện là sinh viên lớp cử nhân tài năng, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội... Ngoài tấm gương sáng trong học tập, một số em có niềm đam mê nghệ thuật và đã trở thành ông chủ, tay kéo chính salon tóc tại TP Thanh Hóa. Noi gương học tập, rèn luyện của các anh, các chị đi trước, nhiều em đã xác định cho mình mục tiêu phấn đấu, chăm chỉ học tập, rèn luyện, quyết tâm theo đuổi ước mơ được bước chân vào giảng đường đại học, sớm trở thành công dân có ích cho xã hội. Bình quân vài năm gần đây, tỷ lệ các em đậu đại học, cao đẳng đạt từ 80% trở lên. Đến nay đã có 54 em học đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và học nghề.

Có thể khẳng định, bằng trách nhiệm, tấm lòng và tình yêu thương con trẻ của cán bộ, nhân viên, các mẹ, các dì Làng trẻ em SOS Thanh Hóa trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục các em đã góp phần quan trọng vào việc sưởi ấm những mảnh đời cô đơn, bất hạnh, giúp các em tự tin hòa nhập cuộc sống cộng đồng.

Tác giả: Duy Sơn

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa điện tử

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok