Lương giáo viên thấp được bàn luận nhiều và luôn là vấn đề “nóng” trong giáo dục được nhắc đến lâu nay. Không ít giáo viên bỏ việc vì lương thấp, phải tìm công việc khác và nghề giáo trở nên thiếu hấp dẫn với người giỏi. Nhiều người có năng lực, đam mê nhưng không thể theo nghề một phần cũng vì lương thấp.
Và không chỉ thấp, bất ổn trong lương nhà giáo lâu nay là trả cào bằng. Nhiều giáo viên giỏi đi dạy với nỗi lòng đầy tâm tư về thu nhập.
Thầy H.L.T, một giáo viên dạy Văn có tiếng ở quận1, TPHCM với rất nhiều phương pháp dạy học đổi mới, sáng tạo, nhiều dự án dạy học ấn tượng… Để thực hiện được, thầy phải dốc rất nhiều tâm sức, thời gian để tìm tòi, nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, quá trình thực hiện, thu kết quả… . Dạy học đổi mới đòi hỏi người thầy rất nhiều năng lực, không đơn thuần soạn giáo án lên lớp là xong.
Không nói ra, nhưng tâm tư của thầy, thu nhập là một điều nặng trĩu lòng. Ra trường tròn 10 năm, tổng thu nhập của thầy không quá 6 triệu đồng. Trong đó lương cứng bậc 2 được hơn 4 triệu, còn lại là tiền dạy chéo buổi, tiền tổ trưởng…
Thầy T. cho hay, thầy dạy Văn, còn có tiền dạy chéo buổi, còn nhiều giáo viên trẻ khác thu nhập chỉ có 4 triệu đồng. Quả thật rất khó xoay sở với cuộc sống, để mà đầu tư cho nghề. Với khả năng của mình, thầy T. cũng đang cân nhắc đến việc xin sang một hệ thống trường tư nổi tiếng khác với thu nhập cao gấp nhiều lần.
Phải nhìn vào một thực tế, lương giáo viên hiện nay thấp, nhưng là thấp với những người giỏi và với đội ngũ giáo viên trẻ, đội ngũ giáo viên mầm non với đặc thù công việc rất vất vả để họ có thể bám nghề. Đây là những nhóm đối tượng hàng đầu cần được quan tâm để tăng thu nhập.
Và cũng phải nhìn thẳng, trong đội ngũ giáo viên có người giỏi nhưng cũng không ít người thiếu năng lực, đi dạy như trả bài, đến tháng tà tà nhận lương. Nhiều người yếu kém, thậm chí là lười biếng xem nghề giáo là nơi “trú thân” an nhàn. Chia sẻ tại một tọa đàm về chủ để người thầy, nhà giáo Bùi Văn (giảng viên chương trình kinh tế Fulbright) cho rằng, giáo viên giỏi, tâm huyết, chăm tìm tòi thì chắc chắn sẽ càng vất vả. Ngược lại, nếu nói nghề giáo nhàn thì cũng thật nhàn, nhiều người ví giáo viên như cái… radio chạy bằng cơm, phát đi phát lại không phải là không có.
Rồi nữa, với đầu vào ngành Sư phạm thấp, thậm chí như năm vừa rồi 3 điểm/môn cũng thừa để đỗ vào một số trường đào tạo sư phạm. Sư phạm đã trở thành nơi an toàn của nhiều người thiếu năng lực, không có khả năng cạnh tranh ở những lĩnh vực khác.
Có thể thấy, đang tồn tại hai thái cực làm việc trong đội ngũ giáo viên nhưng nhìn chung họ đang nhận mức lương cào bằng, bổ đầu. Mức lương chưa trả theo năng lực, không tính theo công sức đóng góp. Điều này dẫn đến bất công, thiếu công bằng với người giỏi nhưng lại “bao bọc” cho người yếu kém. Môi trường sư phạm thiếu động lực để cố gắng, người giỏi bất mãn, người dở thì… nhàn hạ qua ngày.
Giỏi - dở như nhau, thu nhập trong nghề giáo chỉ mong đợi vào thâm niên, “sống lâu lên lão làng”. Giáo viên trẻ phải sống và làm việc với đồng lương vô cùng thấp - đúng quãng thời gian tuổi cống hiến, năng lực làm việc dồi dào và cần nhiều đầu tư nhất.
Bà Phạm Thúy Hà, hiệu trưởng một trường tiểu học ở TPHCM chia sẻ, nhiều giáo viên trẻ, giáo viên hợp đồng thu nhập rất thấp, phải làm thêm nhiều việc để sống, ảnh hưởng đến công việc chuyên môn. Trong khi, nhiều giáo viên lớn tuổi hệ số lương cao ngút, sắp về hưu nên sa sút mọi mặt.
Bà Hà hy vọng, việc tăng lương cho giáo viên cần chú ý đến đội ngũ giáo viên trẻ và có cách trả theo năng lực để tạo động lực làm việc cho người giỏi và nỗ lực cho người yếu.
Với đặc thù công việc, giáo viên mầm non là đối tượng cần quan tâm trong việc tăng lương (ảnh minh họa)
Ở TPHCM, một vài năm gần đây có "làn sóng" giáo viên chạy theo "tiếng gọi" của trường tư, trong đó có nguyên nhân vì thu nhập. Nhưng cũng phải nói rõ, chỉ có giáo viên giỏi mới đủ năng lực để xin và "trụ" được ở các trường tư.
Một chuyên gia giáo dục ở phân tích, trước khi nói tăng lương giáo viên chung chung rất khó thực hiện thì cần phải cụ thể hóa đối tượng giáo viên nào cần được tăng lương trước nhất. Theo ông, lương cần được trả theo năng lực, tăng lương khởi điểm cho giáo viên trẻ và chú ý tăng lương cho đội ngũ giáo viên mầm non với tính chất công việc rất vất vả.
Ở TPHCM, cũng đang đặt ra việc trả lương cho giáo viên theo năng lực. Còn với đội ngũ giáo viên mầm non có Nghị quyết 01 với những chính sách đãi ngộ riêng (Giáo viên mầm non năm đầu được tuyển dụng: Hỗ trợ 100% lương cơ sở/người/tháng; năm thứ hai, hỗ trợ 70% lương cơ sở/người/tháng; năm thứ ba được hỗ trợ 50% lương cơ sở/người/tháng)
Tác giả: Hoài Nam
Nguồn tin: Báo Dân trí