Trên đây là ý kiến của TS. Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) liên quan đến một số chuyện khó hiểu trong việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) lớp 1 mới vừa qua.
Thông tư 01/2020/TT của Bộ GD&ĐT quy định quyền quyết định việc lựa chọn SGK là của cơ sở giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, một số địa phương chưa tôn trọng quyền quyết định của các nhà trường. Bộ GD&ĐT đã làm gì để các quy định về lựa chọn SGK được đảm bảo thực hiện đúng tại cơ sở giáo dục, các địa phương, thưa ông?
Từ kết quả tổng hợp của các địa phương, Bộ GD&ĐT nhận thấy hai tỉnh Khánh Hòa và Long An có kết quả khác hơn so với 61 tỉnh/thành phố còn lại khi toàn tỉnh chỉ chọn duy nhất một bộ SGK.
Theo đó, Bộ đã có ý kiến trực tiếp với lãnh đạo UBND tỉnh và Sở GD&ĐT, đề nghị rà soát, kiểm tra tổng thể quy trình lựa chọn SGK. Quan điểm của Bộ GD&ĐT kiên quyết yêu cầu các địa phương thực hiện đúng quy định về lựa chọn SGK theo Thông tư 01. Nếu các nhà trường lựa chọn SGK đúng quy trình thì địa phương phải tôn trọng kết quả đó.
Qua tìm hiểu bước đầu, Bộ nhận thấy, việc chỉ đạo của hai địa phương đối với các nhà trường trong thực hiện chọn SGK đúng quy trình.
TS. Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT). |
Tuy nhiên ở Long An trong khâu tổng hợp kết quả cuối cùng, Sở GD&ĐT đã thực hiện chưa đúng khi báo cáo đề xuất UBND tỉnh chọn 1 bộ SGK trong khi thực tế có nhiều SGK khác được các nhà trường lựa chọn. Điều này trái với Thông tư 01.
Bộ GD&ĐT đã yêu cầu Sở GD&ĐT tỉnh Long An thực hiện đúng quy định và địa phương này đã hứa tôn trọng kết quả lựa chọn SGK của các nhà trường.
Còn với tỉnh Khánh Hòa, khi tiếp cận hồ sơ của các phòng GD&ĐT tập hợp kết quả lựa chọn SGK của các trường gửi về Sở GD&ĐT, Bộ nhận thấy, tất cả đều lựa chọn 1 bộ SGK cho 8 môn bắt buộc.
Riêng môn tiếng Anh, các nhà trường chọn SGK của NXB khác. Điều đó trước mắt cho thấy Sở GD&ĐT tỉnh Khánh Hòa đã tôn trọng quyết định lựa chọn của cơ sở và báo cáo trung thực về UBND tỉnh và Bộ GD&ĐT.
Thực hiện yêu cầu của Bộ, Sở GD&ĐT tỉnh Khánh Hòa đang rà soát toàn bộ quy trình lựa chọn SGK của các cơ sở giáo dục phổ thông.
Nếu kết quả rà soát khẳng định, việc lựa chọn SGK được thực hiện đúng quy định, không có chỉ đạo nào trái quy định từ cấp trên thì chúng ta cần tôn trọng kết quả lựa chọn.
Việc bộ sách “Chân trời sáng tạo” được TP Hồ Chí Minh lựa chọn với tỷ lệ “áp đảo” so với các bộ SGK khác gây ra xôn xao dư luận, đặc biệt trước đó có thông tin NXB đã chi trả thù lao cho một số lãnh đạo và cán bộ của Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh để biên soạn bộ sách này. Quan điểm của Bộ GD&ĐT về vấn đề này như thế nào?
Nhìn tổng thể kết quả lựa chọn SGK của các trường Tiểu học tại TPHCM, SGK của cả 5 bộ đều được lựa chọn. Riêng Bộ “Chân trời sáng tạo” có tỷ lệ cao hơn.
Trong 5 bộ SGK được phê duyệt sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông, bộ “Chân trời sáng tạo” là đầu tiên và duy nhất được biên soạn bởi tập thể tác giả phía Nam. Với lý do này nên các kênh hình, kênh chữ sử dụng trong SGK mang đậm đặc trưng vùng Nam bộ.
Với học sinh tiểu học, đặc biệt là học sinh lớp 1, yếu tố ngôn ngữ và hình ảnh có tác động lớn đến hiệu quả sử dụng SGK của các em. Bộ SGK “Chân trời sáng tạo” với nét đặc trưng như thế sẽ tạo thuận lợi trong học tập cho học sinh khu vực phía Nam.
Bộ SGK "Chân trời sáng tạo". |
Do tất cả SGK được phê duyệt đều đảm bảo chất lượng và đồng đều chất lượng, nên khi chọn SGK, các trường sẽ ưu tiên sách gần gũi, phù hợp và tạo thuận lợi cho giáo viên, học sinh trong dạy và học.
Điều này hoàn toàn dễ hiểu về chuyên môn và đây thực chất là một tiêu chí được quy định trong Thông tư lựa chọn SGK.
Việc TPHCM hay bất cứ tỉnh/thành phố nào có kết quả lựa chọn SGK ở một bộ sách nào đó cao hơn, chúng ta cần xem xét việc chỉ đạo và thực hiện lựa chọn SGK ở địa phương đó có đúng quy định hay không, các nhà trường có dân chủ, minh bạch trong lựa chọn hay không. Nếu quy trình đúng thì kết quả lựa chọn phải được tôn trọng.
Thông tư 01 yêu cầu cơ sở giáo dục phổ thông công bố công khai danh mục SGK được lựa chọn và niêm yết tại cơ sở giáo dục trước khi bắt đầu năm học mới ít nhất 4 tháng. Công tác này đến nay đã được các trường tiểu học trên cả nước thực hiện như thế nào, thưa ông?
Trước hết phải nói rõ, việc công bố kết quả lựa chọn SGK thuộc trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông. Sở GD&ĐT các tỉnh, đặc biệt là cấp Phòng GD&ĐT có trách nhiệm giám sát và trực tiếp chỉ đạo, đốc thúc việc thực hiện đảm bảo đúng quy định.
Ngày 11/5, Bộ GD&ĐT đã ban hành văn bản yêu cầu các Sở GD&ĐT chỉ đạo tất cả các phòng GD&ĐT, các trường phổ thông trên địa bàn thực hiện nghiêm việc công bố kết quả SGK.
Qua thực tế kiểm tra tại một số tỉnh như Bắc Kạn, Yên Bái, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng, chúng tôi nhận thấy, các nhà trường đã nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ này. Nhiều đơn vị rất sáng tạo trong sử dụng hình thức công bố kết quả lựa chọn SGK.
Bộ SGK "Cánh diều" |
Ví dụ, có nhà trường liên hệ với các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn theo phân tuyến tuyển sinh để có thư ngỏ hay thông báo đến phụ huynh học sinh có con em sẽ vào học lớp 1 năm học tới, trong đó cung cấp thông tin về tuyển sinh, triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới và công bố danh mục SGK lớp 1 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông này.
Có đơn vị liên hệ với đài phát thanh trên địa bàn huyện, thôn, xã, để phát tin thông báo. Có trường còn dán cả danh sách lựa chọn SGK ở nhà văn hóa thôn hoặc những nơi phụ huynh học sinh dễ nhìn thấy. Đây là những cách làm rất sáng tạo và trách nhiệm.
Nhiều người cho rằng, việc quy định Hội đồng lựa chọn SGK phải có thành viên là đại diện Ban Cha mẹ học sinh chỉ mang tính hình thức, khó thực hiện, nhà trường không thể biết phụ huynh nào có con vào lớp 1 trong năm học tới... Tại sao Bộ GD&ĐT đưa ra quy định phải có đại diện cha mẹ học sinh trong Hội đồng lựa chọn SGK?
Sự tham gia của đại diện ban cha mẹ học sinh trong Hội đồng lựa chọn SGK của cơ sở giáo dục phổ thông có vai trò như lực lượng giám sát xã hội để đảm bảo việc thực hiện các quy trình lựa chọn công khai, minh bạch, đảm bảo sự công bằng cho người sẽ trực tiếp bỏ tiền mua và sử dụng SGK.
Đại diện phụ huynh không có vai trò nghiên cứu chuyên môn sâu về SGK. Công việc này do tổ chuyên môn của các nhà trường thực hiện, bỏ phiếu để đề xuất danh mục SGK được lựa chọn xếp thứ tự từ cao xuống thấp.
Hội đồng lựa chọn SGK sẽ thảo luận, đánh giá SGK trong danh mục tổ chuyên môn đề xuất, căn cứ các quy định của Thông tư 01 và tiêu chí lựa chọn SGK của UBND tỉnh để bỏ phiếu lựa chọn SGK phù hợp nhất với cơ sở giáo dục phổ thông.
Qua kiểm tra, chúng tôi thấy một số nhà trường ban đầu chưa hiểu được ý nghĩa này nên hơi lúng túng trong việc mời đại diện ban cha mẹ học sinh tham gia Hội đồng lựa chọn SGK.
Tuy nhiên, sau khi Bộ GD&ĐT có thông tin hướng dẫn, rất nhiều nhà trường đã thực hiện tốt quy định này.
Nhiều nhà trường lúng túng trong việc mời đại diện ban cha mẹ học sinh tham gia Hội đồng lựa chọn SGK. |
Theo ông, sau khi hoàn thành lựa chọn SGK, tới đây các nhà trường và địa phương cần tiếp tục thực hiện công việc gì để đảm bảo hiệu quả, đúng lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới cho học sinh lớp 1?
Có 2 nội dung trọng tâm Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo sát sao trong thời gian tới.
Thứ nhất, các Sở GD&ĐT, NXB có SGK được lựa chọn phải khẩn trương lên kế hoạch chi tiết việc tập huấn giáo viên sử dụng SGK; đảm bảo 100% giáo viên lớp 1 được tập huấn trước năm học mới.
Việc cung ứng SGK có những khó khăn và thuận lợi riêng, song cũng phải gấp rút thực hiện từ nay đến 30/7 và chậm nhất 15/8 phải hoàn thành.
Nếu trên một địa bàn có nhiều SGK được lựa chọn, việc cung ứng cần đảm bảo đầy đủ các đầu SGK và kịp tiến độ thời gian để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Thứ hai, các tỉnh cần khẩn trương triển khai bồi dưỡng trực tuyến kết hợp với trực tiếp cho toàn bộ giáo viên dạy lớp 1 năm học 2020-2021, về hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Bộ GD&ĐT đã làm việc với đơn vị cung ứng để cung cấp miễn phí tài khoản học trực tuyến và đường truyền cho thầy cô lớp 1. Việc bồi dưỡng phải hoàn thành trước 30/7.
Tác giả: Nguyễn Quỳnh
Nguồn tin: Báo Dân trí