Pháp luật

Lừa đảo, sử dụng “sổ đỏ” giả vì sa lầy “lướt cọc”

Kinh doanh bất động sản thua lỗ, bể hàng loạt vụ “lướt cọc” tại Quảng Trị nên Ngô Thị Hoài Thương (1969, Đà Nẵng) có hành vi gian dối để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của nhiều người. Ngày 22-4, TAND tỉnh Quảng Trị cho biết vừa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Thương về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.

TAND tỉnh Quảng Trị tuyên án Ngô Thị Hoài Thương.

Bị cáo Thương tại ngoại đến tòa trên chiếc xe lăn, do mấy tháng trước bị đột quỵ. Thương vốn là công nhân của một công ty xây lắp tại Đà Nẵng, được điều động ra TP Đông Hà (Quảng Trị) làm việc nhiều năm trước. Là người lanh lợi nên khi diễn ra cơn sốt đất năm 2020, 2021, Thương cũng chớp cơ hội “lướt cọc”. Ban đầu có trúng mánh nhưng sau đó thì thua lỗ, Thương cần tiền để đầu tư tiếp. Trong quá trình đó, Thương nảy sinh lừa đảo, đưa ra nhiều thông tin gian dối làm cho người khác tin tưởng giao tiền, cho vay hay nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất rồi chiếm đoạt.

Cụ thể, tháng 11-2021, Thương biết chị Phan Thị Ph. (trú TP Đông Hà) có con trai đang muốn đi du học tại Đức nên Thương đưa ra thông tin quen biết người có thể bảo lãnh, lo hồ sơ, thủ tục cho con chị Ph. đi học, chi phí 300 triệu đồng. Mức giá này Thương tự đưa ra vì nhớ có đứa cháu từng đi du học Đức chi phí hết chừng đó. Vì từng làm ăn chung nên chị Ph. tin tưởng, từ giữa tháng 11-2021 đến tháng 1-2022, chị Ph. đã giao cho Thương tổng số tiền 291 triệu đồng. Thương lấy số tiền để “lướt cọc”. Đến tháng 4-2022, chờ lâu không thấy Thương làm thủ tục cho con nên chị Ph. hối thúc. Lúc này, Thương mới đăng ký cho con chị Ph. ôn thi tiếng Đức tại Đà Nẵng, ký bản cam kết đào tạo du học và nộp 26,5 triệu đồng. Tháng 6-2022, con chị Ph. thi không đạt bằng B1 tiếng Đức nên công ty đào tạo trả lại 7 triệu đồng chi phí đào tạo. Thấy con mình không được đi du học, chị Ph. yêu cầu Thương trả tiền nhưng Thương chỉ trả được số ít, còn lại 261 triệu đồng không có khả năng thanh toán.

Các bị hại bị Thương lừa đảo, chiếm đoạt tiền phát biểu tại phiên tòa.

Vụ thứ 2, vào đầu tháng 2-2022, Thương lên mạng xã hội đặt làm giả Giấy CNQSD đất số CS897402, ghi Sở TN&MT tỉnh Quảng Trị cấp ngày 7-4-2021 mang tên Thương. Sau khi nhận được “sổ đỏ” giả, ngày 16-2-2022, Thương mang đến chuyển nhượng cho chị Nguyễn Thị Ba T. (trú TP Đông Hà) với giá 250 triệu đồng. Chị T. đặt cọc 100 triệu đồng. Thương nhận tiền, tiếp tục “lướt cọc”. Ngày 12-2-2022, do chị T. yêu cầu nên Thương đi cùng đến phòng Công chứng số 1 (TP Đông Hà) để công chứng hợp đồng chuyển nhượng thì bị phát hiện “sổ đỏ” là giả. Thấy vậy, chị T. yêu cầu Thương trả lại tiền, nhưng Thương chỉ trả được 45 triệu đồng.

Vụ thứ 3, tháng 4-2022, chị Nguyễn Thị Lệ (TP Đồng Hới) nhờ Thương làm thủ tục tách thửa miếng đất tại H. Triệu Phong (Q. Trị) nên giao Giấy CNQSD đất cho Thương. Đến ngày 15-4-2022, Thương cầm “sổ đỏ” này đưa đến cầm cố chỗ chị Phan Thị Tr. (TP Đông Hà) và nói dối đã mua lại nửa diện tích thửa đất, nay vay tiền để làm tách thửa. Chị Tr. tin nên cho vay 100 triệu đồng. Thương đã nhiều lần trả lãi cho chị Tr. với số tiền 20 triệu đồng nhằm kéo dài thời gian trả nợ. Ngày 16-5-2022, Thương trả cho chị Tr. 30 triệu đồng tiền gốc.

Vụ thứ 4, vào tháng 5-2022, Thương lại lên mạng xã hội đặt làm giả Giấy CNQSD đất số DC565287 ghi Sở TN&MT tỉnh Quảng Trị cấp ngày 7-4-2021 mang tên mình. Đến tháng 7-2022, Thương mang “sổ đỏ” giả trên đến cầm cố chỗ chị Lưu Thị Diệu Ph. (TP Đông Hà) để vay tiền và hứa bán rẻ mảnh đất này cho chị Ph. Tin tưởng, chị Diệu Ph. cho Thương vay 200 triệu đồng. Ngày 20-8-2022, Thương chuyển nhượng thửa đất trong “sổ đỏ” giả với giá 600 triệu đồng cho chị Diệu Ph., trừ 200 triệu đồng đã vay, chị Diệu Ph. trả thêm cho Thương 400 triệu đồng. Thương dùng số tiền này đầu tư đất nhưng tiếp tục thua lỗ. Đến tháng 11-2022, Thương không thực hiện thủ tục chuyển nhượng đất nên chị Diệu Ph. yêu cầu trả tiền lại. Từ tháng 11-2022 đến tháng 2-2023, Thương đã trả cho chị Diệu Ph. hơn 28 triệu đồng tiền lãi, chưa thanh toán tiền gốc.

Tại phiên tòa, Thương đã thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố, đưa thông tin gian dối và sử dụng giấy tờ giả để lừa đảo chiếm đoạt của 4 người với hơn 1,1 tỷ đồng. Sau khi xem xét toàn diện vụ án, ý kiến tranh luận tại tòa, HĐXX nhận định cáo trạng truy tố đúng người đúng tội. Tòa tuyên phạt bị cáo Thương 12 năm tù về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 3 năm tù về tội: “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”; tổng hợp chung hình phạt là 15 năm tù; buộc bồi thường số tiền đã chiếm đoạt của các bị hại.

Tác giả: Bảo Hà

Nguồn tin: cadn.com.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok