Một phòng học với mái lợp lá cọ, vách bằng phên nứa, cột kèo bằng thân cây luồng được dựng bên sườn núi, tại bản Sậy, xã Trung Thành, huyện Quan Hóa (tỉnh Thanh Hóa).
Mùa hè, lớp học nóng nóng nực, hập hập gió Lào, mùa đông buốt giá, thông thốc gió lùa. Đây là lớp ghép hai trình độ (lớp 3 và 4) của học sinh.
Tôi muốn cầm lái xe máy trong hành trình từ trung tâm xã vào bản Sậy nhưng thầy giáo Lê Thiên Thơ – Hiệu trưởng trường tiểu học Trung Thành vừa cười vừa nói “Đường khó đi lắm, em cứ ngồi sau, nếu cảm thấy đi được lúc trong bản quay ra em cầm lái”.
Lớp học này được chia đôi để giáo viên dạy học cho hai trình độ cấp tiểu học. |
Xe lăn bánh và thầy Thơ bắt đầu kể những câu chuyện vui buồn trong thời gian sống và làm việc ở bản Sậy.
Ở bản Sậy có 34 học sinh tiểu học, ở 5 trình độ: 6 học sinh lớp 1, 5 học sinh lớp 2, 7 học sinh lớp 3, 4 học sinh lớp 4 và 12 học sinh lớp 5. Vì cách quá xa trung tâm xã nên trường tiểu học Trung Thành phải mở điểm lẻ tại bản để tạo thuận lợi nhất cho học sinh.
Xe chúng tôi cứ hết chồm lên lại trượt bánh sau những lần lao xuống ổ gà ướt nhoèn nhoẹt nước suối. Thầy giáo Thơ gồng mình trong những khúc cua tay áo, hai chân đạp đất giữ thăng bằng khi xe qua đoạn đường hẹp.
“Nếu không mở điểm lẻ ở Sậy mà kêu gọi học sinh ra điểm trường chính thì chỉ cần trời mưa chắc là học sinh sẽ nghỉ học hết. Đường xa, lại trơn như đổ mỡ, mưa rừng như trút nước xuống suối thì làm sao mà học sinh băng rừng ra điểm chính học được”, thầy Thơ kể.
Lớp học tạm bợ thông thốc gió lùa ở bản Sậy, xã Trung Thành, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. |
Quăng quật gần một giờ đồng hồ cho hành trình 10km từ trung tâm xã, cuối cùng chúng tôi cũng vào đến bản Sậy. Bản nằm ven bờ sông Mã, có 79 hộ dân, trong đó có tới 32 hộ nghèo, 16 hộ cận nghèo. Khu lớp học cho học sinh tiểu học được dựng ở trung tâm bản Sậy, hướng nhìn xuống dòng sông.
Hai thầy giáo trẻ nhất trường tiểu học Trung Thành được cử biệt phái vào cắm bản dạy học ở Sậy. Do thiếu phòng học, ngoài 2 phòng học trong nhà xây cấp bốn đã xuống cấp, dân bản cùng giáo viên dựng lên một phòng học tạm. Phòng học này dựng lên từ những chiếc cột là thân cây rừng mà dân bản góp lại.
Vách phòng học cao chừng một mét, được làm từ thân cây luồng đập dập, ghép lại thành tấm phên, mái lá cọ. Chiếc bảng đen đặt giữ phòng được chia đôi để giáo viên dạy cùng lúc cho lớp ghép hai trình độ.
Dù đối mặt vô vàn khó khăn nhưng học sinh bản Sậy vẫn chăm học và hướng tới tương lai tươi sáng hơn. |
Có thâm niên 5 năm cắm bản dạy học, thầy giáo Lò Văn Thơm chia sẻ về những khó khăn trong công tác dạy học nơi đây.
“Phòng học tạm không có tường bao che gió, mùa đông gió rét dưới sông Mã cứ thông thốc đẩy lên, học sinh bản lại mong manh áo vải run lên cầm cập, nhìn các em, thương các em vô cùng. Những hôm như thế chỉ còn cách gom củi đốt lửa sưởi ấm cho các em thôi.
Mùa hè thì nóng như đổ lửa, gió Lào tạt rát mặt mày, bản lại không có điện lưới nên không thể lắp quạt điện cho lớp học. Khó khăn thì đủ kiểu, điện không có nên các công cụ, phương tiện hỗ trợ giảng dạy cần điện để hoạt động đều không thể mang vào bản sử dụng”, thầy Thơm kể.
Thầy Lê Thiên Thơ - Hiệu trưởng Trường tiểu học Trung Thành cho biết: “Toàn trường có 279 học sinh, chia thành 1 điểm chính ở trung tâm xã và 5 điểm trường lẻ ở 5 bản. Không đủ phòng học thì dân bản cùng giáo viên dựng phòng học tạm để dạy học.
Mưa bão làm sập phòng thì giáo viên, phụ huynh cùng nhau dựng, không để việc dạy học bị đứt quãng dài ngày. Dù công tác giáo dục còn nhiều khó khăn đặc trưng vùng cao song sự ham học của học sinh vùng cao lại là động lực để thầy cô giáo yên tâm bám bản dạy học.”
Cũng như nhiều điểm trường lẻ ở vùng cao huyện Quan Hóa, học sinh bản Sậy, xã Trung Thành vẫn đang mơ về những phòng học kín gió.
Tác giả: HOÀNG DŨNG
Nguồn tin: Báo VTC NEWS