Cuộc sống

Làm dâu nhà giàu: Chồng níu áo mẹ xin tiền, vợ con không có một xu

Chồng em không chịu làm ăn, sống kiểu công tử, suốt ngày bạn bè, quán bar, ghẹo gái. Tiền sinh hoạt cha mẹ cho hằng tháng, anh xài cho bản thân không đủ, thỉnh thoảng níu áo mẹ moi tiền, chẳng một xu lọt đến tay vợ con.

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Thời con gái, em luôn mơ ước lấy được chồng giàu, có một đám cưới người khác nhìn vào phải thèm thuồng và một cuộc sống vật chất thoải mái. May mắn, qua mai mối, em gặp chồng em bây giờ. Cha mẹ anh là doanh nhân, anh chẳng cần làm gì, chỉ tùy hứng phụ chút việc cho gia đình là tiền xài thoải mái. Em bỏ phế chuyện học hành, bỏ định hướng ra trường tự lập, dồn sức làm đẹp, bám chặt lấy anh.

Thực tế đã không như em mơ mộng. Nhìn bề ngoài, em lên xe xuống ngựa, nhà cao cửa rộng, chải chuốt sang trọng, không cần làm việc kiếm tiền, nhưng bên trong lại là một cuộc sống tù túng, quẫn bách, lệ thuộc. Chồng em không chịu làm ăn, sống kiểu công tử, suốt ngày bạn bè, quán bar, ghẹo gái. Tiền sinh hoạt cha mẹ cho hằng tháng, anh xài cho bản thân không đủ, thỉnh thoảng lại níu áo mẹ moi tiền, chẳng một xu lọt đến tay vợ con. Em than thở, trách móc, anh thản nhiên: “Em ở nhà mọi thứ đã có mẹ lo, còn cần tiền làm gì?”. Em sinh con, mọi chi tiêu cho con đều phải ngửa tay xin mẹ chồng. Vì thế, mang tiếng dâu nhà giàu nhưng cứ về thăm nhà mình là em phải muối mặt xin mẹ ruột tiền tiêu vặt.

Ảo vọng của em thật sự sụp đổ. Em đã thấm thía, phải sống bằng những gì tự mình tạo ra mới đúng là cuộc sống. Nhưng chồng đã lấy, con quá nhỏ, mình thì hai bàn tay trắng, cái ăn hàng ngày đang dựa vào người khác ban phát, nên em cứ loay hoay, bế tắc không tìm được lối thoát. Rồi con em sau này sẽ hình thành nhân cách thế nào trước tấm gương mẹ cha đều là những kẻ ăn bám, sống dựa? Em cần làm gì để cứu lại đời mình và con? Chẳng lẽ phải phá vỡ hôn nhân, ôm con làm lại từ đầu?

Hiền (Q.10, TP.HCM)

Ảnh mang tính minh họa: Internet


Em Hiền thân mến,

Thật ra, trong cái rủi vẫn còn cái may, em đừng vội thất vọng. Lối đi bao giờ cũng hiện hữu ngay dưới chân mình. Quan trọng là từ chính những trải nghiệm chua chát, em đã thoát được ảo tưởng, nhận ra ý nghĩa của sự tự lập và giá trị bản thân. Việc chấm dứt cảnh sống dựa, tự đứng bằng chính đôi chân của mình không bao giờ là muộn. Tuy nhiên, em cần quyết tâm và thật kiên trì vì đây là đoạn đường không phải một sớm một chiều là vượt qua ngay được.

Trước hết, với bản thân, em hãy tập trung củng cố những kỹ năng đã được học, lưu tâm đến những kỹ năng có thể đáp ứng cho các yêu cầu tuyển dụng hiện tại, tìm kiếm một công việc thích hợp, chuẩn bị lý lẽ để thuyết phục nhà chồng cho em ra ngoài làm việc. Con nhỏ có thể gửi đến trường hoặc thuê người chăm sóc. Với điều kiện của nhà chồng em, việc này không khó.

Cũng có thể, bằng vào những kiến thức đã có, vợ chồng cùng tính chuyện làm ăn, hoặc dựa vào nhà chồng để tạo lập dần chỗ đứng riêng cho mình. Ở đây, em cần ý thức rõ, mình là một phụ nữ đã có gia đình. Muốn thay đổi cuộc sống thì không riêng bản thân đổi thay là được mà cần có sự đồng vợ đồng chồng, nếu không muốn gia đình tan vỡ. Hãy khéo léo khuyên nhủ chồng vì vợ con, vì tương lai độc lập của chính anh ấy mà bớt vui chơi, vợ chồng cùng gầy dựng sự nghiệp.

Hãy cùng chồng bắt đầu như thế, từng bước em sẽ thấy mọi thứ sáng tỏ dần, không còn quẩn quanh, bế tắc nữa. Hãy tin vào bản thân, tin vào người chồng mình đã chọn; cũng đừng ngần ngại dựa vào những điều kiện sẵn có từ nhà chồng trong bước khởi đầu. Là những doanh nhân thành công, cha mẹ chồng em hẳn không hẹp hòi khi thấy con cái biết tự nỗ lực. Hai người cũng có thể sẽ rất vui lòng hướng dẫn, hỗ trợ khi thấy cậu quý tử của mình đã thật sự trở thành một người đàn ông biết sống có trách nhiệm. Em hãy hết lòng hết sức từ những gì đang có. Chỉ khi nào xác định chắc chắn chồng mình chỉ là một cậu bé quen bám váy mẹ, không chịu trưởng thành, mới phải tính đến giải pháp tiêu cực cuối cùng là buông tay bước khỏi hôn nhân, tìm lối thoát riêng cho hai mẹ con.

Tác giả bài viết: Hạnh Dung

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok