Kinh tế

Lãi suất vẫn đang sung sức

Lãi suất vẫn là tiêu điểm trên thị trường tiền tệ. Kể từ tuần thứ hai của tháng 11-2018, không phải lãi suất qua đêm, mà lãi suất kỳ hạn một tuần trên thị trường liên ngân hàng mới là điểm “nóng”. Từ chỗ doanh số giao dịch chỉ 2.000-3.000 tỉ đồng/ngày, doanh số giao dịch kỳ hạn một tuần đã nhảy lên vượt doanh số giao dịch qua đêm và lãi suất cũng không thấp hơn kỳ hạn qua đêm. Điều này chứng tỏ nhu cầu tiền đồng của các ngân hàng vẫn tiếp tục cao và các bên đi vay đã tính đến kỳ hạn dài hơn, chấp nhận biên độ lãi suất mở rộng hơn.

Lãi suất tăng nhìn chung không phải vì tín dụng, mà chủ yếu vì cơ cấu kỳ hạn trong tổng huy động vốn của cả hệ thống. Ảnh: THÀNH HOA

Lãi suất liên ngân hàng không có điều kiện để hạ xuống khi mà lãi suất OMO (thị trường mở) đang được giao dịch ở mức 4,75%/năm. Đã gần tháng nay lãi suất qua đêm và một tuần liên ngân hàng dao động quanh lãi suất OMO, thậm chí có ngày lên 4,8%/năm, cao hơn cả OMO.

Trong khi đó, các ngân hàng đều không có nhu cầu tăng mạnh tín dụng do hầu hết hạn mức tín dụng đã được sử dụng trong chín tháng đầu năm. Báo cáo tài chính quí 3 và chín tháng 2018 của Vietcombank, BIDV, VietinBank đều cho thấy room tín dụng không còn nhiều. Vietcombank đến ngày 30-9-2018 tăng trưởng tín dụng lên tới 15,15%, vượt hạn mức 15% và Vietcombank cho biết sẽ điều chỉnh doanh số cho vay để đưa tỷ lệ tăng trưởng về 15% đúng như hạn mức được phân bổ. Hạn mức tín dụng cho quí cuối cùng của năm của BIDV và VietinBank đều còn dưới 3%. Riêng Agribank mới sử dụng khoảng 7% hạn mức cho vay trong chín tháng và dư địa tín dụng còn nhiều. Tuy nhiên, Agribank đang là ngân hàng có số dư tuyệt đối nợ xấu cao nhất trong bốn “ông lớn” và tỷ lệ an toàn vốn thấp hơn quy định, nên Agribank nhiều khả năng sẽ không sử dụng hết hạn mức tín dụng năm nay.

Theo một số ngân hàng, tín dụng đã tăng tốc trong tháng 8 và 9-2018 sau khi biến động tỷ giá diễn ra cuối tháng 6, đầu tháng 7-2018 dẫn đến việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bán ngoại tệ ổn định thị trường ngoại hối. Doanh nghiệp đã nhanh chóng hiểu ra với biến động tỷ giá, lãi suất tiền đồng sẽ đi lên và họ đã giải ngân các khoản vay càng sớm càng tốt để tận dụng thời điểm lãi suất tiền đồng còn chưa “chạy”. Một doanh nghiệp bất động sản cho biết tháng 8-2018 còn vay được kỳ hạn một năm với lãi suất 11,5%/năm, nhưng sang đầu tháng 11-2018 ngân hàng đã báo lãi suất lên 13%/năm và số tiền có thể vay chỉ bằng một nửa của lần trước.

Trưởng bộ phận tín dụng một ngân hàng cho biết do thời điểm thực hiện tỷ lệ chỉ được sử dụng 40% vốn huy động ngắn hạn cho vay trung, dài hạn thay vì 45% hiện hành, đã đến gần (ngày 1-1-2019), giá thành vốn đầu vào của các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên đang tăng nhanh và lãi suất huy động thực đã vượt 8%/năm. Nếu cộng cả chi phí dự trữ bắt buộc, dự trữ thanh khoản, chi phí nhân lực, công nghệ, hạ tầng... thì giá vốn đầu vào của các kỳ hạn dài đã hơn 10-10,5%/năm. Lãi suất cho vay các ngành nghề, trừ năm lĩnh vực ưu tiên, sẽ không thể nào giảm được.

Như vậy lãi suất tăng nhìn chung không phải vì tín dụng, mà chủ yếu vì cơ cấu kỳ hạn trong tổng huy động vốn của cả hệ thống. Bên cạnh đó, sự chủ động thắt thanh khoản của nhà điều hành thông qua dịch chuyển tổng phương tiện thanh toán và lãi suất OMO nhằm củng cố vị thế của đồng Việt Nam so với nhân dân tệ và đô la Mỹ cũng góp phần đưa đẩy lãi suất.

NHNN đã không có bình luận nào trước thông tin Techcombank công bố họ được nâng hạn mức tín dụng lên 20% cho năm nay. Trước đó NHNN đã chính thức tuyên bố không điều chỉnh hạn mức tín dụng theo chiều hướng tăng cho bất cứ ngân hàng nào. Theo báo cáo tài chính quí 3-2018 của Techcombank, dư nợ cho vay của ngân hàng này tại ngày 30-9-2018 là 164.282 tỉ đồng, chỉ tăng 5.318 tỉ đồng so với cuối năm ngoái, tương đương tăng 3,34%, còn cách xa hạn mức tín dụng được phân bổ. Những năm qua Techcombank cũng không phải là ngân hàng “chạy đua” tăng trưởng tín dụng, do đó việc cho vay hết hạn mức trong năm nay là một thách thức với Techcombank. Nguyên nhân nào khiến Techcombank xin tăng hạn mức tín dụng?

Theo cá nhân người viết bài này, hoặc Techcombank buộc phải giải ngân các dự án đã cam kết cho vay trong quí 4-2018 hoặc đơn giản đây chỉ là một hình thức tiếp thị - truyền thông. Cổ phiếu Techcombank đang là một trong số những khoản lỗ lớn nhất trong danh mục đầu tư của các tổ chức ngoại đã mua trong đợt phát hành hồi đầu năm với giá 128.000 đồng, tương đương 42.666 đồng/cổ phiếu sau chia tách.

Theo thông tin chúng tôi có được, hạn mức tín dụng cho từng ngân hàng và tăng trưởng tín dụng chung cho cả hệ thống trong năm tới sẽ không cao hơn chỉ tiêu của năm nay. Quy mô tín dụng, xét về số dư tuyệt đối, đang phình ra rất nhanh và dự báo sẽ vượt 7 triệu tỉ đồng vào cuối năm. Trên cơ sở đó, các ngân hàng sẽ phải tính toán sử dụng hạn mức tín dụng hợp lý cho cả năm, không thể dồn hết vào đầu năm như năm nay. Thực ra năm nay, nhiều ngân hàng đã sớm mở van tín dụng ngay từ đầu năm do hy vọng sẽ xin được nâng hạn mức như mọi năm. Tuy nhiên diễn biến của thị trường tài chính quốc tế đã không ủng hộ một kịch bản tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ của hệ thống ngân hàng trong nước như trong quá khứ.

Đến nay, Techcombank là ngân hàng duy nhất công bố việc được nới room từ mức 14% lên 20% trong năm 2018. Tuy nhiên, nếu nhìn vào tăng trưởng tín dụng thực tế trong chín tháng đầu năm 2018 thì rất có thể một số ngân hàng khác cũng đã được NHNN cấp thêm room trong năm 2018. Đó có thể là các ngân hàng như Nam Á, HDBank, TPBank... Bởi lẽ, các ngân hàng này có mức tăng trưởng tín dụng khá cao, khi lần lượt ở mức 24,9%, 16,4%, 15,7% và 15,6%, trong khi chỉ tiêu mà NHNN giao từ đầu năm 2018 chỉ vào khoảng 14-16%.

NHNN đã có thông điệp rất rõ ràng thông qua Chỉ thị số 04 của Thống đốc về việc sẽ không tăng thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng đã cấp cho các ngân hàng, ngoại trừ một số tổ chức tín dụng (TCTD) tham gia tái cơ cấu lại một TCTD khác trong năm 2018. Do vậy, rất có thể là các ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng vượt hạn mức được cấp đã và đang tham gia tái cơ cấu một TCTD khác. Chẳng hạn, Nam Á đã tham gia tái cơ cấu ba quỹ tín dụng tại Đồng Nai. HDBank đang hoàn tất các thủ tục để sáp nhập với PGBank.

Đông Hà

Tác giả: Hải Lý

Nguồn tin: Thời báo Kinh tế Sài Gòn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok