Sau kỳ công bố báo cáo tài chính bán niên vừa qua, nhiều ngân hàng thương mại, đặc biệt là những ngân hàng cỡ vừa và nhỏ, đã cho thấy tình trạng thanh khoản eo hẹp.
Cụ thể, trong khi dư nợ cho vay tại các ngân hàng tăng mạnh thì khoản huy động vốn đầu vào lại tăng chậm hơn, khiến thanh khoản các ngân hàng sụt giảm. Đây được xem là nguyên nhân khiến nhiều nhà băng phải điều chỉnh tăng lãi suất huy động tiền gửi gần đây, để thu hút thêm nguồn tiền.
Đồng loạt tăng mạnh lãi suất gửi tiền
Trong số các ngân hàng tăng lãi suất đợt này, Ngân hàng Bản Việt đã tăng lãi suất niêm yết mạnh nhất, với các khoản tiền gửi kỳ hạn trên 24 tháng từ 7,2% lên tới 8,6%/năm. Đây cũng là mức lãi suất tiền gửi ngân hàng dài hạn cao trên thị trường hiện nay.
Trong đợt điều chỉnh này, Ngân hàng Bản Việt điều chỉnh lãi suất tại nhiều kỳ hạn khác nhau, nhưng chủ yếu tập trung từ kỳ hạn 8 tháng trở lên, với mức tăng 0,6-1,4%.
Hiện lãi suất tiền gửi có kỳ hạn 8-11 tháng tại ngân hàng này được niêm yết ở mức 7,8%/năm, trước đó là 7,2-7,4%/năm. Nhà băng này cũng là một trong những ngân hàng thường xuyên đưa ra mức lãi suất huy động đầu vào cao hơn so với mức bình quân của hệ thống.
Hàng loạt ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động với tiền VNĐ thời gian vừa qua. |
Tương tự, SHB mới đây đã đưa ra biểu lãi suất áp dụng từ ngày 6/8, trong đó nâng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-11 tháng thêm 0,2%. Hiện dải lãi suất với các mức kỳ hạn này dao động trong khoảng 6,8-6,9%/năm, cũng là mức cao nhất từ đầu năm của ngân hàng này.
Với số tiền gửi trên 2 tỷ đồng, lãi suất áp dụng sẽ được cộng thêm 0,1% mỗi năm.
Techcombank cũng đưa ra mức lãi suất mới tại nhiều kỳ hạn. Cụ thể, nhà băng này tăng thêm 0,1% mỗi năm đối với khoản tiền dưới 1 tỷ đồng kỳ hạn 1 tháng và trên 12 tháng. Hiện dải lãi suất tiết kiệm của nhà băng này dao động trong khoảng 4,6-6,8%/năm theo từng kỳ hạn.
VPBank cũng là ngân hàng điều chỉnh mạnh lãi suất đợt này, trung bình tăng thêm 0,1-0,2%/năm ở nhiều kỳ hạn.
Cụ thể, lãi suất tiền gửi từ 6-11 tháng được tăng thêm 0,2%, lên 6,7%/năm. Các kỳ hạn dài trên 12 tháng cũng được tăng lên 7,1% năm. Hiện lãi suất tiền gửi cao nhất tại nhà băng này đang nằm ở kỳ hạn trên 24 tháng, với 7,4%/năm.
Trước đó, nhiều ngân hàng thương mại khác cũng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động tiền gửi, tập trung tại các kỳ hạn ngắn, như Sacombank, VietBank, ACB… Trong khi đó, dù đã điều chỉnh lãi suất tăng nhẹ nhưng nhóm 4 ngân hàng đầu ngành là Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank hiện vẫn duy trì mức lãi suất huy động thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung, chỉ trong khoảng 4,1-7%/năm tùy hạn mức.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng cho thấy trong tuần đầu tháng 8, mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng phổ biến ở mức 4,3-5,5%/năm; với kỳ hạn 6-12 tháng dao động quanh mức 5,3 - 6,5% và 6,5-7,3% với các khoản tiền gửi trên 12 tháng.
Gửi ngân hàng nào tiết kiệm nhất?
Nếu người dân có nhu cầu gửi tiền tiết kiệm với kỳ hạn ngắn dưới 3 tháng, những ngân hàng cỡ vừa và nhỏ đang là lựa chọn hợp lý, khi có mặt bằng lãi suất huy động lên tới 5,5%/năm, như ABBank, ACB, Bacabank, HDBank, Maritimebank hay NCB… Nhóm ngân hàng lớn Vietcombank, Vietinbank và BIDV lại chỉ huy động lãi suất tiền gửi kỳ hạn này ở mức dưới 4,6%/năm.
|
Trao đổi với Zing.vn, lãnh đạo một NHTM cho biết sở dĩ các ngân hàng lớn có thể đưa ra mức lãi suất thấp hơn bình quân hệ thống, vì đã có được hệ thống mạng lưới rộng, dễ tiếp cận người có nhu cầu gửi. Cùng với đó là việc các nhà băng này đều đã xây dựng được uy tín, chất lượng dịch vụ tạo niềm tin với khách hàng.
Đối với kỳ hạn 6-12 tháng, TPBank đang là ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất, lên tới 8%/năm ở kỳ hạn 12 tháng. Xếp sau là VIB với mức lãi suất 7,9%/năm, nhưng ở kỳ hạn 6 tháng mức lãi suất lại chỉ là 6,3%. Vì vậy, nếu xác định gửi tiền tiết kiệm tại VIB, kỳ hạn 12 tháng sẽ là lựa chọn mang lại nhiều lợi nhuận nhất cho người gửi tiền.
Là ngân hàng nhỏ, NCB hiện cũng niêm yết mức lãi suất tiền gửi 6-12 tháng lên tới 7,2-7,8%/năm, cao hơn nhiều so với mặt bằng chung. Một số ngân hàng cũng niêm yết lãi suất tiền gửi kỳ hạn này trên 7% mỗi năm là BacABank, Baovietbank, SCB… đều quanh ngưỡng 7,6-7,8%/năm.
Đặc biệt, hầu hết ngân hàng hiện nay đều đưa ra mức lãi suất rất cao cho các khoản tiền gửi có kỳ hạn trên 12 tháng. Điều này cũng cho thấy nhu cầu vốn của các ngân hàng thương mại chủ yếu tập trung ở các khoản tiền gửi dài hạn, nhằm bù đắp tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay dài hạn của hệ thống đang ở mức tương đối cao.
Lãi suất huy động tại một số ngân hàng hiện nay. Nguồn: NHTM. |
Ngoài Bản Việt đưa ra mức lãi suất huy động lên tới 8,6%/năm với kỳ hạn 24 tháng, NamABank cũng đang đưa ra mức lãi suất huy động lên tới 8,3%/năm với các khoản tiền gửi kỳ hạn 13 tháng. Tuy nhiên, để hưởng lãi suất này, khách hàng phải đáp ứng yêu cầu gửi với lượng tiền trên 500 tỷ đồng. Nếu dưới 500 tỷ, mức lãi áp dụng sẽ là lãi suất kỳ hạn 12 tháng ở mức 7,2%/năm.
SeABank cũng đang đưa ra mức lãi suất lên tới 8,2% với các khoản tiền gửi kỳ hạn 14 tháng.
Nhóm Baovietbank, Eximbank, hay PVcombank hiện cũng có mức lãi suất tiền gửi đối với các kỳ hạn dài xấp xỉ 8%/năm, cao hơn rất nhiều so với mức lãi suất huy động hồi đầu năm.
Tác giả: Quang Thắng
Nguồn tin: zing.vn