Giáo dục

Ký túc xá sinh viên 800 tỷ đồng xây dựng 7 năm chưa xong

Dự án khu ký túc xá sinh viên tập trung tỉnh Ninh Bình khởi công xây dựng năm 2009, nhằm đáp ứng chỗ ở cho hơn 7.600 sinh viên trong tỉnh. Sau 7 năm xây dựng, công trình trên 800 tỷ đồng này vẫn chưa hoàn thành, hiện đang bỏ hoang.

Ký túc xá tiền tỷ bỏ hoang

Dự án khu ký túc xá (KTX) sinh viên tập trung được UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt tại quyết định số 1015/QĐ-UBND ngày 4/9/2009 với quy mô: Diện tích khu đất 11,29 ha; tổng diện tích sàn 66,448 m2; đáp ứng chỗ ở cho 7.680 sinh viên của 3 trường gồm: Đại học Hoa Lư, Cao đẳng Y tế Ninh Bình và Cao đẳng nghề Lilama.

Tổng mức đầu tư công trình là 835,146 tỷ đồng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Theo báo cáo của Sở Xây dựng Ninh Bình (chủ đầu tư dự án), đến cuối năm 2013 mới thi công xây lắp cơ bản xong phần thô của 4 tòa nhà 5 tầng (A,B,C,D); hoàn thiện trát xong ngoài cơ bản 2 tòa nhà A, D và 2/3 nhà B. Giá trị khối lượng hoàn thành khoảng 585 tỷ đồng.

Dự án khu KTX sinh viên tập trung Ninh Bình xây dựng từ năm 2009 đến nay chưa hoàn thành, hiện đang bỏ hoang.


Từ năm 2009 đến năm 2013, chủ đầu tư được giải ngân 290 tỷ đồng, giá trị nợ đọng khối lượng hoàn thành khoảng 120 tỷ đồng. Đến hết năm 2013, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ dừng không được cấp tiếp. Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của UBND tỉnh khống chế nợ đọng trong xây dựng cơ bản, dự án tạm dừng thi công từ năm 2014 đến nay.

Ghi nhận của Dân trí, dự án khu KTX sinh viên trên 800 tỷ đồng này được xây dựng trên diện tích đất “bờ xôi ruộng mật” của hàng trăm hộ dân xã Ninh Nhất, thành phố Ninh Bình. Khi dự án triển khai, người dân địa phương rất phấn khởi, hy vọng khu KTX khi hoàn thành sẽ góp phần thay đổi bộ mặt địa phương. Tuy nhiên, sau nhiều năm vẫn thấy dự án ì ạch, xây dựng với tốc độ "rùa bò" khiến nhiều người thở dài ngao ngán.

Một người dân cho biết, hàng chục ha đất nông nghiệp của bà con nông dân đã phải nhường lại cho dự án với giá đền bù rẻ mạt. Tất cả vì lợi ích chung, vì sự phát triển địa phương, thay đổi bộ mặt đô thị nên người dân ai cũng chấp thuận. “Ký túc xá xây dựng gần xong rồi bỏ hoang, người dân chúng tôi vừa xót xa vì không có đất sản xuất, vừa tiếc cho số tiền hàng trăm tỷ đồng của nhà nước đầu tư vào dự án rồi để phơi mưa phơi nắng nhiều năm nay”, người dân này nói.



Từ năm 2014 đến nay, công trình 800 tỷ đồng này dừng thi công, để mặc nắng mưa hủy hoại.


Do bỏ hoang nhiều năm nên hiện nay cỏ, cây dại mọc vây kín khu KTX sinh viên trăm tỷ này. Tại 4 tòa nhà 5 tầng đang được xây dựng, nhìn từ ngoài vào ai cũng trầm trồ khen ngợi khu nhà ở sinh viên hiện đại bậc nhất tỉnh Ninh Bình. Tuy nhiên, khi đến gần ai cũng phải lắc đầu ngao ngán, vì để tìm được đường vào khu KTX này rất khó khăn, hướng đi nào cũng bị cỏ dại mọc kín. Thậm chí, nhiều phòng dù đã được trát tường nhưng cỏ cây vẫn mọc um tùm. Nơi đâu cũng còn ngổn ngang đất đá, vật liệu xây dựng…

Bên ngoài khuôn viên của khu KTX chẳng khác gì một bãi đất hoang vu rộng lớn, nơi đâu cũng thấy cỏ cây dại mọc um tùm. Nhiều người dân xã Ninh Tiến, thành phố Ninh Bình sống gần đây, thấy diện tích đất bỏ hoang nhiều năm thì tiếc rẻ nên đã ra khai hoang trồng rau và hoa màu. “Gần 10 năm rồi mà công trình vẫn chưa hoàn thành, không biết đến bao giờ mới đi vào sử dụng được, bỏ hoang thế thật lãng phí quá”, một người dân xã Ninh Tiến nói.

Loay hoay tìm giải pháp

Trước tình hình không được cấp thêm nguồn vốn để tiếp tục triển khai dự án, năm 2013 UBND tỉnh Ninh Bình đã báo cáo Bộ Xây dựng và Chính phủ về dự án. Căn cứ tình hình thực tiễn nguồn vốn được cấp, số lượng sinh viên có nhu cầu lưu trú khoảng 2.000 người và khả năng cân đối nguồn vốn của địa phương, UBND tỉnh Ninh Bình đã quyết định tách dự án khu KTX sinh viên tập trung thành 3 dự án khác nhau gồm: Dự án ku KTX sinh viên tập trung Ninh Bình; Dự án Nhà ở xã hội (cho các hộ gia đình nghèo, gia đình chính sách và cho người có thu nhập thấp) và Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất cho diện tích đất còn lại 6,79 ha trong tổng số 11,29 ha.

Xung quanh tòa nhà, cỏ dại mọc khắp nơi, biến công trình tiền tỷ này thành những ngôi nhà hoang


Mới đây, Sở Xây dựng Ninh Bình đã tổ chức khảo sát đánh giá lại nhu cầu chỗ ở của sinh viên. Kết quả sơ bộ: Trường ĐH Hoa Lư có tổng số 2.500 sinh viên, hiện có KTX đáp ứng 800 chỗ ở cho sinh viên nhưng chỉ có 400 sinh viên ở trong KTX, còn lại thừa 400 chỗ ở; Trường CĐ Y tế Ninh Bình có 900 sinh viên nhưng chỉ có 250 sinh viên có nhu cầu ở trong KTX; Trường CĐ Nghề Lilama có 500 sinh viên nhưng cũng chỉ có chỉ có khoảng 200 sinh viên có nhu cầu về chỗ ở trong KTX.

Sở Xây dựng Ninh Bình đề xuất phương án, giải pháp xử lý dự án Khu KTX sinh viên tập trung thành 4 dự án gồm: Dự án 1 – Xây dựng khu KTX sinh viên và nhà ở xã hội ( Dự án này sẽ sử dụng 1 khối nhà 5 tầng nhà C phía Nam khu KTX sinh viên hoàn thiện, cùng với hạ tầng kỹ thuật làm khu KTX sinh viên và nhà ở xã hội); Dự án 2 – Chuyển 2 khối nhà 5 tầng A và D của dự án khu KTX sinh viên thành dự án xây dựng bệnh viện Ung Bướu tỉnh; Dự án 3 – Xây dựng bệnh viện Điều dưỡng phục hồi chức năng tỉnh Ninh Bình (Sử dụng 1 khối nhà 5 tầng, nhà B).

Dự án 4 – Xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất cho khoảng 5,5 ha còn lại thuộc khu đất xây dựng khu KTX sinh viên tập chung tỉnh Ninh Bình; sau khi trừ đi chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng ước thu được 180 tỷ đồng để thanh toán một phần giá trị nợ khối lượng xây lắp hoàn thành của dự án khu KTX sinh viên tập trung cũ, còn lại đầu tư cho dự án bệnh viện Ung bướu và bệnh viện Điều dưỡng phục hồi chức năng tỉnh.

Người dân thấy đất dự án bỏ hoang thì tiếc, nên ra khai hoang canh tác rau và hoa màu kiếm thêm thu nhập.


Ông Đinh Hồng Khanh, Giám đốc Sở Xây dựng Ninh Bình cho hay, trong cuộc họp bàn biện pháp, phương án xử lý dự án khu KTX sinh viên tập trung theo văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Ninh Bình, đại diện các Sở như Kế hoạch và Đầu Tư, TN-MT, Tài Chính, Y tế; Các trường ĐH Hoa Lư, CĐ Y tế, CĐ Nghề Lilama đều nhất trí với phương án, giải pháp tác Dự án khu KTX sinh viên thành 4 dự án (như đã nêu trên). Sở Xây dựng Ninh Bình đang chờ ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh để có căn cứ thực hiện mới tiếp tục triển khai tiếp dự án.

Tác giả bài viết: Thái Bá

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok