Tác giả "Gia Định thành thông chí"
Trịnh Hoài Đức (1765 - 1825) còn có tên là An, tên tự Chí Sơn, tên hiệu Cấn Trai; tổ tiên là người tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc). Thân sinh ông là Trịnh Khánh, người Trung Quốc lấy vợ Việt Nam. Mồ côi cha từ khi 10 tuổi, ông theo mẹ đến vùng Phiên Trấn (vùng Gia Định) lập nghiệp.
Ông theo học với thầy Võ Tường Toản, một nhà nho, nhà mô phạm nổi tiếng thời bấy giờ. Cùng học với ông còn có Lê Quang Định, Ngô Nhơn Tịnh.
Năm 1788, Nguyễn Ánh (Gia Long sau này) mở khoa thi ở Gia Định, cả ba ông ra ứng thí đều đỗ đạt. Sau này thành danh, ba người được mệnh danh là Gia Định Tam gia.
Khu lăng mộ Trịnh Hoài Đức |
Ông lần lượt được bổ nhậm nhiều chức vụ quan trọng. Ông từng làm Thượng thư bộ Hộ rồi Hiệp tổng trấn Gia Định. Quan lộ hanh thông, ông tiếp tục được thăng Thượng thư bộ Lễ, bộ Lại ...
Năm 1820, Gia Long mất, Minh Mạng lên thay, ông được triệu về kinh làm Phó Tổng tài Quốc sử quán, rồi thăng Hiệp biện Đại học sĩ, lãnh Thượng thư Lại bộ, kiêm Thượng thư Binh bộ.
Ông là tác giả "Gia định thành thông chí", một tác phẩm có giá trị lớn về địa lý và lịch sử vùng đất Gia Định - Đồng Nai. Từ trước đến nay, nhiều nhà sử học khi khảo cứu về Nam bộ không thể không tham khảo cuốn sách này.
Ngôi mộ song táng hình voi phục của danh nhân Trịnh Hoài Đức và phu nhân. |
"Gia Định thành thông" chí gồm 6 quyển, viết bằng chữ Hán, hoàn thành trong đời Gia Long. Năm 1820, khi vua Minh Mạng xuống chiếu cầu sách cũ, ông đã đem dâng lên.
Nội dung bộ sách ghi chép khá đầy đủ về núi sông, cửa biển, phong tục, sản vật, con người ở Gia Định (Nam Bộ ngày nay). Đây là một công trình được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá cao, đã được dịch ra tiếng Pháp từ cuối thế kỷ 19.
Ngoài ra ông còn rất nhiều tác phẩm bao gồm: Cấn Trai thi tập, Bắc sứ thi tập, Gia Định tam gia thi tập, Đi sứ cảm tác. Thơ Trịnh Hoài Đức được viết theo thể thất ngôn bát cú. Thơ của ông thường ghi lại những nét sinh hoạt độc đáo của người dân.
Ông mất năm 1825, hưởng thọ 60 tuổi. Theo di nguyện, ông được vua Minh Mạng cho đưa linh cữu về Gia Định. Tổng Trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt thân hành phúng viếng rồi hộ linh cữu ông về chôn cất nơi quê mẹ là làng Bình Trước - ngày nay là khu phố 3, phường Trung Dũng.
Khu vực này trở thành quần thể mộ táng dòng họ Trịnh vì ngoài lăng mộ Trịnh Hoài Đức và chánh thất họ Lê ra, nơi đây còn 11 ngôi mộ của thân tộc ông. Ngày 27/12/1990, toàn bộ khu di tích lăng mộ cổ này đã được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Kiến trúc cũng như sự bài trí của 11 ngôi mộ dòng họ Trịnh cũng được xây dựng bằng vật liệu hợp chất đá ong có dáng hình voi phục. Hiện nay, các ngôi mộ này nằm rải rác trên khu đất khoảng 2 hecta xen lẫn với nhà dân và ven các con đường hẻm nhỏ.
Quần thể lăng mộ nguy cơ xóa sổ
Tại khu phố 3, phường Trung Dũng, lăng mộ Trịnh Hoài Đức nằm trong con hẻm hẹp và sâu giữa khu dân cư đông đúc. Mộ nằm trên khu đất rộng 140 m2.
Lăng mộ của ông được xây cao hơn mặt bằng xung quanh khoảng 1m, bằng đá ong tô hợp chất. Mộ thuộc loại hình song táng với kích thước 10,2mx13,3m.
Hai ngôi mộ đã xuống cấp, được cho là của con và dâu Trịnh Hoài Đức nằm bên ngoài nhìn ra công viên Biên Hùng. |
Lối kiến trúc của ngôi mộ cũng giống như bao ngôi mộ cổ khác, gồm bình phong tiền rồi đến sân tế và cửa mộ. Phía sau cửa mộ là am thờ và nấm mồ hình voi phục của ông bà Trịnh Hoài Đức.
Theo phong tục, ông nằm bên trái và bà bên phải. Trước mỗi ngôi mộ đều có một tấm bia. Trên bia ghi rõ quốc hiệu, tên họ và chức tước người trong mộ và sau cùng là tên tuổi người lập mộ.
Bia của bà chỉ ghi quốc hiệu và dòng chữ mộ của phu nhân Hiệp biện Đại học sĩ Trịnh công, chánh thất họ Lê. Sau mộ là bình phong hậu gần kề với vòng rào kết thúc khu lăng mộ.
Theo lời người dân ở đây, năm 1998, nhân kỷ niệm 300 năm Biên Hòa - Đồng Nai hình thành và phát triển, mộ danh nhân Trịnh Hoài Đức được UBND tỉnh Đồng Nai cho trùng tu, tôn tạo với cảnh quan khang trang, có tường rào xây quanh bảo vệ kiên cố.
Người dân chứa bàn ghế và nhiều vật dụng hư cũ trong khu lăng mộ. |
Gần 20 năm trôi qua, ngôi mộ vẫn cửa đóng then cài. Người muốn viếng phải liên hệ với ông Nguyễn Đức Thùy, người được giao nhiệm vụ trông coi và bảo vệ khu lăng mộ Trịnh Hoài Đức, để mượn chìa khóa vào trong.
Bên trong, hầu hết đều rêu phong và ẩm mốc nhưng chưa xuất hiện hiện tượng hư hỏng xuống cấp. Điều này có thể hiểu được nhờ vào sự chăm sóc thường xuyên của người có trách nhiệm.
Ông Thùy cho biết: "Ngoài mộ Trịnh Hoài Đức, hiện có 4 mộ có thể thấy được. Số còn lại nằm lọt thỏm trong nhà dân rất khó tiếp cận". Theo sự chỉ dẫn của ông, chúng tôi đến ngôi mộ đôi nằm theo hướng nhìn ra công viên Biên Hùng.
Hai ngôi mộ này đã xuống cấp, tường rào bảo vệ có nơi đã đổ nát. Cỏ và cây dại mọc tên từ các vết nứt đang de dọa đến đến sự tồn vong của ngôi mộ. Ngoài ra, chung quanh mộ bàn ghế, tủ cũ, quần áo cũ, rác rến tập kết thành đống tại nơi đây… Hai ngôi mộ này đã được các nhà nghiên cứu khảo cổ cho rằng đó là mộ con trai và con dâu của Trịnh Hoài Đức.
Đối diện với lăng mộ Trịnh Hoài Đức, một ngôi mộ cổ khác đã được rào kín. Chúng tôi phải đứng lên chỗ cao mới có thể chụp ảnh được. Nhìn vào bên trong, mộ đang có hiện tượng xuống cấp với nhiều vết nứt, vết vỡ xuất hiện. Cỏ đang có khả năng bao trùm cả ngôi mộ.
Cách đó không xa, ngay lối vào, một ngôi mộ chỏng chơ. Mộ không còn bia và theo lời bà con ở gần cho biết trước đây mặt đường cao hơn nhưng do nước mưa xói mòn đã khiến cho chân mộ bị lộ ra...
Quần thể lăng mộ Trịnh Hoài Đức và gia tộc đều được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Thế nhưng chỉ mới phần lăng mộ Trịnh Hoài Đức được trùng tu, 11 ngôi mộ còn lại ngày càng đi vào quên lãng và có nguy cơ xóa sổ...
Được biết từ năm 2006, trong đề án quy hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của TP. Biên Hòa, khu lăng mộ Trịnh Hoài Đức và dòng họ Trịnh đã có kế hoạch khảo sát thiết kế bảo tồn, tôn tạo khu mộ. Dự án quy hoạch khu di tích này thành công viên văn hóa lưu niệm danh nhân Trịnh Hoài Đức kèm theo các công trình văn hóa như: cổng tam quan, nhà bia, sân lễ, điện thờ. Sau khi hoàn thành, dự án này sẽ kết nối giữa lăng mộ Trịnh Hoài Đức và dòng họ Trịnh cùng với công viên Biên Hùng tạo nên khoảng không gian du lịch tâm linh, nghiên cứu tìm hiểu lịch sử, kết hợp điểm vui chơi vãn cảnh. Đây sẽ là điểm đến lý thú cho nhân dân và du khách, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên, cho đến nay dự án đó vẫn đang đợi kinh phí để thực hiện. (Theo Văn hiến Việt Nam) |
Tác giả: Trần Chánh Nghĩa
Nguồn tin: Báo VietNamNet