Trong nước

Kỳ bí chuyện cọp trắng khổng lồ tốt bụng khiến cả làng thờ phụng ở Phú Yên

Ông Cọp Bạch lao nhanh xuống chân núi, chạy thẳng vào xóm Đồng Đò xé toạc vách nứa ngôi nhà nhỏ, vồ lấy bà mụ thường đỡ đẻ cho sản phụ trong làng.

Bên con đường thiên lý ở km 1282+700 qua địa phận khu phố Bình Thạnh, phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên có một di tích được người dân địa phương gọi là miếu Ông Cọp. Theo một số cứ liệu nghiên cứu di sản văn hóa dân gian, ngôi miếu này đã tồn tại hơn 400 năm nay gắn liền với nhiều truyền thuyết.

Trong nắng sớm tháng bảy, tôi đến miếu Ông Cọp khi những cơn gió nồm mát rượi lùa về từ phía tả ngạn dòng sông Bình Ba - nơi duy nhất ở Phú Yên còn sót lại chiếc cầu gỗ chông chênh dài gần nửa cây số do tư nhân đầu tư hơn 15 năm về trước, nối liền xã An Ninh Tây, huyện Tuy An với phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu.

Sau một hồi cẩn trọng dò hỏi, đến khi biết tôi là nhà báo, anh Trần Văn Tủy, 46 tuổi, chủ nhân quán cà phê bình dân bên đường lộ và cũng là người đang nối tiếp các bậc tiền nhân trông coi miếu Ông Cọp hồ hởi dẫn tôi sang ngôi miếu tọa lạc trên thửa đất trũng thấp so với mặt đường thiên lý chừng hai thước.

Một trong hai tượng Ông Cọp bằng bê tông xi măng trước cửa miếu

Dù đã nhiều lần tu sửa chắp vá, nhưng miếu Ông Cọp nằm khuất trong vườn cây bên vách núi Mỹ Dự vẫn còn đậm nét hoang sơ. Một pho tượng Ông Cọp bằng đá trắng đặt trên tấm bia phía trước miếu, hai Ông Cọp khác được đúc bằng xi măng trên hai trụ bê tông đều trong tư thế dũng mãnh chồm mình vươn lên phía trước.

Đỉnh mái miếu là hai con rồng chầu trời, bên trong miếu được tu sửa lại từ năm 1990 có bàn thờ chính ở giữa và bàn thờ phụ hai bên. Bên phải miếu gần hai mét là hai tượng ông Cọp nằm bên vách đá, một tượng bê tông lâu đời phủ kín rêu phong, một tượng bằng đá granit mới đặt hơn chục năm. Trông ngôi miếu rất đơn giản nhưng chứa đựng nhiều yếu tố truyền thuyết dân gian và đậm chất nhân văn.

Đi tìm truyền thuyết miếu Ông Cọp, tôi đã tiếp xúc hai lão làng Nguyễn Thu, Trần Xuân Xanh - trú ở xóm Đồng Đò, khu phố Bình Thạnh, phường Xuân Đài.

Ngồi bên bãi cát nhìn ra phía biển, lão ngư Nguyễn Thu kể lại bằng phong thái nhẹ nhàng: "Từ thời xa xưa, nơi đây là làng chài hoang sơ, bên kia đường lộ dãy núi Mỹ Dự trải dải từ xã An Dân, huyện Tuy An đến phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu ngày nay. Con đường thiên lý qua đây là dốc Vườn Xoài, phía Nam con dốc xưa kia có đặc sản nổi tiếng gắn liền câu ca "Xoài Đá Trắng, sắn Phường Lụa". Người dân trong vùng thường gọi là "xoài tiến Cung" hay "xoài Ngự", vì trái cây này dùng để tiến vua Gia Long, Minh Mạng trong dịp Tết Đoan Ngọ mỗi năm".

Anh Trần Văn Tủy – người trông coi miếu Ông Cọp đứng bên gian thờ giữa miếu

Nghe ông nói, tôi chợt nhớ 20 cây xoài Ngự 220 năm tuổi còn trong khuôn viên chùa Từ Quang ở thôn Cần Lương, xã An Dân, huyện Tuy An đã được Hội đồng cây di sản thuộc Hội Bảo vệ thiên nhiên - môi trường Việt Nam công nhận là cụm cây di sản Việt Nam.

Theo hai lão làng Nguyễn Thu, Trần Xuân Xanh, tương truyền thời xưa - khi mà người và một số loài vật có thể nghe được, hiểu được tiếng nói của nhau, trên núi Mỹ Dự thường xuất hiện những đàn cọp, trong đó có ông Cọp Bạch.

Một buổi chiều tà, sóng biển nổi cơn giận dữ, những cơn gió ầm ào dội vào vách núi đánh thức cây rừng xào xạc, bà Cọp chuyển dạ nhưng không sinh được, ông Cọp Bạch lao nhanh xuống chân núi, chạy thẳng vào xóm Đồng Đò xé toạc vách nứa ngôi nhà nhỏ, vồ lấy bà mụ thường đỡ đẻ cho sản phụ trong làng.

Nghe động, nhiều người dân chạy tới nhìn thấy ông Cọp nhưng không dám ngăn cản, mà chỉ biết quỳ lạy, thắp hương van vái xin buông tha người phụ nữ nọ, nhưng ông Cọp lặng lẽ đưa bà mụ lên núi. Mặc dù hoảng sợ, nhưng khi nhìn thấy bà Cọp đau cơn chuyển dạ, bà mụ bước tới dùng thủ thuật đỡ đẻ. Chừng 20 phút sau bà Cọp sinh con, ông Cọp Bạch đưa bà mụ xuống núi trở về nhà trước sự ngạc nhiên của dân làng.

Tượng Ông Cọp lâu đời nhất bằng bê tông xi măng đã phủ kín rêu phong.

Ba đêm sau, ông Cọp Bạch mang xuống sân nhà bà mụ một con lợn rừng để tạ ơn. Một thời gian sau bà mụ rời xóm Đồng Đò xuống làng biển Phú Hạnh nằm dưới chân núi Hòn Bù, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An để lập nghiệp. Nơi ấy bây giờ là điểm đến của du khách trong và ngoài nước thưởng ngoạn di tích danh thắng quốc gia gành Đá Đĩa "độc nhất, vô nhị".

Sau khi bà mụ qua đời, những ngày cuối chạp mỗi năm, người dân xóm Đồng Đò nhìn thấy dấu chân ông Cọp Bạch từ hướng núi Mỹ Dự vượt qua sông Bình Bá hướng ra cửa biển Tiên Châu, rồi xuống Hòn Bù để viếng mộ bà mụ.

Cũng từ đó, ông Cọp Bạch xuống nằm dưới chân núi Mỹ Dự với dáng vẻ trầm buồn, ít lâu sau thì chết. Tưởng nhớ ông Cọp Bạch hiền lành, biết quý trọng ân nhân cứu giúp bà Cọp sinh con, người dân xóm Đồng Đò thời xưa rủ nhau lên núi đào đá, xếp thành miếu ông Cọp để tôn thờ.

Tiếp lời ông Nguyễn Thu, lão ngư Trần Xuân Xanh cho biết: một truyền thuyết khác kể rằng, ngày xưa ở xóm Đồng Đò có vợ chồng lão ngư giàu có, nhưng hiếm muộn con cái. Đến tuổi trung niên, người vợ sinh được con trai nên họ rất mừng. Khát vọng an lành đến với quý tử nên vợ chồng lão ngư đặt tên cho người con là An.

Ngặt một nỗi, vị pháp sư nổi tiếng trong làng phán rằng đứa con của họ sinh nhằm giờ kiết hung, sớm muộn cũng chết vì cọp vồ. Thương con, lão ngư tầm sư cho con học võ, phòng khi gặp cọp ở chốn sơn lâm. Nhờ sáng dạ và nhanh nhạy, chàng trai tên An không chỉ tinh thông quyền thế người thầy truyền dạy, mà còn biến tạo nhiều thế võ hiểm hóc khác.

Trong một lần đi qua núi Mỹ Dự, anh An bị đàn cọp dữ chặn đường, nhưng chàng trai đó đã tung ra những thế võ hạ gục ông Cọp Vằn hung dữ nhất. Hôm sau ông Cọp Bạch rời núi Mỹ Dự xuống xóm Đồng Đò tìm gặp anh An để nhờ dạy võ cho đàn cọp con với lời hứa không bao giờ để đồng loại gây hại dân làng.

Để bày tỏ lòng cảm ơn, ông Cọp Bạch đưa hai chi trước ra nắm tay anh An, không may móng vuốt cào xước bàn tay nên vài ngày sau vết thương làm độc cướp mất sinh mệnh anh An. Vợ chồng lão ngư đưa người con tài ba nhưng xấu số lên phía chân núi Mỹ Dự để chôn cất và xây mộ.

Biết chuyện, ông Cọp Bạch lặng lẽ xuống nằm gần ngôi mộ anh An nhiều ngày đêm rồi chết. Cũng từ đó dân làng lập miếu Ông Cọp. Dường như để chứng minh tình tiết đậm màu sắc huyền thoại trong câu chuyện về miếu Ông Cọp, hai lão làng đã dẫn tôi lên triền núi chỉ dấu tích ngôi mộ anh An còn sót lại bức tường đá rêu phong nằm lẩn khuất sau những bụi cây dại. Cũng theo lão ngư Nguyễn Thu cho biết, trước khi miếu Ông Cọp hình thành, ở xóm Đồng Đò có miếu Văn và miếu Võ. Miếu Văn sau đó di dời về xã An Thạch, huyện Tuy An ngày nay, còn miếu Võ được đưa về nhập chung với miếu Ông Cọp.

Từ bao đời nay, nhiều thế hệ lần lượt trông coi và cúng tế miếu Ông Cọp vào những ngày rằm, mùng một và đặc biệt là hai lễ cúng lớn vào dịp tiết thanh minh tháng 3 với lễ vật đồ chay vào tiết lập thu tháng 8 với lễ vật heo, gà.

Lão làng đứng ra tế lễ, rồi cùng bà con mang chiếc thuyền ghép bằng bẹ chuối thả xuống dòng sông Bình Bá để tống tiễn những điều xấu và cầu mong phúc đức, tốt lành cho cư dân trong xóm. Rất nhiều người dân ở phường Xuân Đài cho rằng miếu Ông Cọp rất linh hiển.

Ông Trần Văn Danh - một ngư dân địa phương kể: "Sau hai vụ nuôi tôm thất bại, nhân lúc dự lễ cúng miếu Ông Cọp trong tiết thanh minh, tui thắp hương cầu khấn xin được phù hộ, độ trì. Cuối năm đó, tui trúng đậm tôm hùm trong khi nhiều người cùng làng thất bại. Theo lời khấn hứa, tui đặt thợ điêu khắc tạo tạc Ông Cọp bằng đá grannit để đặt bên vách đá bên phải ngôi miếu".

Không riêng ở Phú Yên mà tại các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Quảng Nam... cũng có miếu Ông Cọp, đình Ông Hổ gắn liền với nhiều truyền thuyết. Miếu Ông Cọp bên chân núi Mỹ Dự ở Phú Yên được cư dân địa phương trân trọng ghi nhận là nơi tôn thờ đạo nghĩa, bày tỏ ước vọng hướng tới cuộc sống an lành, hạnh phúc... Mai kia mốt nọ, du khách xuôi Nam ngược Bắc trên đường thiên lý, có dịp dừng lại Phú Yên để hiểu thêm về huyền tích miếu Ông Cọp còn mãi lưu truyền trong dân gian địa phương.

Tác giả bài viết: Phan Văn Lương

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok