Nhiều chỉ số bứt phá
Đại dịch COVID-19 trong nước đã được kiểm soát, hoạt động kinh tế, xã hội đã ổn định trở lại. Song, giá xăng dầu, nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao đã tác động bất lợi đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, với nỗ lực của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân, kinh tế - hội của tỉnh Thanh Hóa đã có những phục hồi mạnh mẽ và đạt kết quả ấn tượng sau đại dịch.
Theo đó, 6 tháng đầu năm 2022, kinh tế Thanh Hóa tăng trưởng cao, tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 13,41%, đứng thứ 3 cả nước. Các lĩnh vực kinh tế tiếp tục có bước phát triển; trong nông nghiệp, sản xuất ổn định, không để xảy ra dịch bệnh lớn trên cây trồng, vật nuôi; trong công nghiệp, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 18,07%, có 23/26 sản phẩm công nghiệp tăng so với cùng kỳ; trong ngành dịch vụ, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng 17,5%, giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng 11,5%.
Một số dự án lớn đã được khởi công tại Thanh Hóa, trong đó có Sun Beauty Onsen của Sun group. |
Tổng lượng khách du lịch 6 tháng đầu năm đạt 6.820 nghìn lượt, bằng 68,2% kế hoạch, gấp 2,31 lần so với cùng kỳ, trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt 44,6 nghìn lượt khách, gấp 2,2 lần; tổng thu du lịch ước đạt 11.557 tỷ đồng, bằng 64,5% KH, gấp 2,6 lần. Tổng thu Ngân sách nhà nước trên địa bàn 6 tháng đầu năm ước đạt 26.334 tỷ đồng, bằng 93,6% dự toán và tăng 63% so với cùng kỳ; thành lập mới doanh nghiệp tăng 42,3%. Đã hoàn thành đi vào hoạt động và khởi công một số dự án lớn, gồm: Khu Resort Sao Mai tại xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân (TMĐT 1.400 ty đồng); Quần thể nghỉ dưỡng khoáng nóng Sun Beauty Onsen Thanh Hóa tại xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương (TMĐT 7.000 tỷ đồng); Nhà máy sản xuất lốp ô tô Radial giai đoạn 1 tại Khu B, Khu công nghiệp Bỉm Sơn (TMĐT 60 triệu USD);....
Huy động vốn đầu tư phát triển ước đạt 69.056 tỷ đồng, bằng 47,6% kế hoạch. Trong 6 tháng đầu năm, đã thu hút được 45 dự án đầu tư trực tiếp (trong đó có 4 dự án FDI), tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 10.733 tỷ đồng và 41 triệu USD; có 05 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng số vốn tăng là 17,2 triệu USD.
Đến tháng 2022, có 1.663 doanh nghiệp mới được thành lập, bằng 55,4% kế hoạch, tăng 42,3% so với cùng kỳ, đứng thứ 6 cả nước về số doanh nghiệp thành lập mới; tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 17.863 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ. Có 830 doanh nghiệp đăng ký quay trở lại hoạt động, tăng 42,4% so với cùng kỳ.
Còn nhiều thách thức
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của tỉnh Thanh Hóa vẫn còn nhiều thách thức. Dịch bệnh kéo dài đã ảnh hưởng đến việc thực hiện chỉ tiêu chuyên môn, thực hiện cơ chế tự chủ và cân đối nguồn lực tài chính của các đơn vị y tế. Giá đầu vào vật tư nông nghiệp, thuốc thú y tăng cao so với đầu năm, giá xăng dầu tăng đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong ngành nông nghiệp và khai thác hải sản. Sản lượng một số sản phẩm công nghiệp đạt thấp so với cùng kỳ.
Một số dự án công nghiệp quy mô lớn chậm tiến độ từ những năm trước nhưng chưa được khắc phục. Các dự án đầu tư xây dựng đang triển khai gặp khó khăn do giá cả vật liệu xây dựng có xu hướng tăng. Thị trường bất động sản còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, hiện tượng “sốt ảo” giá bất động sản còn xảy ra tại một số địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn khẳng định, những kết quả 6 tháng mới chỉ là bước đầu, nên không được thỏa mãn, chủ quan, cần phải thẳng thắn nhìn nhận, chỉ rõ những hạn chế, tháo gỡ những vướng mắc, điểm nghẽn để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao.
Ông Tuấn cũng nêu lên những giải pháp trong việc điều hành của UBND tỉnh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; khắc phục tình trạng một số cán bộ, công chức đang e dè, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ trong lĩnh vực y tế.
Tác giả: Lương Diễn
Nguồn tin: antt.nguoiduatin.vn