Trạm thu phí Bỉm Sơn bỏ hoang từ nhiều năm nay. |
Thêm “biển báo”
Theo thông tin của phóng viên Báo Đầu tư, Bộ Tài chính vừa có Công văn số 5924/BTC-ĐT gửi Văn phòng Chính phủ tham gia ý kiến về giải pháp xử lý bất cập tại trạm thu phí Bỉm Sơn hoàn vốn cho đường vành đai phía Tây TP. Thanh Hóa đoạn Km0-Km6 thuộc Dự án BOT Xây dựng Quốc lộ 1, đoạn tránh TP. Thanh Hóa.
Cùng với ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây chính là ý kiến có tác động rất lớn đối với đề xuất mới đây của Bộ GTVT về việc xử lý dứt điểm trạm thu phí Bỉm Sơn - một trong những dự án BOT tồn tại nhiều bất cập nhất trên tuyến Quốc lộ 1 xuyên Việt.
Tại Công văn số 5924, Bộ Tài chính cho biết, liên quan đến các vướng mắc về doanh thu của các dự án BOT giao thông, từ năm 2020 đến nay, bộ này đã có 2 văn bản nêu rõ quan điểm xử lý.
Cụ thể, việc xử lý vướng mắc của các dự án BOT phải tuân thủ theo quy định tại hợp đồng BOT đã ký kết theo đúng quy định của pháp luật; Bộ GTVT (cơ quan có thẩm quyền) sẽ chịu trách nhiệm xử lý các vướng mắc trong hợp đồng dự án BOT theo đúng quy định của pháp luật và quy định tại hợp đồng dự án BOT đã ký.
Tại Thông báo số 158/TB-VPCP, ngày 26/5/2022, Phó thủ tướng Lê Văn Thành cơ bản thống nhất phương án đề xuất của Bộ GTVT để có thể giải quyết dứt điểm các vướng mắc, bất cập của các dự án/trạm thu phí BOT; bảo đảm quyền lợi, lợi ích các bên theo quy định hợp đồng đã ký và quy định pháp luật; khơi thông, thu hút nguồn lực xã hội phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Phó thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT khẩn trương rà soát các nội dung liên quan, đặc biệt là cơ sở pháp lý, các quy định pháp luật; làm rõ giải pháp tổ chức thực hiện để bảo đảm không gây thất thoát vốn nhà nước như ý kiến của Bộ Công an; hoàn thiện báo cáo trình Thường trực Chính phủ, Chính phủ xem xét trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV. Phó thủ tướng cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT nghiên cứu đề xuất nguồn vốn phù hợp, khả thi trong quá trình hoàn thiện báo cáo theo quy định của pháp luật. |
Vẫn theo quan điểm của Bộ Tài chính, Nhà nước có trách nhiệm xem xét, xử lý đối với doanh thu bị ảnh hưởng khách quan do nguyên nhân từ thay đổi chính sách của Nhà nước; đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp dự án BOT; song các giải pháp xử lý phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật.
“Trường hợp cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng vốn đầu tư công trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn của Bộ GTVT để hỗ trợ một phần doanh thu giảm của các dự án BOT (các dự án BOT tiếp tục thu phí) hoặc xóa bỏ trạm thu phí, phải tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư công, ngân sách nhà nước, đầu tư theo phương thức PPP”, văn bản của Bộ Tài chính do ông Tạ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính ký nêu rõ.
Liên quan đến kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương chấm dứt hơp đồng trước thời hạn đối với Hợp đồng BOT đầu tư bổ sung tuyến tránh phía Tây TP. Thanh Hóa đoạn Km0-Km6, Bộ Tài chính cho rằng, có cơ sở để thực hiện.
Tại Hợp đồng số 11/HĐ.BOT-BGTVT, ngày 20/10/2016 (Hợp đồng số 11) được ký bởi Tổng cục Đường bộ Việt Nam và nhà đầu tư (Liên danh Bitexco - Cienco1 - Vinawaco - Công ty TNHH Thiết bị xây dựng Hồng Hà - Công ty TNHH Xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng Bình Minh - Tổng công ty Công trình giao thông I Thanh Hóa) để triển khai hạng mục tuyến tránh phía Tây TP. Thanh Hóa thuộc Dự án BOT Xây dựng Quốc lộ 1, đoạn tránh TP. Thanh Hóa có quy định về chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và trách nhiệm của Nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án trong trường hợp chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.
Bên cạnh đó, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Điều 52) và Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Điều 81, Điều 82) cũng đã có quy định chi tiết về trình tự, thủ tục, chi phí xử lý khi chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.
Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT sớm triển khai thực hiện các chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Văn Thành tại Thông báo số 158/TB-VPCP, ngày 26/5/2022; thực hiện đúng các quy định tại Hợp đồng số 11 đã ký kết theo quy định của pháp luật.
Trường hợp Thủ tướng Chính phủ cho phép chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, Bộ Tài chính kiến nghị giao Bộ GTVT chịu trách nhiệm rà soát các nội dung liên quan đến chấm dứt hợp đồng trước thời hạn quy định tại Hợp đồng số 11 và quy định của pháp luật để xác định quyền lợi, trách nhiệm của các bên.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT sẽ phải chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác của các số liệu, giá trị Nhà nước phải thanh toán cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT; bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của Bộ GTVT để thanh toán khi chấm dứt hợp đồng BOT trước thời hạn.
“Việc sử dụng ngân sách nhà nước để thanh toán khi chấm dứt hợp đồng BOT trước thời hạn phải tuân thủ quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, đầu tư công, đối tác công tư và pháp luật có liên quan”, lãnh đạo Bộ Tài chính khuyến nghị.
Cân đối nguồn chi trả
Trước đó, vào cuối tháng 3/2022, Bộ GTVT đã có Công văn số 2884/BGTVT-ĐTCT kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương chấm dứt hợp đồng BOT trước thời hạn đối với hạng mục tuyến tránh phía Tây TP. Thanh Hóa, đoạn Km0-Km6; đồng thời, giao Bộ GTVT phối hợp với các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính cân đối nguồn vốn phù hợp để chi trả cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án trong giai đoạn 2021 - 2025.
Bộ GTVT đề xuất trình tự, thủ tục thanh toán vốn nhà nước cho nhà đầu tư sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư, các quy định pháp luật khác có liên quan.
Dự kiến, chi phí mà Nhà nước cần thanh toán cho nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án đối với hạng mục tuyến tránh phía Tây TP. Thanh Hóa, đoạn Km0-Km6 ước khoảng 920 tỷ đồng trên cơ sở cập nhật đến thời điểm năm 2022, bao gồm: chi phí đầu tư xây dựng, chi phí quản lý vận hành trong giai đoạn khai thác, lãi vay huy động vốn và lợi nhuận phần vốn chủ sở hữu theo quy định tại hợp đồng.
“Đề xuất này được Bộ GTVT cân nhắc rất kỹ trên cơ sở quy định của Hợp đồng dự án, các quy định của pháp luật, để khắc phục triệt để bất cập tại trạm thu phí Bỉm Sơn, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người sử dụng dịch vụ theo chỉ đạo của Chính phủ”, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.
Dự án BOT Xây dựng Quốc lộ 1, đoạn tránh TP. Thanh Hóa (tuyến tránh phía Đông) được triển khai từ tháng 4/2005, hoàn thành đưa vào thu phí từ tháng 1/2009, sử dụng trạm thu phí Bỉm Sơn để thu phí hoàn vốn.
Tháng 9/2014, UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản đề nghị bổ sung hạng mục đường vành đai phía Tây TP. Thanh Hóa, đoạn Km0-Km6 vào Dự án, cùng sử dụng trạm thu phí Bỉm Sơn để thu phí hoàn vốn và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Theo hợp đồng BOT ký bổ sung, cả 2 đoạn tuyến phía Đông và phía Tây của Dự án sẽ cùng sử dụng trạm thu phí Bỉm Sơn để hoàn vốn. Trên thực tế, tuyến tránh phía Tây đã được nhà đầu tư khởi công từ tháng 9/2016 và đã hoàn thành từ đầu tháng 1/2019.
Tuy nhiên, do trạm thu phí Bỉm Sơn trên Quốc lộ 1 nằm ngoài phạm vi đầu tư tuyến tránh phía Tây (cách tuyến tránh phía Tây khoảng 38 km), nên bất cập do đầu tư một nơi, thu phí một nơi, có thể gây phản ứng của người tham gia giao thông, gây mất an ninh trật tự. Chính vì vậy, mặc dù tuyến tránh phía Tây đã hoàn thành đưa vào khai thác từ tháng 1/2019, nhưng nhà đầu tư chưa được thu phí để hoàn vốn.
Ông Lê Đình Thọ cho biết, trong thời gian vừa qua, Bộ GTVT đã phối hợp với tỉnh Thanh Hóa và nhà đầu tư nghiên cứu vị trí phù hợp để di dời trạm thu phí Bỉm Sơn về tuyến tránh phía Tây để thu phí hoàn vốn. Tuy nhiên, do hiện tại lưu thông theo hướng Bắc - Nam qua khu vực TP. Thanh Hóa đã có tuyến tránh phía Đông quy mô 4 làn xe và tuyến Quốc lộ 1 qua trung tâm TP. Thanh Hóa, nếu tổ chức thu phí trên tuyến tránh phía Tây, thì các phương tiện sẽ lựa chọn lưu thông trên tuyến tránh phía Đông và Quốc lộ 1 để không phải mất phí.
Bên cạnh đó, trên tuyến tránh phía Tây chỉ tính trong phạm vi dự kiến đặt trạm thu phí có tới 16 vị trí giao cắt với các đường ngang, các phương tiện có thể sử dụng để tránh phải mất phí. Do vậy, phương án di dời trạm Bỉm Sơn về tuyến tránh phía Tây để hoàn vốn không khả thi.
Do không có bất cứ nguồn thu nào, nên việc duy tu, bảo trì tuyến tránh phía Đông và tuyến tránh phía Tây thuộc Dự án BOT Xây dựng Quốc lộ 1 đoạn tránh TP. Thanh Hóa đang là gánh nặng lớn với nhà đầu tư, với tổng kinh phí tối thiểu phải bỏ ra trong năm 2022 là 30 tỷ đồng, tạo thành những khoản nợ xấu cho các ngân hàng cho vay.
Liên quan đến chấm dứt hợp đồng trước thời hạn đối với hạng mục tuyến tránh phía Tây TP. Thanh Hóa, vào tháng 5/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Công văn số 3219/BKHĐT-KCHTĐT gửi Văn phòng Chính phủ để tham gia ý kiến về đề xuất của Bộ GTVT.
Tại văn bản này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, trong trường hợp không thể thu phí hoàn vốn cho tuyến tránh phía Tây và đề xuất phương án chấm dứt hợp đồng BOT trước thời hạn, Bộ GTVT cần rà soát toàn bộ nội dung hợp đồng đã ký, xác định rõ trường hợp được kết thúc hợp đồng trước hạn, trách nhiệm giữa các bên để đề xuất phương án xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
“Đối với nguồn vốn chi trả cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, Bộ GTVT cần cân đối trong tổng số kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định”, Công văn số 3219 do bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ký nêu rõ.
Tác giả: Anh Minh
Nguồn tin: Báo Đầu tư