Đến bao giờ mới hết ô nhiễm?
Được quy hoạch từ năm 1997 với diện tích hơn 2ha, đặt tại phường Bắc Sơn, thành phố Sầm Sơn, đây đươclà bãi rác thải lớn nhất thành phố biển này.
Khi mới đưa vào sử dụng, đây chính là nơi tập kết rác thải chung cho toàn khu vực. Cùng với sự phát triển của thành phố và lượng du khách ngày một tăng, lượng rác thải sinh hoạt và rác thải từ hoạt động du lịch ngày một nhiều đã khiến bãi rác đã quá tải.
Theo phản ánh của người dân địa phương, tình trạng quá tải gây ô nhiễm đã diễn ra nhiều năm. Bao năm qua, người dân nơi đây phải “gồng mình” với ô nhiễm, có những hộ không thể chịu được đã phải di dời đi nơi khác ở.
Ngành chức năng thành phố Sầm Sơn, cũng như tỉnh Thanh Hóa đã có những biện pháp khắc phục, nhưng đến nay, tình trạng này vẫn còn tiếp diễn, thậm chí ngày một ô nhiễm hơn.
Anh Nguyễn Hữu Cường, khu phố Quang Giáp, phường Trung Sơn, bức xúc: “Trước kia khi chưa có bãi rác, cuộc sống của chúng ổn định, yên tâm làm ăn, sinh sống. Nhưng mấy năm qua, bãi rác quá tải đã khiến những hộ dân gần đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhà tôi gần khu vực bãi rác nên không thể chịu được, ruồi nhặng bâu kín, mùi hôi thối nồng nặc. Nhiều hôm cả nhà phải mắc màn ăn cơm vì ruồi quá nhiều”.
Nhiều thời điểm trong ngày, không chỉ các hộ dân sống gần bãi rác mà nhiều hộ dân ở dọc tuyến đường từ ngã ba nhà tròn đến khu vực Đền Bà Triệu đều bị ảnh hưởng bởi mùi hôi thối.
Ao nước nằm trong khuôn viên bãi rác thải...
... được ngăn cách với sông Đơ bằng một bờ đất sơ sài.
Đặc biệt, bãi rác này nằm không xa Đền Đề Lĩnh, phố Khanh Tiến, phường Trung Sơn. Năm 1993, ngôi Đền đã được Bộ văn hóa cấp bằng Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Đồng thời, trường THPT Nguyễn Thị Lợi, phường Trung Sơn, thành phố Sầm Sơn cũng gần khu vực bãi rác. Đây đang là thời điểm nghỉ hè nên việc học sinh bị ảnh hưởng từ mùi hôi thối của bãi rác là chưa có. Tuy nhiên, chuẩn bị bước vào năm học mới nên với khoảng cách không xa thì việc bị ảnh hưởng bởi mùi hôi thối từ bãi rác là điều khó tránh khỏi.
Nước thải đen ngòm chảy trực tiếp ra sông Đơ
Không chỉ tình trạng quá tải rác thải, ngay trong bãi rác còn xuất hiện một cống nước thải ngầm đang chảy trực tiếp xuống sông Đơ. Rãnh nước thải đen ngòm bắt nguồn từ một cống nước được đặt ngầm dưới lòng đất.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, bãi rác chất cao như núi, mùi hôi thối nồng nặc. Nhiều bể lắng nằm cạnh sông Đơ nhưng được che chắn bởi một bờ đất rất đơn giản.
Tại các bể xử lý nước thải nằm trong khuôn viên bãi rác đang có dấu hiệu quá tải. Theo quan sát, những bể xử lý nước thải này được xây dựng ngay sát bờ sông Đơ, tiềm ẩn nguy cơ thẩm thấu và tràn xuống dòng Sông, gây ô nhiễm môi trường.
Theo người dân địa phương, tình trạng này đã diễn ra nhiều năm qua, có những lần xuất hiện tình trạng cá chết trên sông Đơ.
Được biết, năm 2014, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt dự án nâng cấp, cải tạo bãi rác thải của thị xã Sầm Sơn với tổng giá trị đầu tư ban đầu là 26,3 tỷ đồng. Dự án này nhằm mục đích làm giảm ô nhiễm môi trường, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân khu vực xung quanh.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc xử lý ô nhiễm tại bãi rác vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, gây bức xúc trong nhân dân. Cùng với đó là tình trạng ô nhiễm từ cống nước thải sinh hoạt chảy thẳng xuống dòng sông Đơ.
Đến bao giờ bãi rác thải sinh hoạt của thành phố biển Sầm Sơn mới hết ô nhiễm, gây ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Câu hỏi này xin gửi đến chính quyền, các ngành chức năng của địa phương này.
Tác giả: Thanh Tùng - Duy Tuyên
Nguồn tin: Báo Dân trí