Trong tỉnh

Kiểm tra công tác ứng phó với mưa bão tại Thanh Hóa

Nhằm ứng phó với tình hình áp thấp trên biển Đông, ngày 7/10, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai do ông Vũ Xuân Thành, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo làm Trưởng đoàn, đã làm việc với Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, do ảnh hưởng của vùng áp thấp, từ đêm 6-11/10, các tỉnh, thành phố Trung Bộ có khả năng mưa to đến rất to với tổng lượng mưa từ 300-500mm/đợt. Riêng khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi, lượng mưa dự báo có thể từ 500mm/đợt. Sau ngày 11/10, mưa lớn ở khu vực Trung Bộ còn diễn biến phức tạp và có khả năng kéo dài.

Kiểm tra tại đoạn sạt lở đê hữu sông Mã đoạn sát mố cầu Hàm Rồng, phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa và vết nứt chạy dọc thân đập hồ sông Mực, huyện Như Thanh, Đoàn công tác đánh giá cao công tác chuẩn bị ứng phó, phòng chống thiên tai của tỉnh Thanh Hóa. Đoàn yêu cầu tỉnh Thanh Hóa khẩn trương xử lý các sự cố, trong đó, sự cố đoạn nứt dọc thân đập hồ sông Mực cần khẩn trương làm rõ nguyên nhân để tìm ra hướng xử lý chính xác, kịp thời, không làm ảnh hưởng đến an toàn hồ đập khi mùa mưa bão đang đến rất gần.

Hồ sông Mực được xây dựng năm 1977, có dung tích chứa gần 200 triệu m3 nước, có nhiệm vụ cắt lũ cho sông Yên, cấp nước tưới cho hơn 11.000 ha sản xuất nông nghiệp, cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất công nghiệp cho 3 huyện Như Thanh, Nông Cống và thị xã Nghi Sơn. Từ giữa tháng 9/2020, thân đập của hồ sông Mực xuất hiện vết nứt dài khoảng 173m, chiều rộng từ 2-3 cm, chiều sâu khoảng 1m. Cùng với đó, cống lấy nước vào hồ có hiện tượng rò rỉ. Hiện sự việc đã được báo cáo lên UBND tỉnh Thanh Hóa để tìm hướng xử lý, khắc phục sự cố. Tạm thời, đơn vị quản lý công trình là Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Sông Chu đã lập chốt khống chế tải trọng, cấm xe ô tô, xe tải lưu thông qua đập, theo dõi 24/24 giờ để phát hiện và báo cáo kịp thời diễn biến của sự cố.

Đoàn công tác của Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Trung ương kiểm tra sự cố trên thân đập hồ sông Mực (huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa).

Đoàn công tác đề nghị các tỉnh, thành phố Trung Bộ, trong đó, tỉnh Thanh Hóa cần kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ chứa và hạ du, đặc biệt hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý tình huống có thể xảy ra. Đồng thời, các địa phương triển khai biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân, đề phòng lũ quét, sạt lở đất, khu vực dân cư có nguy cơ mất an toàn. Các địa phương phải tổ chức theo dõi 24/24 giờ để cảnh báo, xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Tỉnh Thanh Hóa có 610 hồ chứa, trong đó có 240 hồ chứa đầy nước, 370 hồ chứa có mực nước thấp hơn mực nước thiết kế từ 1m trở lên. Do ảnh hưởng của nắng nóng kéo dài, hiện, Thanh Hóa có 3 hồ có sự cố hư hỏng gồm hồ làng Hợi, hồ Trường Sơn, xã Xuân Du, huyện Như Thanh và hồ sông Mực, xã Hải Vân, huyện Như Thanh. Ngoài ra, trong 23 công trình đang thi công, 20 công trình khối lượng thi công ước đạt 65-98% cơ bản các hạng mục đầu mối, đảm bảo tiến độ vượt lũ, chống lũ an toàn; 3 công trình mới triển khai thi công khối lượng ước đạt 5-15%, chưa đảm bảo tiến độ vượt lũ, chống lũ an toàn.

Bên cạnh đó, từ đầu năm 2020 đến nay, do tình hình hạn hán, nắng nóng kéo dài đã gây ra một số sự cố nứt đê ở xã Quảng Phú, xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân; xã Hợp Thắng, huyện Triệu Sơn; xã Quảng Phúc, huyện Triệu Sơn; xã Thiệu Long, huyện Thiệu Hóa... Tất cả các sự cố trên đều được phát hiện và xử lý theo phương châm 4 tại chỗ. Hiện các địa phương đang tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến sự cố, đồng thời báo cáo cấp có thẩm quyền khẩn trương khắc phục.

Ngoài ra, theo rà soát, tỉnh Thanh Hóa có khoảng 50.000 hộ dân với hơn 201.000 nhân khẩu ở khu vực ven biển, cửa sông phải sơ tán khi có bão; gần 48.000 hộ dân với hơn 311.000 nhân khẩu nằm ở khu vực bãi sông, ven sông nơi không có đê phải sơ tán khi có lũ và khoảng 23.000 hộ ở vùng trũng thấp có nguy cơ ngập lụt. Đặc biệt, hơn 8.000 hộ với hơn 35.000 nhân khẩu ở khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.

Hiện, tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các ngành rà soát, bổ sung, hoàn thiện phương án huy động lực lượng tham gia công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã hiệp đồng với các đơn vị lực lượng vũ trang của Quân khu 4, sẵn sàng tham gia công tác phòng chống thiên tai. Đến nay, tất cả các địa phương đã thành lập, củng cố, kiện toàn Đội xung kích phòng chống thiên tai với 56.618 người tham gia…

Sau buổi làm việc với tỉnh Thanh Hóa, Đoàn công tác sẽ làm việc về công tác ứng phó với vùng áp thấp và mưa lũ lớn kéo dài tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

Tác giả: Hoa Mai

Nguồn tin: Báo Tin tức

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok