Trong kết quả báo cáo chuyên đề lồng ghép “Việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng giai đoạn 2020-2022; việc quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư cho lĩnh vực khoa học công nghệ giai đoạn 2020-2022; việc quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do địa phương quản lý giai đoạn 2020-2022” đối với tỉnh Thanh Hóa, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã chỉ ra hàng loạt hạn chế, vi phạm trong công tác xây dựng dự toán và thu ngân sách của tỉnh.
Lập dự toán ngân sách chưa sát thực tế
Theo KTNN, Cục Thuế tỉnh và một số huyện được kiểm toán xây dựng dự toán không sát với khả năng thu năm 2022 (chỉ bằng 63,5% so với số thực hiện thu năm 2022); 2 huyện giao dự toán thu ngân sách cấp huyện tăng so với dự toán tỉnh giao nhưng không ưu tiên bổ sung dự phòng ngân sách theo quy định tại khoản 9 Điều 3 Thông tư số 122/2021/TT-BTC ngày 24-12-2021 của Bộ Tài chính quy định về tổ chức thực hiện dự toán NSNN năm 2022.
Địa phương sau khi phân bổ dự toán chi thường xuyên các sự nghiệp đã bố trí dự toán đầu năm và dự toán trong năm để chi đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng các công trình, dự án chưa phù hợp tại khoản 4 Điều 12 Thông tư số 61/2021/TT-BTC ngày 26-7-2021 của Bộ Tài chính, số tiền gần 1.583 tỷ đồng.
UBND tỉnh ban hành các kế hoạch nhưng chưa trình HĐND tỉnh quyết định theo quy định tại khoản 8 Điều 30 Luật NSNN, gồm: Chương trình giáo dục phổ thông mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển Chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 và 2021-2022.
KTNN chỉ ra nhiều sai phạm trong lập dự toán và thu ngân sách của tỉnh Thanh Hóa |
Bố trí dự phòng ngân sách chưa đảm bảo mức từ 2-4% tổng chi ngân sách mỗi cấp theo quy định Luật NSNN (11 huyện); điều chỉnh dự toán cho các đơn vị sử dụng ngân sách sau ngày 15-11-2022 chưa đúng quy định Luật NSNN (5 huyện và 1 đơn vị dự toán); phân bổ chi cho hoạt động giảng dạy và học tập chưa đảm bảo tỷ lệ tối thiểu 19% theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg ngày 10-10-2021 của Thủ tướng Chính phủ (2 huyện); quyết định dự toán ngân sách địa phương, phân bổ ngân sách cấp huyện năm 2022 chậm so với quy định (4 HĐND huyện).
Thu ngân sách còn hạn chế
Báo cáo của KTNN cũng cho thấy, công tác thu ngân sách của tỉnh Thanh Hóa còn nhiều hạn chế. Cụ thể, tỉnh Thanh Hóa chưa thực hiện xử phạt đối với người nộp thuế chậm nộp hồ sơ khai thuế, còn tình trạng người nộp thuế không nộp hồ sơ kê khai thuế tại một số cơ quan thuế; chưa thực hiện cấp mã số thuế, lập bộ quản lý thuế đối với các hộ kinh doanh được cấp phép đăng ký kinh doanh (3 huyện); chưa lập, gửi danh sách sang Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện để thu hồi giấy phép kinh doanh đối với các hộ kinh doanh đã cấp giấy phép kinh doanh nhưng không kinh doanh (3 chi cục thuế khu vực).
Về công tác thanh tra, kiểm tra thuế, 2 chi cục thuế khu vực chưa thực hiện kiểm tra 100% hồ sơ khai thuế tháng, quý và chưa lập danh sách người nộp thuế có rủi ro thấp hoặc chưa có rủi ro theo quy định của Tổng cục Thuế; Cục Thuế tỉnh ban hành các công văn hướng dẫn công tác lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra và phê duyệt kế hoạch kiểm tra còn chậm.
Văn phòng Cục Thuế tỉnh chưa thực hiện đánh giá việc áp dụng quản lý rủi ro và báo cáo cơ quan thuế cấp trên, chưa sâu sát trong công tác đôn đốc, giám sát, hướng dẫn, kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế đối với các đơn vị theo Luật Quản lý thuế khi thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng các hoạt động cung cấp đất san lấp và cho thuê kho, xưởng, dẫn đến giảm thuế không đúng đối tượng cho 56 doanh nghiệp.
Về công tác quản lý các khoản thu từ đất. Cục Thuế tỉnh và 2 chi cục thuế khu vực ban hành thông báo về nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất không gửi Kho bạc Nhà nước (KBNN), Văn phòng Đăng ký đất đai theo quy định; 2 chi cục thuế khu vực chưa điều chỉnh hoặc chậm điều chỉnh đơn giá thuê đất ổn định sau 5 năm của 6 hộ dân; có 2 doanh nghiệp đến hạn phải điều chỉnh hợp đồng thuê đất nhưng chưa được cơ quan chức năng điều chỉnh theo quy định (huyện Hoằng Hóa).
Bên cạnh đó, UBND tỉnh điều chuyển 35 tài sản công đến Sở GTVT quản lý, trong đó còn 20 tài sản công chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Sở KH-CN có trụ sở làm việc hợp khối 2 trung tâm tại đường tránh Nam thành phố Thanh Hóa được UBND tỉnh giao và đưa vào sử dụng từ năm 2018 nhưng chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Về thu tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa, năm 2022, Sở Tài chính không thực hiện theo dõi theo quy định tại Quyết định số 27/2021/QĐ-UBND ngày 11-10-2021 của UBND tỉnh; cơ quan thuế không theo dõi và không xác định tiền chậm nộp đối với trường hợp nộp chậm.
UBND các huyện, thị xã, thành phố không tổng hợp kết quả thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa thuộc thẩm quyền của mình để gửi về Sở Tài chính theo quy định; Sở Tài nguyên và Môi trường chưa tổng hợp diện tích đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh theo từng huyện, thị xã, thành phố của năm trước liền kề, dự kiến diện tích đất trồng lúa năm báo cáo và 3 năm tiếp theo gửi về Sở Tài chính để tổng hợp, xây dựng dự toán báo cáo Bộ Tài chính theo quy định.
Tác giả: Thanh Hà
Nguồn tin: dttc.sggp.org.vn