Giáo dục

Khối ngành Sư phạm “rớt giá”, Bộ GD&ĐT nói gì?

Kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2018, khối các trường đào tạo sư phạm tiếp tục “tụt dốc” khi số lượng thí sinh giảm sút mạnh so với các năm trước. Tuy nhiên, theo Bộ GD&ĐT, điều này không bất ngờ, các trường vẫn ổn định nguồn tuyển và chất lượng sau khi Bộ nâng nhiều tiêu chí xét tuyển.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) đang giải đáp những thắc mắc của thí sinh. Ảnh: Q.Anh

Đăng ký vào sư phạm giảm mạnh

Năm 2018, để đăng ký xét tuyển vào ngành Sư phạm, thí sinh sẽ phải đảm bảo các điều kiện: Đối với trình độ đại học, xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại giỏi. Riêng các ngành Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục Thể chất xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên. Đối với trình độ Cao đẳng, trình độ Trung cấp, xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên. Riêng các ngành Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục Thể chất (ngành Cao đẳng), Sư phạm Thể dục thể thao (ngành Trung cấp) xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại trung bình trở lên.

Ngoài ra, theo Bộ GD&ĐT, kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2018 chỉ áp dụng ngưỡng đầu vào đối với các trường đào tạo sư phạm. Như vậy, để trúng tuyển vào ngành Sư phạm bậc ĐH, CĐ thí sinh sẽ phải đáp ứng nhiều yêu cầu đề ra, trong khi các khối đào tạo khác ngày càng được “nới” quy định đầu vào, dễ trúng tuyển hơn. Điều này khiến sức hút của các trường sư phạm vốn đã yếu, nay lại càng giảm mạnh. Cụ thể, tổng chỉ tiêu ngành Sư phạm giảm tới 38% so với năm trước. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tổng số nguyện vọng đăng ký vào ngành Sư phạm là 125.261, cũng giảm 29% so với năm trước. Như vậy, nếu so sánh với các khối ngành đào tạo khác thì rõ ràng ngành Sư phạm đang giảm mạnh sức hút.

Những thống kê nói trên khiến nhiều người lo ngại việc giảm chỉ tiêu, số lượng đăng ký nguyện vọng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ giáo viên chuẩn bị cho Chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, số lượng nguyện vọng 1 đăng ký vào ngành Sư phạm năm nay giảm 29% không nên quá quan ngại, bởi qua chủ trương đưa ra và số liệu đăng ký xét tuyển thì đây là kết quả khá khả quan. Dù có nhiều sự điều chỉnh, siết chặt hơn về điều kiện nguồn tuyển cho khối ngành Sư phạm nhưng khối ngành này vẫn có nhiều sức hút đối với thí sinh.

Theo tính toán của Bộ, năm 2018 sẽ cần tuyển khoảng 59.000 giáo viên để đáp ứng cho các tỉnh, thành. Về cơ bản, số sinh viên sư phạm chưa có việc làm và số sinh viên sẽ tốt nghiệp năm 2018, 2019 chưa có việc làm ngay là khoảng hơn 40.000. Khoảng 50% trong số đó vẫn chờ cơ hội để vào ngành Sư phạm, hoặc sẵn sàng bỏ công việc đang làm để quay lại ngành được đào tạo nếu có cơ hội.

Các trường phải tự “vượt khó”

Cũng theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, để chuẩn bị cho công tác tuyển sinh năm 2018 cũng như các năm sắp tới, Bộ đã yêu cầu mà các trường phải khảo sát thị trường để có những định hướng phát triển, các ngành Sư phạm của trường mình. Như vậy chúng tôi đang cùng các trường sư phạm, các ngành Sư phạm để khảo sát thông tin để quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm. Rồi sẽ dự tính về quy mô đào tạo trong những năm tới trên cơ sở dân số, nhu cầu học tập. Trên cơ sở những quy hoạch có tính dài hơi hơn thì các trường cũng có những kế hoạch chuyển đổi ngành nghề cho phù hợp với lực lượng của mình.

Trong tổng số chỉ tiêu Sư phạm năm nay, đáng chú ý là việc Bộ GD&ĐT vẫn giao 5.000 chỉ tiêu cho các trường Trung cấp Sư phạm. Trước những ý kiến cho rằng, việc giao nhiều chỉ tiêu cho bậc Trung cấp có mâu thuẫn với phương châm nâng cao chất lượng đầu vào ngành Sư phạm, Bộ GD&ĐT cho rằng, số lượng chỉ tiêu này vẫn thấp so với nhu cầu thực tế tại các địa phương hiện nay. Còn theo bà Kim Phụng, hiện nay các địa phương rất thiếu giáo viên mầm non, do đó đều mong muốn đào tạo nhanh để sử dụng ngay. Nhu cầu giáo viên mầm non tại các thành phố lớn hiện nay cũng rất cao.

Chia sẻ mối lo các trường Sư phạm sẽ khó khăn trong công tác tuyển sinh, bà Kim Phụng cũng cho rằng: “Các trường có thể gặp khó khăn để duy trì hoạt động, cần chi phí đổi mới, đánh giá, cơ cấu lại... Tuy nhiên, chủ trương nâng chuẩn đầu vào, giảm chỉ tiêu mà thí sinh vẫn đăng ký vào Sư phạm thì các thí sinh đăng ký xét tuyển vào Sư phạm năm nay có thể chất lượng hơn, thực sự yêu nghề, gắn bó với nghề hơn. Một mình Bộ GD&ĐT không bằng tất cả các hiệu trưởng, các giáo viên đều lo về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho trường mình để xây dựng chính sách chất lượng, xây dựng thương hiệu trường mình. Đa số các trường đều hiểu rằng, nếu không đi lên từ chất lượng thì trường sẽ tự hủy hoại mình”.

Đánh giá về sức hút của các trường Sư phạm hiện nay, GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cho biết: “Hiện nay quá nhiều sinh viên khối sư phạm ra trường không có việc làm, con số này khá lớn nên nhiều học sinh không lựa chọn theo ngành Sư phạm. Ngoài ra, lương thấp cũng là một yếu tố khiến các trường Sư phạm không thể cạnh tranh thu hút thí sinh giỏi như trường công an, quân đội, tài chính… Do đó, ngoài giảm chỉ tiêu còn phải nâng cao chất lượng đào tạo, có các chính sách ưu đãi cho các thí sinh giỏi về đảm bảo việc làm, mức lương tương xứng”.

Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, năm 2018, số nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào ngành Sư phạm là trên 125.000 nguyện vọng, giảm tới 29% so với năm 2017. Trong đó, số nguyện vọng 1 vào ngành Sư phạm chỉ trên 43.000, giảm 27% so với số nguyện vọng 1 năm 2017. Tổng chỉ tiêu vào các trường Sư phạm là 35.590, số chỉ tiêu xét kết quả thi THPT Quốc gia là 24.369 (giảm 22,8% so với năm ngoái) và các phương thức khác là 11.221 (giảm 55,3% so với năm 2017).

Tác giả: QUANG ANH

Nguồn tin: Báo Gia đình và Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok