Khô chuột đồng
Đứng đầu danh sách các món ăn “kinh dị” của miền Tây phải kể đến là món khô chuột đồng. Đây là đặc sản nổi tiếng ở vùng Tam Nông, Đồng Tháp. Chuột đồng ở miền Tây có 2 loại chính là chuột cơm và chuột cống nhum. Có thể săn chuột đồng quanh năm, từ tháng 10 đến tháng 3 âm lịch. Song ngon nhất, vẫn là chuột bắt sau vụ gặt. Mùa thu hoạch lúa cũng là lúc bà con nông dân thường xuyên tổ chức những buổi đi săn bắt, vừa cải thiện bữa cơm gia đình, vừa phơi khô để làm món ngon miệt đồng đãi khách.
Cách chế biến khô chuột đồng thơm ngon, được dân nhậu truyền tai nhau là vùi vào than củi nóng, khi chín lấy ra đập dập sạch than chấm muối tiêu chanh, hoặc chặt miếng vừa chiên nhỏ lửa đến khi giòn rụm, ăn vừa bùi, vừa ngậy, béo, lại có vị cay cay, thơm thơm của các loại gia vị.
Khô rắn
Vào mùa lũ, rắn xuất hiện nhiều ngoài các đồng ruộng ngập nước ở An Giang. Người dân An Giang bắt được rất nhiều nên đã sáng tạo ra món khô rắn như các loại khô nhái, khô cá lóc nổi tiếng. Ban đầu, họ chỉ phơi nguyên con còn cả xương. Nhưng dần các cơ sở làm khô chỉ lóc lấy thịt làm khô, còn xương và da thì làm nguyên liệu cho các món khác.
Khô rắn làm khó hơn các loại khô cá khác. Để cho ra miếng khô rắn hảo hạng phải làm qua nhiều công đoạn khéo léo. Trong đó, thịt rắn làm khô rắn là loại rắn nước và rắn bông súng có nhiều vào mùa nước nổi.
Sau khi rắn được lấy từng miếng thịt ra khỏi xương. Thịt này sẽ được rửa sạch và tẩm ướp gia vị tự nhiên. Sau đó thịt rắn sẽ được kết thành từng miếng mỏng mang phơi 2-3 nắng. Tất cả các công đoạn đều phải đảm bảo vệ sinh, an toàn. Trước khi đóng gói, hút chân không, khô rắn sẽ được tuyển lựa lại một lần nữa để đảm bảo hàng bán ra cho khách luôn là loại chất lượng tốt nhất.
Thông thường người miền Tây thường chế biến khô rắn bằng cách mang nướng hoặc chiên. Khô rắn nướng với than vừa đủ hơi nóng để thịt chín đều, đảm bảo bên ngoài hơi xém còn phần trong ngọt tự nhiên. Xé từng miếng khô nướng vàng xém, chầm chậm nhai để cảm nhận vị ngọt và mùi thơm khó tả đang lan đều trên cánh mũi.
Các món ăn chế biến từ dơi
Người dân miệt sông nước chỉ sử dụng hai loại dơi chính dơi sen và dơi quạ để chế biến món ăn. Dơi quạ là dơi đen và to con hơn, dơi sen màu lông chuột. Hai loại dơi này đều xấu và hôi nhưng dơi bắt được ngửi càng hôi thì thịt lại càng thơm và trở thành món nhậu ngon trứ danh của người dân nơi đây.
Để làm món dơi ngon, thao tác làm thịt dơi phải đúng cách, nếu không thịt dơi sẽ mất đi hương thơm và vị ngọt. Đặc biệt, khi làm thịt dơi không được rửa nước. Người chế biến nắm cánh dơi, lột da, rồi ngắt phía sau rút hết ruột, thế là xong.
Dơi nhờ ăn toàn trái cây nên thịt rất ngon, ăn rất mát và bổ, có thể chế biến thành nhiều món như: dơi khìa nước dừa, trộn gỏi bắp cải, cuốn bánh tráng chấm nước mắm chua ngọt, nướng chao, nướng than tàu…nhưng nhiều người rất thích nhất vẫn là món dơi sen nấu cháo và dơi xào lăn.
Nghe thì có vẻ hấp dẫn, nhưng những người lần đầu được chứng kiến các món chế biến từ dơi cũng thấy "chết khiếp" bởi con dơi trông rất đen, xấu và trông dữ tợn. Tuy nhiên, bỏ qua cảm giác ngại ngần ban đầu thì chắc chắn bạn sẽ bị hấp dẫn bởi mùi vị thơm ngọt tự nhiên, đậm đà của loại đặc sản chỉ có ở vùng miệt vườn sông nước này.
Bọ cạp Bảy Núi
Một trong những món ăn “trứ danh” không thể không nhắc đến khi đi du lịch ở đây là món bọ cạp. Khác với những nơi khác, bọ cạp Bảy Núi có màu đen nhánh, hai càng to, thường sống tận vùng núi cao. Để bắt được những con bọ cạp to béo nhất, người dân phải chuẩn bị một cây cuốc, kẹp, một chiếc xô và phải lặn lôi vào vùng núi sâu mới có. Bọ cạp thường sống ở dưới những tảng đá. Để săn được đặc sản này không khó, những người thợ lành nghề chỉ cần thao tác đơn giản lật đá sau đó kẹp bọ cạp, bỏ vào xô.
Bọ cạp sau khi bắt về được cho vào thau vài ngày cho sạch bụng. Sau đó, người dân chỉ việc để nguyên con và rửa sạch, cho vào chảo mỡ hoặc dầu đang sôi. Khoảng vài phút sau, bọ cạp chín sẽ bốc mùi thơm hấp dẫn. Bọ cạp được ăn nóng, dùng kèm với rau thơm, cà chua, dưa leo và vài cọng ngò, chấm với muối tiêu chanh. Khi thưởng thức, cắn miếng bọ cạp, nghe nổ giòn trong miệng, vị beo béo, ngọt và thơm của thịt hòa quyện với các loại rau thơm tạo nên hương vị hấp dẫn, thơm ngon đặc trưng mà không món nào có được.
Đuông dừa
Đuông dừa là ấu trùng dạng sâu của bọ kiến dương - món ăn đặc sản của vùng Tây Nam Bộ. Trong đó, món ăn phổ biến nhất được chế biến từ đuông dừa là chấm mắm ớt ăn sống. Con đuông còn ngọ nguậy đặt trong bát nước mắm ớt cay, cứ thế gắp bỏ vào miệng sẽ cảm nhận được vị béo bùi mà nhiều người nói giống y như lòng đỏ trứng gà tan dần trong khoang miệng.
Tuy vậy, không phải ai cũng dám thử món đặc sản này vì hình dạng đuông dừa dễ gây cảm giác sợ nhất là việc thưởng thức chúng khi còn sống. Hiện nay, loại vậy này đã bị cấm nuôi và phân tán dưới mọi hình thức do có hại cho môi trường.
Tác giả: Hiệp Nguyễn
Nguồn tin: Báo Dân trí