Thể thao

Khi bóng đá Thái Lan đặt U22 Việt Nam ở vào “cửa trên”

Người Thái vẫn đặt mục tiêu bảo vệ bộ HCV môn bóng đá nam SEA Games. Tuy nhiên, khác với những kỳ giải trước, lần này đội bóng đất Chùa Vàng khẳng định U22 Việt Nam sẽ là thách thức rất lớn, là ứng cử viên nặng ký có thể tranh chấp với họ.

Thành phần U22 Thái Lan tham dự SEA Games 29 không mạnh như các kỳ SEA Games trước. HLV Worrawoot Srimaka không bắt buộc phải sử dụng những cầu thủ đã thành danh ở đội tuyển quốc gia Thái Lan, vẫn còn trong lứa tuổi 22 cho Đại hội thể thao Đông Nam Á.

Cũng từ 2 kỳ SEA Games gần đây, bóng đá xứ Chùa Vàng đã có sự thay đổi đáng kể về mặt triết lý phát triển các đội tuyển. Hiện tại, HLV đội tuyển quốc gia Thái Lan không còn kiêm nhiệm đội tuyển U22 như các năm trước, khác hẳn với nhiều nền bóng đá tại Đông Nam Á, trong đó có bóng đá Việt Nam.

Trong khi đó, đội tuyển U22 Việt Nam hiện tại gần như là đội tuyển quốc gia của chúng ta. Bởi, trong đội tuyển U22 hiện nay có 6 – 8 gương mặt thường xuyên đá chính hoặc đủ sức đá chính ở đội tuyển quốc gia.

U22 Việt Nam được các đối thủ đánh giá rất cao tại SEA Games 29

Số này có trung vệ Bùi Tiến Dũng, hậu vệ phải Vũ Văn Thanh, tiền vệ Lương Xuân Trường, Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Văn Toàn, tiền đạo Nguyễn Công Phượng. Nếu kể thêm Duy Mạnh và Quang Hải cũng thường xuyên có mặt trong các trận đấu của đội tuyển, thì U22 Việt Nam hiện nay chiếm đến 3/4 đội hình chính thức của đội tuyển quốc gia Việt Nam.

Đấy chính là lý do mà ngay đến người Thái bây giờ cũng đánh giá rất cao đội tuyển U22 của HLV Nguyễn Hữu Thắng. Trưởng đoàn U22 Thái Lan Wathanya nhận xét: “Việt Nam rất mạnh. Họ có một lực lượng nhiều năm chơi cùng nhau, nên họ hiểu nhau”.

“Việt Nam cũng tăng nhiều cầu thủ giỏi mới dự VCK World Cup U20. Họ chính là thách thức lớn với chúng tôi trong việc bảo vệ ngôi vô địch SEA Games” – bà Wathanya nói thêm.

Lý do khác mà Thái Lan cũng như các đối thủ đánh giá rất cao U22 Việt Nam, bởi đội bóng của HLV Nguyễn Hữu Thắng có lẽ là đội chuẩn bị kỹ nhất và dài nhất cho SEA Games 29. Để chuẩn bị cho Đại hội thể thao Đông Nam Á sắp khai diễn, bóng đá Việt Nam sẵn sàng tạm ngưng V-League đến nhiều tháng trời, để U22 Việt Nam tập trung, điều mà các quốc gia khác không thực hiện.

Quá trình hướng đến SEA Games của Công Phượng và các đồng đội thậm chí còn bắt đầu từ năm ngoái, tính từ thời điểm HLV Nguyễn Hữu Thắng nhận lời dẫn dắt các đội tuyển Việt Nam, với hàng loạt những ưu đãi cho đội U22 Việt Nam, hoặc những cầu thủ trong lứa tuổi 22 hướng đến SEA Games.

Đội tuyển quốc gia liên tục được trẻ hoá, với mục đích là tạo điều kiện cho các cầu thủ trong lứa tuổi 22 được thi đấu nhiều nhất có thể, chuẩn bị cho SEA Games. Những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường nhận được hàng loạt ưu đãi để có cơ hội tìm lại phong độ trong đội tuyển quốc gia, bất kể phong độ ở CLB chủ quản.

Lứa cầu thủ giàu tiềm năng vừa nêu yếu về thể lực, họ lặp tức được bổ sung chuyên gia thể lực người nước ngoài, được bổ sung dinh dưỡng nhằm tăng cường sức mạnh và sức bền (từ nhà tài trợ sữa IQLac Pro). Tất cả đều nhằm mục tiêu lật đổ Thái Lan để tranh HCV SEA Games.

Bây giờ thì người Thái và phần còn lại của bóng đá Đông Nam Á thật sự e ngại U22 Việt Nam, chứ không còn là thái độ và những phát biểu mang tính xã giao như các kỳ SEA Games trước.

Vấn đề còn lại là U22 Việt Nam, là Công Phượng và các đồng đội thể hiện ra sao, chống chịu áp lực như thế nào một khi được đặt vào thế “cửa trên” ở đấu trường khu vực? Vì khi người Thái và cả người Mã khôn ngoan đẩy U22 Việt Nam vào thế cửa trên, họ cũng âm thầm dồn áp lực lên vai thầy và trò HLV Nguyễn Hữu Thắng!

Tác giả: Kim Điền

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok