Trong tỉnh

Khách sạn Công đoàn Sầm Sơn trước nguy cơ bị "thôn tính"

Có nhiều nghi vấn đặt ra xoay quanh thương vụ hợp tác giữa Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa với Công ty Lam Sơn về việc phát triển khách sạn Lam Sơn - Công đoàn Thanh Hóa. Nguy cơ Khách sạn Công đoàn Sầm Sơn bị tư nhân thâu tóm hiện hữu trong tương lai gần.

Góp vốn hay chiêu thức thâu tóm từ từ?

Khách sạn Công đoàn Sầm Sơn (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) tọa lạc trên diện tích 2ha ở vị trí đất vàng tại TP. Sầm Sơn (Thanh Hóa) bỗng nhiên thay đổi biển tên "Khách sạn Lam Sơn - Công Đoàn Thanh Hóa". Đây là kết quả của thương vụ hợp tác đầu tư giữa Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam với Công ty TNHH Lam Sơn (Công ty Lam Sơn) có thời hạn 50 năm.

Các tài liệu mà phóng viên Reatimes có được cho thấy, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đã ủy quyền trực tiếp cho Liên đoàn lao động tỉnh Thanh Hóa đứng ra chọn đối tác hợp tác đầu tư để xây dựng hai khách sạn (một khách sạn 5 sao và 1 khách sạn 3 sao) mới trên diện tích đất mà Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đang được giao.

Khách sạn Công đoàn Sầm Sơn nay đã có tên mới.

Sau khi xây dựng xong, Công ty Lam Sơn sẽ là đơn vị được giao trực tiếp vận hành kinh doanh trong thời hạn 50 năm kể từ ngày ký kết. Hằng năm, Lam Sơn sẽ chia lợi nhuận với tổ chức công đoàn theo tỷ lệ góp vốn: Tổ chức công đoàn góp 32% vốn tương đương với 112 tỷ đồng (trong đó có 36 tỷ đồng là tài sản trên đất, 76 tỷ đồng là lợi thế sinh lời mảnh đất, không tính giá trị mảnh đất. Công ty Lam Sơn góp 68% vốn tương đương với số tiền hơn 200 tỷ đồng là tiền dùng để xây dựng 2 khách sạn kinh doanh trên mảnh đất của Công đoàn với tổng vốn 320 tỷ đồng).

Theo hợp tác giữa hai bên, việc vận hành khách sạn mới sẽ sử dụng toàn bộ lao động của tổ chức Công đoàn hiện có tại khách sạn Công Đoàn và hằng năm Công ty Lam Sơn phải chuyển 1,7 tỷ đồng cho tổ chức Công đoàn bất kể tình hình kinh doanh thua lỗ.

Được biết, Khách sạn Công đoàn Sầm Sơn, trực thuộc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam được tỉnh Thanh Hóa giao đất 50 năm (1976 - 2026), có 100% vốn sở hữu của Công đoàn.

Sau hợp tác 2ha đất vàng sẽ vào tay ai?

Liên quan đến thương vụ hợp tác giữa Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa và Công ty Lam Sơn, một số nguồn tin cho biết, có khả năng khách sạn đã bị bán đứt cho tư nhân và việc hợp tác đầu tư có thể chỉ là cái cớ hợp thức hóa cho cuộc mua bán trong tương lai gần. Từ đó, hàng loạt nghi vấn về tính minh bạch quanh việc hợp tác đầu tư này được đặt ra.

Cụ thể, đến năm 2026 là lúc hết thời hạn 50 năm Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa được tỉnh giao đất. Vậy, sau khoảng thời gian này, số phận của hơn 2ha đất khách sạn sẽ ra sao?

Chưa kể, câu hỏi cũng đặt ra về việc quy đổi giá trị tài sản của khách sạn công đoàn cũ tương đương 32% (bên góp vốn – Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) để xây dựng khách sạn liệu có chính xác? Các tài sản đó bao gồm những gì? Việc chỉ còn nắm giữ 32% trong tổng giá trị xây dựng khách sạn mới thì Công đoàn liệu có còn nắm quyền chi phối khách sạn hay không? Liệu có bị tư nhân chi phối, kiểm soát? Điều này có đúng quy định không? Nếu xảy ra thất thoát thua lỗ trong liên doanh thì ai phải chịu trách nhiệm?

Ông Ngô Tôn Tẫn, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa (trái).

Trước những thắc mắc trên, trao đổi với phóng viên, ông Ngô Tôn Tẫn, Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Thanh Hóa lý giải về thương vụ hợp tác đầu tư này là việc làm hợp lý: "Vì Công đoàn không có tiền đầu tư nên khách sạn này đã xuống cấp nhiều năm, do đó cơ quan phải hợp tác với đối tác để xây dựng khách sạn. Việc này đã có chủ trương của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. Quan điểm của Công đoàn là chỉ liên doanh, liên kết chứ không thành lập công ty cổ phần. Các bước thẩm định hồ sơ thẩm định nhà đầu tư được thực hiện một cách bài bản, đúng quy định", ông Tẫn nói.

Trước lo ngại về việc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ mất quyền chi phối, kiểm soát khách sạn khi chỉ còn nắm giữ 32% trong tổng giá trị xây dựng khách sạn mới, ông Tẫn không trả lời đúng trọng tâm vấn đề phóng viên hỏi: "Vấn đề này được ràng buộc trong hợp đồng. Không phải họ thích xây thế nào thì xây. Việc xây dựng ra sao phải được Tổng liên đoàn đồng ý".

Một số nhà đầu cơ bất động sản tại Thanh Hóa cho rằng, vị trí đất tại Khách sạn Công Đoàn cũ sẽ có giá từ 70 đến 100 triệu đồng/m2. Như vậy với 2ha đất, nếu tính theo giá đất trên thì khách sạn này có giá trị cả nghìn tỷ. Do đó, trong thương vụ hợp tác này, rất có thể Công đoàn sẽ chịu thiệt và nguy cơ tư nhân thâu tóm khách sạn đang hiện ra trước mặt?

Khi được hỏi về việc 2ha đất vàng trên của tổ chức công đoàn không sớm thì muộn cũng sẽ về tay Công ty Lam Sơn bởi chỉ còn không đầy 7 năm nữa sẽ hết thời hạn giao đất cho công đoàn, ông Tẫn cho rằng, chuyện này rất khó xảy ra: "Hết thời gian thì chúng tôi xin thuê thêm. Cái này có quy định trong hợp đồng", ông Tẫn nói.

Trước tình huống phóng viên đặt ra nếu như doanh nghiệp làm ăn thua lỗ phá sản thì lấy tiền đâu để chi trả cho tổ chức Công đoàn, ông Tẫn cho biết: "Chúng tôi không quan tâm, nếu họ làm ăn thua lỗ thì hằng năm vẫn phải trả cho Công đoàn 1,7 tỷ đồng".

Khi phóng viên đề nghị được tiếp cận hồ sơ của thương vụ hợp tác trên thì ông Ngô Tôn Tẫn chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Thanh Hóa từ chối cung cấp và lấy lý do, việc này phải được sự đồng ý của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam. Nếu nhà báo cần thì có thể tiếp cận tại Tổng liên đoàn lao động Việt Nam.

Tác giả: An Nguyên

Nguồn tin: Reatimes.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok